Tình trạng thiếu hụt máy bay kìm hãm hàng không Nga
Chi tiêu cho cuộc chiến với Ukraine thúc đẩy nền kinh tế Nga tăng trưởng, kéo theo nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân nước này ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên tình trạng thiếu hụt máy bay khiến ngành hàng không dân dụng của Nga đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu bùng nổ.
Nga không có đủ máy bay
Các lệnh trừng phạt của phương Tây không thể làm tê liệt nền kinh tế Nga nhưng đã cắt đứt nguồn cung cấp máy bay và phụ tùng mà sản xuất trong nước không thể thay thế.
Do đó, ít máy bay mới hơn có thể được bổ sung vào đội bay của Nga để đáp ứng nhu cầu tăng cao, buộc Moscow phải yêu cầu các nước láng giềng giúp điều hành một số chặng bay nội địa.
Với hầu hết không phận của châu Âu đóng cửa với hàng không Nga, các hãng bay nước này chuyển sang các tuyến nội địa.
Theo dữ liệu từ cơ quan an ninh FSB, đơn vị theo dõi các cửa khẩu biên giới của Nga, người dân nước này đã đã chuyển hướng du lịch sang các quốc gia không áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, các nước từng thuộc Liên Xô và UAE.
Ai Cập, Thái Lan và Trung Quốc cũng trở thành điểm đến phổ biến hơn của người dân Nga. Ngược lại, số lượng hành khách bay đến châu Âu đã giảm xuống còn vài trăm nghìn từ gần 10 triệu vào năm 2019.
Gián đoạn sản xuất
Doanh số bán lẻ của Nga, thước đo chính về nhu cầu của người tiêu dùng, đã phục hồi mạnh mẽ vào năm ngoái sau sự sụt giảm vào năm 2022. Mặc dù mức tăng trưởng đó đã chậm lại trong những tháng gần đây, thu nhập tăng vẫn tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.
Tuy nhiên, đáp ứng được nhu cầu đó là một thách thức. Dữ liệu từ nhà cung cấp thông tin hàng không Thụy Sĩ ch-aviation cho thấy gần 80% đội bay của Nga là do nước ngoài sản xuất.
Airbus và Boeing 2/3 tổng số tàu bay trong đội bay gồm 865 chiếc của Nga. Việc hai công ty này rút khỏi thị trường Nga ban đầu được ca ngợi là một chiến thắng cho ngành công nghiệp trong nước.
"Các đối thủ cạnh tranh đã rời đi. Chỉ vài năm trước, ngành hàng không trong nước chỉ có thể mơ về điều này", Sergei Chemezov, người đứng đầu tập đoàn công nghiệp Rostec, nói với Reuters vào tháng 8.
Rostec là công ty con của United Aircraft Corporation, kiểm soát hầu hết các nhà sản xuất máy bay lớn của Nga.
Trước khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã bổ sung 54 tàu bay thương mại mới vào đội bay của mình gồm 27 chiếc từ Airbus, 3 chiếc từ Boeing và 24 chiếc Sukhoi Superjets do Nga sản xuất.
Kể từ đó, nước này chỉ bổ sung thêm 11 máy bay mới, tất cả đều là Superjets.
Việc sản xuất máy bay chở khách MS-21 mới của Nga, do Rostec sản xuất, đã bị lùi lại từ năm 2024 sang năm 2025-2026.
Chemezov thừa nhận Nga đang gặp khó khăn nhưng cho biết chắc chắn sẽ tự sản xuất máy bay chở khách.
Tờ Kommersant đưa tin tuần trước rằng các hãng hàng không Nga, không thể sửa chữa động cơ Airbus A320neo, có thể phải cho nghỉ hưu một số đội bay Airbus của mình.
Rosaviatsia cho biết đội bay Airbus A320neo còn hoạt động của Nga đã nhỏ hơn, nhưng chỉ chiếm chưa đến 5% máy bay thương mại của Nga chủ yếu do lệnh trừng phạt khiến nước này khó tiếp cận linh kiện thay thế.
Trợ giúp từ các nước lân cận
Theo phân tích của Reuters, Moscow đã chi ít nhất 13 tỷ USD để theo đuổi mục tiêu của Tổng thống Vladimir Putin là sản xuất hơn 1.000 máy bay vào năm 2030.
Tuy nhiên, hiện tại, Nga đã yêu cầu các nước Trung Á giúp điều hành một số tuyến bay nội địa. Tờ The Economic Times of India đưa tin rằng Nga cũng đã yêu cầu Ấn Độ và Trung Quốc hỗ trợ.
Khi Moscow ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh về thương mại, công nghệ và chính trị, du lịch hàng không là mối liên kết mới nhất được hình thành giữa hai cường quốc.
"Trung Quốc đang xây dựng vị thế của mình rất mạnh mẽ", chuyên gia hàng không Panteleev nói với Reuters. "Khách du lịch Nga đang dần bắt đầu khám phá lại Trung Quốc".