Tin tức

Trung Quốc thực hiện sứ mệnh chưa từng có tại vùng tối Mặt Trăng

Hoàng Anh 02/06/2024 16:57

Tàu thăm dò Hằng Nga 6 thực hiện thành công sứ mệnh hạ cánh và lấy mẫu đất đá từ vùng tối Mặt Trăng.

Sáng 2/6 theo giờ Hà Nội, tàu thăm dò không người lái Hằng Nga 6 hạ cánh thành công xuống hố va chạm được gọi là lưu vực Nam Cực - Aitken nằm tại vùng tối Mặt Trăng. Hố va chạm có đường kính 2.500 km, theo Tân Hoa Xã.

Cuộc đổ bộ đánh dấu lần thứ hai Trung Quốc thực hiện sứ mệnh đến vùng tối Mặt Trăng.

Tàu Hằng Nga 6 thực hiện các nhiệm vụ khoa học gồm thu thập mẫu đất đá và bụi tại Mặt Trăng. Nhiệm vụ liên quan đến nhiều cải tiến kỹ thuật, rủi ro cao và khó khăn lớn.

Hằng Nga 6 dùng máy xúc, máy khoan và cánh tay cơ khí để thu thập 2 kg vật liệu Mặt Trăng rồi mang chúng trở lại Trái Đất. Tàu dành 2 ngày ở vùng tối, 14 giờ trong đó dùng để thực hiện nhiệm vụ thu thập vật liệu.

gettyimages-2150665268.jpg
Tên lửa Trường Chinh mang theo tàu thăm dò Hằng Nga 6 được phóng từ Trung tâm phóng không gian Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vào ngày 3/5/2024. Ảnh: Getty.

Mẫu vật được chuyển đến một tên lửa đẩy trên tàu đổ bộ, nơi nó được phóng trở lại vũ trụ, gắn với một tàu vũ trụ khác trên quỹ đạo Mặt Trăng rồi quay trở lại Trái Đất. Cuộc hạ cánh dự kiến diễn ra ngày 25/6 ở khu vực Nội Mông (Trung Quốc).

Một phòng thí nghiệm mô phỏng trên tàu Hằng Nga 6 có nhiệm vụ phát triển các chiến lược lấy mẫu và quy trình kiểm soát thiết bị. Phòng thí nghiệm sử dụng bản sao quy mô đầy đủ của khu vực lấy mẫu tại lưu vực Nam Cực - Aitken, dựa trên kết quả thăm dò về môi trường, sự phân bố đá và điều kiện mặt đất.

Hãng tin Reuters đánh giá cuộc đổ bộ nâng cao vị thế cường quốc không gian của Trung Quốc trong cuộc đua toàn cầu lên Mặt Trăng. Các quốc gia - bao gồm cả Mỹ - đang hy vọng khai thác khoáng sản trên Mặt Trăng để duy trì vận hành căn cứ và sứ mệnh dài hạn tại đây trong thập kỷ tới.

Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, sứ mệnh sẽ cung cấp cho Trung Quốc hồ sơ về lịch sử 4,5 tỷ năm của Mặt Trăng và mang lại manh mối mới về sự hình thành của Hệ Mặt Trời. Nó cũng cho phép so sánh giữa vùng tối chưa được khám phá với vùng mặt trăng sáng hơn và đã được tìm hiểu kỹ hơn.

Vùng tối luôn hướng ra xa Trái Đất, có nhiều hố sâu và tối, khiến hoạt động liên lạc và hạ cánh của robot khó khăn hơn.

Neil Melville-Kenney, nhân viên kỹ thuật tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu làm việc với Trung Quốc, cho biết hạ cánh ở vùng tối Mặt Trăng rất khó khăn vì khu vực này nằm ngoài phạm vi liên lạc thông thường. Tàu Hằng Nga 6 phải liên lạc nhờ một vệ tinh được phóng lên quỹ đạo Mặt Trăng vào tháng 3.

Các chuyên gia về Mặt Trăng và không gian tham gia sứ mệnh Hằng Nga 6 từng mô tả giai đoạn hạ cánh là thời điểm có khả năng thất bại cao nhất.

back_side_of_the_moon_as16-3021.jpg
Vùng tối của Mặt Trăng. Ảnh: LPI Resources.

Nửa không nhìn thấy của Mặt Trăng hay còn gọi là mặt tối, mặt khuất, mặt xa hoặc mặt sau. Đây là phần bán cầu luôn quay lưng lại Trái Đất. Địa hình của nửa này khá gồ ghề với vô số miệng núi lửa tác động và tương đối ít hố bằng phẳng. Lưu vực Nam Cực - Aitken là một trong những miệng núi lửa lớn nhất Hệ Mặt Trời.

Hoàng Anh