Cửa buồng lái tàu bay bay có chống đạn không?
Cửa buồng lái tàu bay hiện được thiết kế có thể chống đạn, như một lớp bảo vệ cho phi hành đoàn.
Trước vụ tấn công ngày 11/9/2001, cửa buồng lái được thiết kế chủ yếu như một rào chắn giữa phi công và hành khách nhằm giảm thiểu sự quấy rầy. Sau sự kiện đó, cửa buồng lái được thiết kế có khả năng chống đạn, cũng được coi như một lớp bảo vệ cho phi hành đoàn.
Cửa buồng lái được thiết kế chống đạn
Hiện cửa buồng lái được thiết kế có thể chống đạn. Tuy nhiên, không phải tất cả các cấu trúc đều có thể hoàn toàn chống được đạn, nhưng phần lớn cửa buồng lái hiện đều được chế tạo để hạn chế sự xâm nhập của đạn.
Trước ngày 11/9/2001, cửa buồng lái chủ yếu được thiết kế để tạo ra một rào chắn giữa hành khách và phi hành đoàn. Chúng chỉ có tác dụng ngăn cách và tạo ra một môi trường yên tĩnh để phi công tập trung vào việc điều khiển máy bay. Ngay sau vụ khủng bố ngày 11/9, Quốc hội Mỹ quyết định thiết kế cửa buồng lái có khả năng bảo vệ tối đa cho phi hành đoàn.
Theo đó, Quốc hội đã cung cấp cho các hãng hàng không nội địa Mỹ lên tới 100 triệu USD để trang bị cửa buồng lái chống đạn, mỗi chiếc tàu bày được hỗ trợ khoảng 13.000 USD. Tuy nhiên, chi phí để nâng cấp các cửa là 30.000-50.000 USD. Các hãng hàng không đã vận động để hỗ trợ thêm cho việc trang bị nhiều cửa hơn, Quốc hội cũng đã đồng ý.
Cửa buồng lái phải khóa trong suốt chuyến bay
Sau sự kiện 11/9, các hãng hàng không đã nhanh chóng gia cố cửa buồng lái bằng kính chống đạn hoặc các thanh kim loại chắc chắn. Vào năm 2003, Mỹ quy định tất cả các tàu bay thương mại bay trong nước phải trang bị cửa buồng lái chống đạn. Tuy nhiên, các cửa buồng lái này vẫn không thể hoàn toàn ngăn chặn không tặc xâm nhập vào buồng lái.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) yêu cầu cửa buồng lái phải được khóa trong suốt chuyến bay. Tuy nhiên, trong suốt thời gian bay, cửa có thể được mở nhiều lần, chẳng hạn như khi kiểm tra ngoài cánh tàu bay, phục vụ bữa ăn hoặc thay đổi phi hành đoàn trên các chuyến bay đường dài. Điều này có thể tạo ra khả năng cho ai đó tấn công hoặc xâm nhập vào lúc này.
Để đảm bảo sự an toàn cho phi công, nhiều tàu bay thân rộng của hãng hàng không EL AL yêu cầu phải có 2 cửa để vào buồng lái. Phi công phải đóng cửa đầu tiên trước khi mở cửa thứ hai, giúp hạn chế khả năng xâm nhập bằng vũ lực.
Điều này không thể áp dụng trên tất cả loại tàu bay, chẳng hạn như tàu bay thân hẹp, do không gian hạn chế phía sau buồng lái/bếp và chỗ ngồi của hành khách nhưng đó cũng là một trong những biện pháp mà một số hãng hàng không sẵn sàng thực hiện để phi công được an toàn.
Sau vụ 11/9, Boeing đã hỗ trợ các hãng hàng không Mỹ nâng cấp cửa buồng lái theo yêu cầu. Công ty đã gửi hơn 4.300 bộ dụng cụ và 31 cấu hình cửa khác nhau đã được thiết kế cho hơn 18 mẫu máy bay. Airbus cũng tham gia vào quá trình này, cung cấp 557 bộ dụng cụ cho các nhà khai thác hàng không Mỹ, cùng với 1.800 bộ khác được gửi đến các hãng hàng không trên toàn thế giới.
Các hãng hàng không quốc tế cũng phải trang bị cửa buồng lái được gia cố khi bay đến Mỹ, theo quy định bắt buộc từ tháng 11/2003. Chỉ thị này tiêu tốn của ngành hàng không toàn cầu khoảng 2 tỷ USD.
Thiết kế cửa buồng lái
Để đảm bảo cửa buồng lái có khả năng chống đạn, chúng được chế tạo bằng các vật liệu đủ sức chịu đựng tác động vật lý mạnh hoặc sử dụng vũ lực. Các tính năng này có thể bao gồm hệ thống khóa an toàn, lỗ quan sát, khung gia cố và các công nghệ hỗ trợ. Ngoài ra, kính chống đạn hoặc các tấm vật liệu gia cố cũng giúp tăng mức độ bảo vệ an toàn.
Tùy vào kiểu tàu bay, mức độ chống đạn có thể khác nhau phụ thuộc theo từng quốc gia và các quy định khác của ngành. Các chi tiết cụ thể từ các nhà sản xuất tàu bay và các quốc gia mà tàu bay phục vụ không được tiết lộ công khai để đảm bảo an toàn cho phi hành đoàn.
Theo chia sẻ của Aeropeep, một số đặc điểm chính của cửa buồng lái chống đạn:
- Vật liệu: Cửa buồng lái sử dụng vật liệu chắc chắn, nhẹ, những vật liệu này không làm cho cửa nặng mà lại độ bền cao.
- Kết cấu: Được thiết kế cứng cáp và chắc chắn với nhiều khung giữ cố định cánh cửa.
- Khóa: Sử dụng khóa có nhiều lớp bảo vệ có thể bao gồm khóa, mã số, quét vân tay… nhằm ngăn chặn việc truy cập trái phép.
- Lỗ quan sát: Điều này cho phép phi hành đoàn xác định những người muốn vào trước khi đồng ý cho họ vào, giúp cho phi hành đoàn tăng cường nhận thức tình huống.
- Giao tiếp: Được trang bị hệ thống liên lạc nội bộ, phi hành đoàn có thể giao tiếp với những người muốn vào.
- Gia cố cửa: Việc gia cố cửa bằng vật liệu chống va đập hoặc có các biện phápo an ninh bổ sung để có thể hạn chế việc đột nhập hoặc tấn công đạn đạo.
Khi ngành hàng không không ngừng phát triển và các mối đe dọa mới được nhận diện, nhiều biện pháp bổ sung đang được triển khai nhằm bảo vệ không chỉ phi công điều khiển tàu bay mà còn cả hành khách trả phí và đội ngũ làm việc trên chuyến bay.