Trong nước

Loạt vi phạm trong cổ phần hóa và quản lý đất đai của doanh nghiệp hàng không

Châu Anh 25/11/2024 15:09

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều tồn tại và vi phạm trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành giao thông vận tải trong giai đoạn 2011-2021.

Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn), việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

b2_acv_10.jpg
ACV đang vận hành 21 cảng hàng không tại Việt Nam. Ảnh: ACV.

Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều tồn tại, vi phạm trong quá trình sắp xếp tổ chức lại, cổ phần hóa, quản lý sử dụng đất đai khi thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành thuộc lĩnh vực GTVT như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA), Cienco 4, Cienco 5, Cienco 6, Cienco 8...

Trong đó, tại công ty mẹ ACV, dù không phải là đối tượng phải thực hiện cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng do phần lớn các cảng hàng không do ACV quản lý (21/22 cảng) được sử dụng cho mục đích lưỡng dụng, việc cổ phần hóa xuất phát từ chỉ đạo của Bộ GTVT nên trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đặc biệt là việc xử lý tài sản trong khu bay và ngoài khu bay, đất đai và cơ chế chính sách, làm ảnh hưởng an ninh, an toàn hàng không.

"Thực tế việc cổ phần hóa ACV cũng không đạt được kết quả như phương án cổ phần hóa được phê duyệt", Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Đáng chú ý, Bộ GTVT phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ACV khi chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý của 29 cơ sở nhà đất, chưa có phương án sử dụng đất gửi UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, là chưa thực hiện đúng Nghị định số 189/2013 của Chính phủ.

Phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ACV khi chưa xử lý dứt điểm quyền sở hữu tài sản cố định trong khu bay nằm trên đất do Cảng vụ hàng không quản lý và quyền sử dụng đất của doanh nghiệp là chưa thực hiện đúng điểm h khoản 2 điều 9 mục II Thông tư số 127 của Bộ Tài chính.

Đồng thời, việc xác định lợi thế kinh doanh không đúng quy định dẫn đến thiếu 581 triệu đồng phải nộp ngân sách nhà nước.

"Để xảy ra tồn tại nêu trên, trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT, Ban chỉ đạo cổ phần hóa, ACV và đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp", báo cáo kết luận thanh tra nêu.

Ngoài ra, ACV cùng nhiều doanh nghiệp khác như VNA, VNR còn chậm thực hiện quyết toán, xác định lại giá trị phần vốn nhà nước và chậm lập báo cáo tài chính khi chuyển thành công ty cổ phần, vi phạm các quy định tại Thông tư 127/2014/TT-BTC và Nghị định 59/2011/NĐ-CP.

ACV cũng vi phạm về vấn đề quản lý, sử dụng đất đai khi thực hiện cổ phần hóa. Cụ thể, doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đối với 20 cơ sở nhà đất (ngoài khu vực cảng hàng không, sân bay) với diện tích khoảng 35,124 m2.

ACV cũng bị quy trách nhiệm về vấn đề chuyến đối đất sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở tại dự án số 108-112B-114 đường Hồng Hà (quận Tân Bình, TP.HCM).

Tại đây, công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - SASCO (công ty có phần vốn lớn của ACV) đã hợp tác với Novaland xây dựng và bán căn hộ khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Như vậy, dự án xây dựng khu thương mại căn hộ cao cấp chưa hoàn thành thủ tục chuyến mục đích sử dụng đất và xác định giá đất, chưa nộp tiền sử dụng đất đã hợp tác liên doanh và đầu tư xây dựng, bán căn hộ cho người dân và người dân đã vào ở là chưa chấp hành đúng trình tự đầu tư xây dựng theo quy định.

Để xảy ra tồn tại nêu trên, trách nhiệm thuộc Bộ GTVT, UBND TP.HCM, Công ty TNHH Nova Sasco, SASCO và ACV, báo cáo nêu rõ.

Châu Anh