Đến Đại Lý thăm nhà A Dao và ăn bánh hoa hồng
Vốn không xa lạ với khách du lịch Việt Nam, nhưng Đại Lý (Vân Nam, Trung Quốc) từ khi là bối cảnh diễn ra chuyện tình đẹp như mơ của A Dao và Hứa Hồng Đậu trong bộ phim “Đi đến nơi có gió” mới trở thành điểm đến mơ ước của nhiều bạn trẻ.
Không chỉ khách yêu xê dịch, Đại Lý trong năm qua cũng được nhiều sao Việt như Việt Anh, Lã Thanh Huyền, Quỳnh Nga… đến thăm, khoe cảnh chơi vui, chụp ảnh “xịn”.
Đại Lý - Thành phố nghìn năm tuổi
Nổi tiếng với tên gọi là “thành phố nghìn năm tuổi”, có lịch sử và văn hóa lâu đời của Trung Quốc, Đại Lý nằm ở phía tây bắc tỉnh Vân Nam, đối diện với hồ Erhai ở phía Đông và núi Dangcang ở phía Tây.
Năm 2023, khi bộ phim truyền hình dài tập “Đi đến nơi có gió” do sao nữ Lưu Diệc Phi và sao nam Lý Hiện thủ vai chính với bối cảnh được quay tại Đại Lý, nơi này trở thành điểm đến nổi tiếng. Nhiều du khách còn đánh giá, Đại Lý là điểm “phải đến một lần trong đời”.
Đại Lý vốn là vương quốc của người Bạch, được hình thành và tồn tại từ năm 937 đến khoảng 1253. Ngày nay, Đại Lý là thủ phủ châu tự trị của dân tộc Bạch. Đến Đại Lý là đến một vùng danh thắng du lịch với nhiều điểm tham quan như cổ trấn Sa Khê, hồ Nhĩ Hải, núi Thương Sơn, thành cổ Đại Lý, cổng Đông Trại, nhà hát cổ… Nhà bà A Dao - nam chính "vạn người mê" trong bộ phim nói trên cũng ở Đại Lý.
Điều đặc biệt, thành cổ Đại Lý bình yên, nội ô cấm xe cộ nên du khách có thể thoải mái tản bộ. Trong phim, với quyết tâm rời bỏ công việc quản lý khách sạn nhiều áp lực, đến một nơi bình yên để tìm lại chính mình khi cô bạn thân Trần Nam Tinh qua đời, Hứa Hồng Đậu, nữ chính của “Đi đến nơi có gió”, đã phải một mình kéo chiếc vali to tướng, trên con đường đá gồ ghề vào thị trấn.
Không chỉ vắng bóng tiếng còi xe hay khói bụi công nghiệp, ở Đại Lý cũng không có các công trình cao tầng hiện đại. Thay vào đó, nơi đây vẫn lưu giữ được nhiều kiến trúc lịch sử giá trị, những góc phố đơn sơ cổ kính với những bức tường đá rêu phong in đậm màu thời gian. Lối sống chậm rãi, không xô bồ cùng thiên nhiên hữu tình khiến du khách say đắm, lạc lối về.
Đến Đại Lý không thể bỏ qua hồ Nhĩ Hải, thôn Lưu Quan Hán hay Phượng Dương Ấp, nơi có quán trọ Sân vườn có gió mà Hồng Đậu đã trú chân. Quán trọ này hiện vẫn hằng ngày mở cửa đón khách đến uống trà, thưởng cảnh.
Còn hồ Nhĩ Hải hay được gọi là Diệp Du Trạch, Côn Di Xuyên, Tây Nhị Hà trong thời kỳ cổ đại. Đây là một trong số 16 hồ thuộc khu bảo hộ tự nhiên cấp quốc gia của Trung Quốc. Hồ Nhĩ Hải có hình dạng giống một cái tai (Nhĩ), với diện tích rộng khoảng 250 km2.
Vẻ đẹp của hồ Nhĩ Hải, chắc chắn phải say đắm lòng người nên mới có màn tỏ tình đến người ngoài cuộc cũng phải “đổ” của nhân vật Tạ Chi Dao: “Tôi muốn tặng em một đoạn hồi ức. Ở bên bờ biển, một nơi có gió thổi qua, dưới sự chứng kiến của ráng chiều và hoàng hôn, có một người thật lòng thích em!”.
Bánh hoa Đại Lý – món quà vặt nức tiếng
Thật thiếu sót nếu dạo chơi Đại Lý mà chưa thưởng thức trà Phổ Nhĩ và bánh hoa hồng đặc sản. Chiếc bánh với mùi vị đặc trưng của các nguyên liệu địa phương. Vỏ bánh mềm, mỏng, xốp tan ngay trong miệng trong khi nhân bánh thơm ngọt dịu nhẹ của cánh hoa hồng tươi.
Đến Đại Lý, nếu không thể cùng thím A Quế tự tay làm món bánh hoa hồng với các nguyên liệu tươi ngon, công thức tỉ mỉ như Hứa Hồng Đậu, du khách vẫn có thể tìm mua và thưởng thức món bánh này rất dễ dàng tại các hàng quán ven đường. Vị hoa hồng thật thơm đọng lại nơi đầu lưỡi cùng vỏ bánh giòn tan sẽ thật khó phai.
Trong phim Đi đến nơi có gió, thím A Quế bảo, nhân bánh hoa hồng có thể làm theo 2 cách là sên mứt hoặc làm trực tiếp từ cánh hoa tươi. Nếu làm thành mứt hoa hồng, phải làm từ trước đó một tuần rồi gói vào trong bánh. Loại còn lại là làm ngay với mỡ lợn, bột, đường trắng trộn lại với nhau. Phải trộn kỹ trước rồi mới gói được!
Cũng vì độ hấp dẫn của thức quà vặt này mà sau khi bộ phim phát sóng, giới trẻ Trung Quốc đã tạo ra trào lưu “theo Hứa Hồng Đậu ăn bánh hoa Đại Lý” rất sôi nổi. Du khách cũng có thể được trực tiếp chứng kiến các cô, các chị tay thoăn thoắt, tỉ mẩn làm bánh hoa. Rồi cùng ngồi quán trà nhỏ có cây có hoa và gió nhẹ, nhâm nhi ly trà Phổ Nhĩ nức tiếng, thưởng thức chiếc bánh đặc sản nóng hổi, thơm phức thì còn gì bằng.
Ngoài bánh hoa, trong trấn cũng bày bán khá nhiều món ăn địa phương rất thú vị, từ ăn vặt đến ăn no. Du khách có thể dễ dàng thưởng thức những que xiên nướng của anh chàng Dương Quán Quân hay nhâm nhi những que kem mát lạnh, ăn món lẩu gà đen thơm ngon trên phố cổ…
Nhiều tour đưa du khách đi đến nơi có gió
Dù bộ phim truyền hình ăn khách “Đi đến nơi có gió” đã kết thúc, sức hút của nơi đoàn phim đóng đô vẫn rất mãnh liệt. Thị trường du lịch hiện cũng có rất nhiều tour đưa du khách từ Việt Nam sang thăm Đại Lý, cả đường bộ và đường hàng không.
Chị Phạm Anh Thơ (Hà Nội), chia sẻ, dù đã qua tuổi mộng mơ, thích thẩn thơ đi tìm cho mình một A Dao đẹp trai, bản lĩnh, chị vẫn quyết định chi 20 triệu đồng đặt vé đến Đại Lý sau hai lần xem đi xem lại bộ phim.
Vẻ đẹp cổ kính, rêu phong cùng với sự chan hòa, nhịp sống bình lặng nơi đây giúp chị có những giây phút thư giãn, nghỉ ngơi thú vị. Ở Đại Lý sẽ không khó để chụp ảnh với những cụ già mặc trang phục của dân tộc Bạch ngồi điềm tĩnh thêu thùa bên bậc thềm, trước hiên nhà hoa nở ngát hương…
Đại Lý cũng mê hoặc nhiều du khách trẻ bởi phong cảnh phù hợp với rất nhiều phong cách thời trang mà chỉ cần đưa máy lên là có bức ảnh đẹp. Đường phố rêu phong hay những cánh đồng cỏ hoa xanh ngát… là bối cảnh trong mơ của hàng trăm bộ trang phục từ phong cách đồng quê, tiểu thư, vintage hay boho hoang dã…
Anh Nguyễn Tấn Mỹ, một hướng dẫn viên du lịch tại TP.HCM chia sẻ, từ Hà Nội, du khách có thể đến Đại Lý dễ dàng bằng đường hàng không hoặc đường bộ.
Nếu di chuyển bằng tàu hỏa hoặc ôtô, du khách đến Lào Cai, xuất cảnh qua cửa khẩu Lào Cai và mua vé tàu hỏa hoặc xe ô tô để di chuyển từ ga Hồng Hà đến Ga Đại Lý. Riêng đường hàng không, hiện chưa có chuyến bay thẳng từ Hà Nội đến Đại Lý, du khách sẽ phải bay đến sân bay Côn Minh, sau đó đến Đại Lý bằng tàu cao tốc hoặc xe ô tô.
Theo anh Mỹ, các tour đến Đại Lý thường kéo dài từ 5 – 8 đêm lưu trú. Chi phí dao động từ 15 – 20 triệu đồng cho một chuyến đi “chữa lành” đáng nhớ.
“Dịp Tết là thời điểm du khách đến Đại Lý nhiều nhất. Còn gì bằng việc dạo chơi cổ trấn, tìm hiểu văn hóa và phong tục của một vùng đất mới vào những ngày đầu năm”, anh Mỹ chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng theo anh Mỹ, điểm hạn chế ở Đại Lý là người dân địa phương ít sử dụng tiếng Anh. Khách du lịch do đó cần giao tiếp cơ bản được bằng tiếng Trung hoặc nên đi theo tour, theo đoàn có phiên dịch để thuận tiện hơn.