Elon Musk và SpaceX cách mạng hóa ngành hàng không vũ trụ thế nào?
Sau hơn 20 năm kể từ ngày thành lập, SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã góp phần thay đổi diện mạo ngành hàng không vũ trụ, truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp tư nhân nhảy vào cuộc đua vươn xa trong không gian.p tóm tắt
Elon Musk chưa từng được đào tạo một cách bài bản về hàng không vũ trụ. Kiến thức ông có được đều thông qua tự học.
“Tôi tự học - tôi không có bằng cấp về hàng không vũ trụ”, Elon Musk từng chia sẻ trong một buổi phỏng vấn. “Tôi có kiến thức nền về vật lý. Đây là nền tảng tương đối hữu dụng. Sau đó, tôi đọc nhiều sách và nói chuyện với nhiều người thông minh”.
Trong cuốn “Tiểu sử Elon Musk”, tác giả Walter Isaacson cho biết ngay khi có ý tưởng về việc phóng tên lửa lên sao Hỏa hồi năm 2001, Elon Musk đã tới thư viện công cộng để đọc sách về kỹ thuật tên lửa, cũng như gọi điện cho các chuyên gia để hỏi mượn sách.
“Tại một buổi họp mặt của các cựu nhân viên PayPal ở Las Vegas, anh ngồi trong một căn lều bên hồ bơi và đọc cuốn sách hướng dẫn về động cơ tên lửa của Nga đã sờn rách”, ông Isaacson kể.
Nhờ khả năng tự học, Elon Musk trở thành một trong những cá nhân có ảnh hưởng nhất với lĩnh vực hàng không vũ trụ thế giới đương đại. Công ty SpaceX - nơi ông là người sáng lập, giám đốc điều hành kiêm giám đốc kỹ thuật - được coi là nhân tố thúc đẩy một cuộc “cách mạng” hàng không vũ trụ theo hướng giảm giá thành và tăng hiệu quả.
Các công nghệ tiên phong
Khi nhắc đến SpaceX, không thể không nhắc đến tên lửa đẩy tái sử dụng Falcon 9 - sản phẩm đột phá trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ. Công nghệ này giúp SpaceX thực hiện nhiều vụ phóng chỉ bằng một tên lửa, giảm đáng kể chi phí của các chuyến du hành vào không gian.
Sau thành công của Falcon 9, SpaceX tiếp tục phát triển Falcon Heavy - về bản chất là biến thể của Falcon 9 nhằm tăng tải trọng trên mỗi lần phóng, giúp đưa các loại hàng hóa nặng hơn lên vũ trụ.
Để thu hồi tên lửa đẩy sau các vụ phóng, SpaceX đã phát triển các “nhà ga tên lửa tự hành” nổi trên mặt nước (ASDS). Các phương tiện không người lái này được đưa đến vùng biển nơi tên lửa hạ cánh để “đón” tên lửa và đưa về bờ.
Giờ đây, SpaceX đang hướng đến dự án tham vọng hơn: Tàu vũ trụ Starship. Loại phương tiện có khả năng mang theo nhiều loại hàng hóa siêu nặng lên vũ trụ mà vẫn tái sử dụng được hoàn toàn - khác với Falcon 9 và Falcon Heavy, vốn chỉ có thể tái sử dụng một phần.
Ngoài tên lửa đẩy, SpaceX chú trọng phát triển tàu vũ trụ Dragon và Dragon 2 với mục tiêu vận chuyển hàng hóa, nhân lực giữa Trái Đất và Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Năm 2012, tàu Dragon của SpaceX là tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên ghép nối với ISS. Giống với dòng tên lửa Falcon, tàu vũ trụ của SpaceX có thể tái sử dụng một phần, giúp cắt giảm chi phí.
Cách mạng hóa ngành hàng không vũ trụ
Việc tái sử dụng tên lửa đẩy và tàu vũ trụ giúp SpaceX giảm giá thành mỗi vụ phóng - đúng với nguyện vọng ban đầu của Elon Musk. Mỗi suất phóng bằng tên lửa Falcon 9 và Falcon Heavy được bán với giá lần lượt là 67 triệu USD và 97 triệu USD, thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Ví dụ, theo mức giá cuối năm 2020, khách hàng phải bỏ ra hơn 100 triệu USD cho mỗi lượt phóng tên lửa Atlas V của công ty United Launch Alliance, vốn không mạnh mẽ bằng Falcon 9.
Các vệ tinh nhỏ thậm chí chỉ phải trả mức giá thấp hơn nhiều. Giá phóng vệ tinh 200 kg lên quỹ đạo đồng bộ Mặt trời (SSO) của SpaceX chỉ từ 1,1 triệu USD. Với mỗi kg vượt qua con số trên, khách hàng trả thêm 5.500 USD.
Giờ đây, các công ty hay tổ chức có quy mô nhỏ cũng có thể phóng vệ tinh lên vũ trụ. Trước đây, do chi phí cao, chỉ có các chính phủ và công ty lớn làm được điều này.
Trong khi đó, theo ước tính của NASA, chi phí mỗi chuyến thám hiểm vũ trụ bằng tàu SpaceX Dragon 2 là khoảng 55 triệu USD, thấp hơn đáng kể so với mức giá 90 triệu USD của Boeing Starliner và 85 triệu USD của chương trình Soyuz (Nga).
Ngoài lợi ích kinh tế, tên lửa tái sử dụng còn thân thiện với môi trường. Nhờ giảm thiểu số lượng vật thể thải ra sau mỗi vụ phóng, SpaceX giúp giảm rác thải không gian - một trong những vấn đề đau đầu nhất với ngành hàng không vũ trụ trong hàng thập kỷ qua.
Elon Musk và SpaceX còn giúp truyền cảm hứng sáng tạo tới nhiều công ty khác trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ. Trên thực tế, SpaceX không phải công ty đầu tiên nghĩ đến việc tái sử dụng tên lửa đẩy. Tuy nhiên, thành công của SpaceX đã thổi làn gió mới vào tham vọng này. Sau SpaceX, hàng loạt công ty đang phát triển tên lửa đẩy tái sử dụng của riêng mình.
Một trong số đó là Rocket Lab của doanh nhân người New Zealand Peter Beck, công ty sản xuất và phóng các loại tên lửa mang theo vệ tinh nhỏ. Năm 2020, Rocket Lab lần đầu thu hồi thành công tên lửa bằng dù sau khi đưa 30 vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo Trái Đất. Công ty này thậm chí nghiên cứu khả năng thu hồi tên lửa bằng trực thăng.
Nhìn rộng hơn, SpaceX chứng minh các công ty tư nhân hoàn toàn có thể dấn sâu vào ngành hàng không vũ trụ - vốn được xem như “lãnh địa” dành riêng cho các chính phủ với nguồn lực lớn.
“Trước đây, công việc tốt nhất mà bạn có thể có được là tại NASA”, giáo sư kỹ thuật vũ trụ Thomas Zurbuchen tại Đại học Michigan (Mỹ) nói với Christian Science Monitor. Tuy nhiên, giờ đây các công ty tư nhân, khởi nghiệp sẽ giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh nhân sự dù trả lương thấp hơn các tập đoàn lớn hay NASA, giáo sư Zurbuchen chỉ ra.
Con đường gập ghềnh và thành quả xứng đáng
Hành trình của Elon Musk và SpaceX hoàn toàn không bằng phẳng. SpaceX ra đời năm 2002, từ khi đó, tham vọng của Musk đã không chỉ dừng lại ở quỹ đạo Trái Đất: Ông muốn SpaceX vươn tới Sao Hỏa, đưa con người tiếp cận “hành tinh đỏ” với chi phí thấp hơn các phương án khác.
Theo tác gia Issacson, Elon Musk đã rất bất ngờ khi biết NASA không có ý định đưa người lên Sao Hỏa. “Tôi nghĩ sẽ sốm thôi, vì chúng ta đã lên Mặt Trăng vào năm 1969, nên chắc hẳn chúng ta sắp lên Sao Hỏa”, Musk chia sẻ.
Bản thân Elon Musk ban đầu thừa nhận kế hoạch này “điên rồ”. Tuy nhiên, ông nhận thấy nếu áp dụng các kỹ thuật sản xuất hiệu quả hơn, giá thành sẽ giảm đáng kể.
Tới năm 2005, SpaceX vẫn chỉ có chưa đầy 200 nhân viên - đều được Elon Musk đích thân phỏng vấn và lựa chọn. Dự án lớn đầu tiên của công ty là tên lửa đẩy Falcon 1. Nhưng ba vụ phóng liên tục trong giai đoạn 2006-2008 thất bại khiến SpaceX suýt phá sản.
May mắn, vụ phóng thứ tư ngày 28/9/2008 thành công. Đây là cơ sở để SpaceX phát triển Falcon 9, phóng thành công lần đầu năm 2010.
Dẫu vậy, SpaceX phải mất thêm 5 năm và nhiều lần phóng khác để có thể điều khiển thành công Falcon 9 hạ cánh trên mặt đất như ý muốn.
Giờ đây, vị thế của SpaceX và Elon Musk trong ngành hàng không vũ trụ đã được thừa nhận rộng rãi. Một bài xã luận được đăng tải đầu tháng 12/2023 trên China Space News cảnh báo các cán bộ hàng không vũ trụ Trung Quốc cần nhận diện được thách thức trong bối cảnh SpaceX đang định hình lại lĩnh vực du hành vũ trụ, khiến Trung Quốc “bị tụt lại phía sau”.
Còn với bản thân Elon Musk, ông ý thức việc bản thân có thể làm ra rất nhiều tiền, nhưng không thể tạo ra được cuộc sống liên hành tinh chỉ với các tên lửa Falcon. Vậy trong tương lai, vị tỷ phú này và SpaceX có thể tiếp tục cuộc cách mạng với ngành hàng không vũ trụ theo hướng nào?
Câu trả lời là Starship - “con ngựa thồ vũ trụ” siêu trọng mà SpaceX đang phát triển. Đây chính là điều mà Elon Musk sẽ dồn nguồn lực thúc đẩy trong thời gian tới để thỏa mãn khát vọng ban đầu là đưa con người lên Sao Hỏa.
“Theo tôi, có khả năng tàu không người lái thử nghiệm hạ cánh tại Sao Hỏa trong vòng 4 năm tới”, Elon Musk nói trong một sự kiện trực tuyến hồi tháng 10/2023.