Sân bay Kuala Lumpur và tham vọng vượt qua Singapore, Bangkok
Sân bay Kuala Lumpur gần đây được xếp hạng thứ hai toàn cầu về mức độ kết nối, mở ra cơ hội cho Malaysia trong cuộc cạnh tranh trở thành trung tâm hàng không quan trọng của khu vực.
Bangkok và Singapore từ lâu đã là những trung tâm hàng không hàng đầu Đông Nam Á, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối khu vực với thế giới. Thế nhưng, Kuala Lumpur đang dần khẳng định mình là một đối thủ đáng gờm, đặc biệt khi sân bay quốc tế của thành phố này vừa được xếp hạng thứ hai toàn cầu về mức độ kết nối.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của AirAsia – hãng hàng không giá rẻ hàng đầu khu vực – Malaysia đang cho thấy tham vọng vươn lên trong lĩnh vực hàng không, cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ lớn trong khu vực.
Bangkok và Singapore: Vị thế khó lay chuyển
Theo South China Morning Post, trong nhiều thập kỷ qua, Bangkok và Singapore luôn là hai điểm đến quan trọng trên bản đồ hàng không khu vực. Thủ đô Thái Lan là cửa ngõ chính để bước vào một trong những quốc gia đón lượng khách du lịch lớn nhất thế giới, vừa là trung tâm giao thương và văn hóa của khu vực.
Trong khi đó, Singapore nổi tiếng là trung tâm kinh tế và tài chính toàn cầu, thu hút lượng lớn doanh nhân và nhà đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới. Cảng hàng không Changi của đảo quốc sư tử thường xuyên nằm trong top những sân bay tốt nhất toàn cầu, với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và dịch vụ xuất sắc.
Tuy nhiên, Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia, đang nổi lên như một ứng cử viên tiềm năng trong cuộc đua giành vị thế trung tâm hàng không khu vực. Với vị trí địa lý thuận lợi và sự phát triển nhanh chóng của ngành hàng không, thành phố này ngày càng thu hút nhiều hãng hàng không và hành khách.
AirAsia - Lợi thế lớn của Kuala Lumpur
Một trong những yếu tố chính giúp Kuala Lumpur trở nên nổi bật là sự hiện diện của AirAsia. Đây là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các điểm đến trong khu vực. Trụ sở chính của AirAsia đặt tại cảng hàng không quốc tế Kuala Lumpur, giúp nơi đây trở thành trung tâm hoạt động của hàng chục đường bay nội địa và quốc tế.
Gần đây, AirAsia đã khai thác hoặc nối lại các chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Chiang Rai, một thị trấn miền núi phía bắc Thái Lan nổi tiếng với ngôi đền Trắng và Đà Lạt, thành phố cao nguyên của Việt Nam thu hút du khách bởi khí hậu mát mẻ và cảnh quan núi rừng thơ mộng.
Những tuyến bay này ngoài việc phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách mà còn thể hiện chiến lược của AirAsia trong việc thúc đẩy du lịch nội khối Đông Nam Á.
Theo Cơ quan Du lịch Malaysia, các tuyến bay mới này phản ánh sự hợp tác chặt chẽ giữa AirAsia và Du lịch Malaysia trong việc quảng bá hình ảnh đất nước.
"Đây là bước tiến nhằm khẳng định Malaysia như một điểm đến du lịch hàng đầu trong khu vực ASEAN", SCMP dẫn lời đại diện cơ quan này nhận xét.
Xếp hạng kết nối ấn tượng
Ngoài AirAsia, Kuala Lumpur còn gây chú ý bởi mức độ kết nối cao của sân bay quốc tế tại đây. Theo báo cáo của OAG – một công ty chuyên phân tích ngành hàng không, cảng hàng không quốc tế Kuala Lumpur được xếp hạng là sân bay có mức độ kết nối đứng thứ hai thế giới, chỉ sau sân bay London Heathrow. Những sân bay nổi tiếng khác như Tokyo Haneda, Amsterdam Schiphol và Seoul Incheon lần lượt chiếm các vị trí trong top 5.
Bảng xếp hạng của OAG dựa trên việc so sánh số lượng kết nối giữa các chuyến bay quốc tế với số lượng điểm đến được phục vụ từ mỗi sân bay. Với 137 điểm đến, sân bay Kuala Lumpur dù thấp hơn Bangkok Suvarnabhumi (154 điểm đến) và Singapore Changi (150 điểm đến) nhưng lại nổi trội về khả năng kết nối trong khu vực Đông Nam Á.
AirAsia đóng vai trò quan trọng tại sân bay Kuala Lumpur, khi chiếm tới 35% tổng số chuyến bay đi và đến đây. Điều này giúp sân bay này trở thành trung tâm trung chuyển quan trọng cho hành khách di chuyển trong khu vực, đồng thời thu hút một lượng lớn hành khách từ châu Âu và Trung Đông trên hành trình đến Australia và Thái Bình Dương.
Bên cạnh Kuala Lumpur, Đông Nam Á còn có nhiều sân bay lớn khác đang nỗ lực nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới. Sân bay Soekarno-Hatta tại Jakarta – thành phố lớn nhất Indonesia – cũng góp mặt trong top 25 sân bay kết nối tốt nhất toàn cầu. Ngoài ra, sân bay tại Manila cũng nằm trong danh sách top 50.
Dù đạt được những tiến bộ đáng kể, Kuala Lumpur vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức nếu muốn vươn lên ngang tầm Bangkok hay Singapore. Hai đối thủ này không chỉ có mạng lưới điểm đến phong phú mà còn được hỗ trợ bởi hạ tầng hàng không tiên tiến, dịch vụ đẳng cấp, và vị thế kinh tế mạnh mẽ. Sự cạnh tranh không ngừng trong khu vực sẽ đòi hỏi Kuala Lumpur phải tiếp tục đầu tư và cải thiện chất lượng để thực sự trở thành trung tâm hàng không hàng đầu Đông Nam Á.