An toàn

Bỏ quên dị vật trong máy bay gây thiệt hại 4 tỷ USD mỗi năm, làm sao khắc phục?

Linh Nhi 27/11/2024 07:32

Các sự cố đồ vật bị bỏ quên, lạc vào bộ phận quan trọng của máy bay gây thiệt hại hơn 4 tỷ USD mỗi năm cho ngành hàng không toàn cầu. Trường hợp mới đây của Qantas Airways là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của quy trình bảo trì đúng chuẩn và quản lý dụng cụ nghiêm ngặt.

Một chiếc máy bay Airbus A380 của hãng hàng không Qantas Airways (Australia). Ảnh: Simple Flying.
Một chiếc máy bay Airbus A380 của hãng hàng không Qantas Airways (Australia). Ảnh: Simple Flying.

Đó không chỉ là trách nhiệm của riêng một hãng hàng không mà còn là nhiệm vụ của toàn ngành để duy trì sự an toàn và tin cậy của hệ thống hàng không toàn cầu.

Sự cố điển hình tại Qantas

Tháng 12/2023, máy bay Airbus A380-842 của hãng Qantas Airways (Australia) trải qua sự cố liên quan đến vật thể lạ (dị vật) tại sân bay Los Angeles (Mỹ). Trong quá trình kiểm tra bảo trì định kỳ, một dụng cụ đã bị bỏ quên trong động cơ máy bay. Sự việc không được phát hiện trong suốt 34 chuyến bay (tương ứng với 293,74 giờ bay), cho đến khi máy bay quay lại sân bay Los Angeles để kiểm tra định kỳ vào tháng 1.

Nguyên nhân được Cơ quan An toàn giao thông Australia (ATSB) xác định là nhân viên bảo trì không tuân thủ quy trình kiểm tra dụng cụ và báo cáo mất dụng cụ. Sự cố này cho thấy rõ mối đe dọa tiềm tàng của dị vật đối với an toàn bay.

Dị vật có thể gây hư hỏng nghiêm trọng đến động cơ, lốp xe, hoặc các bộ phận khác của máy bay, đe dọa an toàn của hành khách và phi hành đoàn. Ước tính, các sự cố dị vật gây thiệt hại hơn 4 tỷ USD mỗi năm cho ngành hàng không toàn cầu, bao gồm chi phí sửa chữa, chậm trễ, và tai nạn liên quan.

Biện pháp khắc phục của Qantas

Theo báo cáo của ATSB, sau sự cố, hãng Qantas đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục, bao gồm nâng cao nhận thức, siết chặt quy trình báo cáo và điều tra và tăng cường huấn luyện an toàn.

San bay Los Angeles
Sân bay Los Angeles (Mỹ). Ảnh: The Trav Nav.

Về nhận thức, Qantas yêu cầu nhân viên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình quản lý dụng cụ. Một chỉ thị nội bộ đã được ban hành, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát dụng cụ trong các khu vực bảo trì.

Hãng cũng thắt chặt quy trình báo cáo và điều tra. Nhân viên bảo trì phải thông báo và xử lý ngay lập tức khi phát hiện dụng cụ bị thiếu.

Về huấn luyện an toàn, các chương trình đào tạo về nhận thức dị vật được tổ chức thường xuyên hơn, cụ thể hơn, nhằm nhấn mạnh tác động của vật thể lạ đến an toàn hàng không.

Các khuyến nghị

Để hạn chế nguy cơ dụng cụ bị bỏ quên, dị vật lọt vào các bộ phận quan trọng trong máy bay, các cơ quan quản lý và sân bay quốc tế đã đề xuất một loạt biện pháp như định kỳ kiểm tra đường băng, quản lý dụng cụ, đào tạo nhân viên, quản lý vệ sinh khu vực làm việc…

Các sân bay áp dụng cả kiểm tra thủ công và bằng phương tiện chuyên dụng với cảm biến, camera hoặc nam châm để phát hiện dị vật. Hệ thống phát hiện tự động bằng radar hoặc laser cũng đang được triển khai để tăng cường hiệu quả, theo Skybrary.

Hệ thống kiểm soát dụng cụ như bảng bóng (shadow board), chip RFID…, giúp xác định và truy vết dụng cụ bị mất. Ngoài ra, quy trình kiểm kê dụng cụ trước và sau mỗi ca làm việc cần được thực hiện nghiêm ngặt.

Dung cu hang khong
Một số dụng cụ thường được sử dụng trong ngành hàng không. Ảnh: Aviation Talk.

Các khóa đào tạo về dị vật dành cho tất cả nhân viên từ kỹ thuật viên đến quản lý, nhằm nâng cao nhận thức và tuân thủ quy trình.

Áp dụng tiêu chuẩn 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) để giảm thiểu nguy cơ dị vật. Quy định đồng phục không có túi hoặc tủ khóa bảo vệ tại các khu vực dễ xuất hiện dị vật cũng được đề xuất, theo AviationOutlook.

Lợi ích của tiêu chuẩn 5S

Tiêu chuẩn 5S là một phương pháp quản lý được phát triển từ ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản và đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, bao gồm ngành hàng không, để cải thiện hiệu quả làm việc và giảm thiểu nguy cơ tai nạn, đặc biệt trong việc quản lý vật thể lạ.

Các yếu tố của 5S là nền tảng quan trọng trong việc xây dựng môi trường làm việc ngăn nắp và an toàn, đặc biệt trong ngành hàng không. Đầu tiên, Sàng lọc (Sort - Seiri) yêu cầu loại bỏ những vật dụng không cần thiết khỏi khu vực làm việc. Điều này đảm bảo chỉ giữ lại các dụng cụ và thiết bị thật sự cần thiết trong khu vực bảo trì, giúp giảm nguy cơ để lại dị vật nguy hiểm trên máy bay hoặc đường băng.

Tiếp theo, Sắp xếp (Set in order - Seiton) đề cao việc tổ chức và bố trí các vật dụng một cách khoa học, dễ tìm kiếm và sử dụng. Ví dụ, kỹ thuật viên hàng không có thể sử dụng bảng bóng hoặc hộp dụng cụ được đánh dấu vị trí rõ ràng để dễ dàng nhận biết khi thiếu công cụ nào đó.

Yếu tố thứ ba là Sạch sẽ (Shine - Seiso), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường làm việc sạch sẽ. Trong ngành hàng không, việc thường xuyên làm sạch khu vực bảo trì giúp phát hiện và loại bỏ các mảnh vỡ hoặc vật dụng thừa, giảm thiểu rủi ro.

Bên cạnh đó, Săn sóc (Standardize - Seiketsu) yêu cầu xây dựng các quy trình chuẩn hóa để đảm bảo tính nhất quán trong thực hiện 5S. Các hãng hàng không thường áp dụng những quy trình như kiểm kê dụng cụ, vệ sinh hàng ngày, và kiểm tra cuối ngày để đảm bảo không có vật thể lạ bị bỏ quên.

Cuối cùng, yếu tố Sẵn sàng (Sustain - Shitsuke) đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì văn hóa kỷ luật và cam kết lâu dài đối với các nguyên tắc 5S. Điều này đòi hỏi sự đồng lòng từ cả quản lý cấp cao và toàn bộ nhân viên để đảm bảo các quy trình được duy trì hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao an toàn và hiệu suất làm việc trong ngành hàng không.

5S trong nha kho
Áp dụng tiêu chuẩn 5S trong nhà kho. Ảnh: Compliance Signs.

Tiêu chuẩn 5S không chỉ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn góp phần nâng cao độ tin cậy và an toàn trong ngành hàng không toàn cầu. Lợi ích của 5S trong ngành hàng không bao gồm: giảm thiểu rủi ro dị vật, tăng năng suất, nâng cao an toàn.

5S giúp kiểm soát các vật thể không mong muốn trong quá trình bảo trì, sửa chữa hoặc trên đường băng. Công cụ và thiết bị được tổ chức tốt giúp giảm thời gian tìm kiếm và tăng tốc độ công việc. Một môi trường làm việc sạch sẽ và được tổ chức tốt sẽ giảm nguy cơ tai nạn hoặc sự cố.

Bao duong may bay
Khâu bảo dưỡng máy bay dễ phát sinh sự cố bỏ quên dụng cụ. Ảnh: BCIT.

Vì thế, một số sân bay và hãng hàng không đã áp dụng 5S bằng cách: Lắp đặt tủ khóa bảo vệ để giữ dụng cụ không cần thiết cách xa khu vực máy bay; Sử dụng công nghệ như RFID để kiểm soát dụng cụ và ghi nhận mất mát nhanh chóng; Đào tạo nhân viên về tầm quan trọng của quy trình 5S trong bảo đảm an toàn hàng không…, theo tạp chí Safety First.

Các biện pháp hiện tại đã giúp giảm đáng kể nguy cơ di vật, nhưng chúng không hoàn hảo. Ngành hàng không cần tiếp tục đổi mới và áp dụng công nghệ tiên tiến hơn để giám sát và phòng ngừa vật thể lạ. Quan trọng hơn, sự tham gia tích cực từ mọi cấp quản lý và nhân viên là yếu tố then chốt đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động.

Linh Nhi