Thủ tướng: Hợp tác công tư là chìa khóa mở rộng nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi lại các quy định trong Luật về hợp tác đối tác công - tư trên các lĩnh vực theo hướng mở rộng quy mô, đối tượng thì mới huy động được nguồn lực của xã hội, của nước ngoài.
Sáng 2/12, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề "Khu Thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics" do Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức.
Hợp tác công tư: Động lực mới phát triển hạ tầng hàng không
Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thời gian qua, nhận thức của chúng ta về vai trò, vị trí của logistics trong nền kinh tế quốc dân ngày càng cao. Vai trò, vị trí của nước ta ở trung tâm châu Á - Thái Bình Dương rất dễ phát triển thành trung tâm trung chuyển quốc tế.
Chính phủ cũng dần hoàn thiện thể chế cho phát triển logistics, hạ tầng cho logistics được đầu tư, phát triển hệ thống đường bộ, đường không, đường thủy nội địa, đường sắt để giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra hệ thống sân bay những năm qua phát triển tương đối tốt, nhưng thể chế để huy động nguồn lực đầu tư còn hạn chế, do đó, cần nghiên cứu sửa đổi lại các quy định trong Luật về hợp tác đối tác công - tư trên các lĩnh vực theo hướng mở rộng quy mô, đối tượng thì mới huy động được nguồn lực của xã hội, của nước ngoài.
Theo Thủ tướng, "hợp tác công tư, một đồng cũng quý". Trong thời gian tới, sẽ chỉ có 3 sân bay Quốc phòng chuyên dụng, còn lại, các sân bay, đường băng sẽ là lưỡng dụng. Ngoài ngành hàng không, hạ tầng của các lĩnh vực khác từ sân vận động đến nhà văn hoá cũng áp dụng hình thức xã hội hóa, hợp tác công tư kể trên.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ những việc làm được và những tồn tại hạn chế cần nhìn thẳng vào để phát triển như công tác quản lý và nhân lực logistics còn thiếu và yếu, doanh nghiệp logistics chưa nhiều, quy mô chưa lớn, kho bãi, cảng cạn còn thiếu, chi phí logistics còn cao, hạ tầng logistics còn lạc hậu…
Theo Thủ tướng, sáng tạo để bay cao, đổi mới để vươn xa, hội nhập để phát triển và phải đi theo xu thế của thế giới như phát triển số, xanh, phát triển bền vững và phải tiếp tục đổi mới, hội nhập để bắt kịp với thế giới, không thể đứng ngoài cuộc trong hành trình phát triển. Tình hình thay đổi thì phải thay đổi về tư duy, thay đổi cách tiếp cận theo hướng toàn dân, toàn diện, toàn cầu, muốn làm được vậy logistics phải là mối liên hệ, cầu nối để thực hiện được vấn đề này.
Thủ tướng chỉ rõ 3 mục tiêu và 7 nhiệm vụ cho phát triển logistics. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tăng trưởng 2 con số trong năm tới, phải giảm chi phí logistics trong GDP của đất nước từ 18% xuống 15% trong năm 2025; nâng quy mô của logistics trong GDP từ 10% lên 15%, phấn đấu đạt 20%; nâng quy mô logistics của Việt Nam trong quy mô logistics thế giới từ 0,4% lên 0,5%, phấn đấu đạt 0,6% và tốc độ tăng trưởng của ngành logistics lên 14-15% nâng lên 20%.
Trước đó, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đặt mục tiêu trong 2 năm tới phải hoàn thành công tác lập quy hoạch 30 cảng hàng không.
Cụ thể, 14 cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc. 16 cảng hàng không quốc nội gồm Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hoà, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hoà.
Theo tính toán sơ bộ của Bộ GTVT, để thực hiện quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không (không gồm các công trình do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tự cân đối đầu tư) trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 420.472 tỷ đồng.
Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các cảng hàng không mới.
Mục tiêu tăng trưởng ngành logistics bền vững và hội nhập quốc tế
Để làm được điều đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, khẩn trương tập trung xây dựng quốc gia thương mại tự do, hoàn thiện chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, xây dựng các khu thương mại tự do quốc tế.
Đồng thời, các địa phương tăng tính chủ động, tự lực, tự cường, tự chủ trong phát triển logistics, với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Các doanh nghiệp phải nâng cao tính tự chủ, tham gia đề xuất, đóng góp xây dựng thể chế, với phương châm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giải quyết tốt mối quan hệ thị trường, nhà nước và xã hội trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng với bước đi, nền tảng ban đầu quan trọng, ngành logistics Việt Nam sẽ hoà cùng khí thế chung của cả nước, bước vào thời kỳ phát triển mới, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển logistics và ngành năng lượng của cả nước.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines.
Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14-16%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức 681 tỷ USD, bằng 158% GDP cả nước.
Dự báo mới nhất của Standard Chartered cho rằng Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%. Kim ngạch nhập khẩu đến năm 2030 dự kiến đạt 578 tỷ USD, tăng bình quân 6,9%/năm.
Hiện, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics với hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp.
Bên cạnh đó, các dịch vụ đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng đã cải thiện đáng kể. Đặc biệt, thời gian gần đây đã có sự bùng nổ về thương mại điện tử và logistics cho thương mại điện tử. Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.
Năm 2024, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng thuộc top 10 thị trường logistics mới nổi, top 4 thế giới về Chỉ số cơ hội logistics và top 43 về Chỉ số hiệu quả logistics.