Cú hích từ thương mại điện tử Trung Quốc với hàng không Hàn Quốc
Hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air và Asiana Airlines ghi nhận lợi nhuận ngày càng tăng nhờ khối lượng hàng hóa tăng lên do sự thành công của các công ty thương mại điện tử Trung Quốc trong khu vực.
Số liệu từ Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Vận tải Hàn Quốc cho thấy lượng hàng hóa do nhóm 11 hãng hàng không nội địa nước này vận chuyển trên các chuyến bay quốc tế đạt 2,33 triệu tấn trong giai đoạn tháng 1-10 năm nay, tăng 12,4% so với năm 2023.
Điều này giúp các hãng hàng không báo cáo mức tăng trưởng thu nhập vững chắc trong quý III. Theo hồ sơ của Korean Air, hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc đã ghi nhận doanh số vận chuyển hàng hóa trong quý III tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hãng hàng không này đã đạt doanh thu kỷ lục trong quý III là 4.240 tỷ won (3,02 tỷ USD), tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Các quan chức trong ngành cho rằng sự tăng trưởng về lượng hàng hóa là do người mua sắm Hàn Quốc có nhiều cơ hội tiếp cận các sản phẩm toàn cầu hơn thông qua những nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như AliExpress và Temu.
Một quan chức ngành hàng không Hàn Quốc cho biết: "Không ai có thể phủ nhận rằng khách hàng trong nước có thể dễ dàng mua hàng hóa nước ngoài thông qua các nền tảng như vậy với mức giá siêu rẻ".
"Mặc dù khó có thể xác định chính xác các nền tảng này chiếm bao nhiêu phần trong sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa của những hãng hàng không,chúng được kỳ vọng sẽ có tác động đáng kể, vì quý III được coi là mùa thấp điểm đối với hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa", vị này thông tin thêm.
Dữ liệu từ công ty theo dõi thị trường IGAWorks chỉ ra số lượng người dùng hoạt động hàng tháng của AliExpress đã đạt 7,02 triệu vào tháng 10, tăng hơn 25% so với tháng 1.
Hãng bay khác là Asiana Airlines cũng đạt được doanh số bán hàng mạnh mẽ trong quý III với mức tăng trưởng doanh số bán hàng vận chuyển hàng hóa là 19,3%.
Sự tăng trưởng thu nhập vững chắc của các hãng hàng không lớn Hàn Quốc là đáng kể trong bối cảnh chênh lệch tỷ giá giữa đồng won Hàn Quốc so với USD.
Đồng USD mạnh hơn gây ra gánh nặng tài chính ngày càng tăng cho các hãng hàng không khi phải đối mặt với chi phí cao hơn cho nhiên liệu và tiền thuê máy bay - cả 2 đều được thanh toán bằng USD.
Các nhà phân tích thị trường dự báo triển vọng sáng cho các hãng hàng không khi có thể kéo dài chuỗi kết quả kinh doanh tích cực trong quý IV.
Nhà phân tích Yang Ji-hwan tại công ty dịch vụ đầu tư và tài chính Daishin Securities, cho biết: "Ngoài hoạt động vận chuyển hàng hóa, họ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong quý cuối cùng nhờ nhu cầu hành khách ngày càng tăng từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Đông Nam Á".
Theo nhà phân tích này, các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc cũng sẽ trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho hoạt động vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không vào cuối năm nay.
Ngoài thị trường châu Á, tại phương Tây các doanh nghiệp hàng không cũng hối hả tăng chuyến bay chở hàng thương mại điện tử từ Trung Quốc. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy, nhu cầu của khách hàng nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, đối hàng thương mại điện tử giá rẻ của Trung Quốc đang tăng mạnh trước thềm lễ Giáng sinh.
Hồi tháng 7, Martinair, đơn vị vận tải hàng hóa của tập đoàn hàng không Air France - KLM (Pháp - Hà Lan), thông báo điều chuyển máy bay chở hàng phục vụ thị trường Mỹ Latin để hỗ trợ khai trương tuyến bay mới giữa Hong Kong (Trung Quốc) và Amsterdam (Hà Lan) vào tháng 9 vừa qua.
Thông báo giải thích động thái này nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của các nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên máy bay của Martinair bay đến thành phố đặc khu của Trung Quốc sau 9 năm.
"Năm 2024 thực sự là năm của hàng hóa thương mại điện tử, đặc biệt là từ Trung Quốc đại lục", Tom Owen, Giám đốc bộ phận vận tải hàng hóa của hãng hàng không Cathay Pacific (Hong Kong) nhận định và cho biết hãng cũng đang đầu tư thêm năng lực với nhiều máy bay chở hàng hơn dự kiến sẽ được giao vào năm 2027.
Hồi tháng 9, tập đoàn chuyển phát nhanh DHL (Đức) công bố kế hoạch đầu tư 8 máy bay chở hàng Boeing 777 mới để phục vụ nhu cầu cao từ Trung Quốc trong mùa sắm cao điểm cuối năm.
Tháng trước, hãng giao hàng UPS (Mỹ) khai thác hơn 360 chuyến bay mỗi ngày, cho biết sẽ tăng thêm 200 chuyến bay từ châu Á đến châu Âu và Mỹ trong quý IV vì dự đoán nhu cầu về khối lượng hàng vận chuyển sẽ tăng đột biến.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump, người vừa đắc cử Tổng thống Mỹ, đe dọa siết chặt hơn nữa đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, với mùa mua sắm Giáng sinh năm nay, ít dấu hiệu cho thấy nhu cầu và giá cước sẽ giảm.
Michael Steen, CEO của hãng hàng không vận tải hàng hóa Atlas Air Worldwide (Mỹ), dự báo doanh thương mại điện tử toàn cầu vẫn tăng trưởng nhanh với tốc độ khoảng 8-9% mỗi năm.
"Nhu cầu hàng hóa thương mại điện tử vẫn tiếp tục tăng. Chúng ta sẽ chứng kiến nguồn cung năng lực vận tải hàng không không theo kịp nhu cầu trong những năm tới", ông nói.