Điểm đến

Hơn 50 quốc gia ký cam kết du lịch xanh

Viết Dũng 22/11/2024 14:39

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29 tổ chức ở Azerbaijan, hơn 50 quốc gia đã ký cam kết với Liên Hợp Quốc nhằm phát triển du lịch toàn cầu thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Theo Reuters, cam kết trên được ký ngày 20/11 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thường niên lần thứ 29 (COP29).

Tại đây, các quốc gia đã đưa ra các cam kết NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) với các chính sách cụ thể để giảm thiểu khí thải, dự kiến sẽ công bố bản cập nhật vào tháng 2 tới.

hon-50-nuoc-ky-cam-ket-du-lich-xanh-de-chong-bien-doi-khi-hau-1-7436.jpg
Hội nghị COP29 diễn ra tại Baku, Azerbaijan. Ảnh: Reuters.

Bà Zoritsa Urosevic - Giám đốc điều hành Du lịch của Liên Hợp Quốc (UN) chia sẻ rằng ngành du lịch chiếm 3% GDP toàn cầu nhưng cũng là nguồn phát 8,8% khí thải nhà kính. Tại COP29, lần đầu tiên Liên Hợp Quốc đưa du lịch vào chương trình hành động của hội nghị về chống biến đổi khí hậu.

Du lịch, dù mang lại nguồn thu lớn từ ngoại tệ nhưng lại dễ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, hạn hán và nắng nóng. Những tác động này thúc đẩy nhu cầu cấp thiết phải điều chỉnh để ngành du lịch thích nghi và bền vững hơn.

Một trong những điểm sáng tại COP29 là sáng kiến của Liên minh Khách sạn Bền vững Thế giới (WSHA), đại diện cho 55.000 khách sạn với hơn 7 triệu phòng trên toàn cầu, bao gồm các tập đoàn lớn như Accor, Hilton và Marriott.

WSHA công bố một khung hành động chi tiết nhằm đo lường và báo cáo dữ liệu về lượng khí thải nhà kính, tiêu thụ nước, chất thải và năng lượng. Giám đốc điều hành WSHA, ông Glenn Mandziuk cho biết dữ liệu này sẽ giúp ngành du lịch và cả du khách nhận thức rõ hơn về tác động của mình đến môi trường.

Theo các chuyên gia tại QR Code Generator, những điểm đến du lịch nổi tiếng trên thế giới thường đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Điển hình, Paris (Pháp) thu hút trung bình 185.633 lượt tìm kiếm hàng tháng về các điểm nghỉ dưỡng, nhưng lại có mức độ ô nhiễm cao do giao thông dày đặc. Tương tự, Chicago (Mỹ) với sân bay quốc tế O'Hare bận rộn, thu hút khoảng 130.968 lượt tìm kiếm mỗi tháng nhưng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khí thải.

hon-50-nuoc-ky-cam-ket-du-lich-xanh-de-chong-bien-doi-khi-hau-2-6050.jpg
Paris được đánh giá là địa điểm du lịch có chất lượng không khí tồi tệ. Ảnh: Getty Images.

Benidorm và Barcelona - hai thành phố nổi tiếng khác tại Tây Ban Nha cũng bị ô nhiễm bởi giao thông nhưng vẫn duy trì sức hấp dẫn với lượng tìm kiếm hàng tháng lần lượt là 101.775 và 114.431.

Các sự kiện gần đây càng nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường đối với du lịch. Theo ANI, gần 400 chuyến bay đã bị hoãn do ô nhiễm không khí tại Ấn Độ. Đền Taj Mahal - một trong bảy kỳ quan thế giới bị bao phủ bởi khói bụi đã khiến du khách và người dân địa phương bức xúc.

Cam kết tại COP29 là một tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực chung của các quốc gia nhằm giảm thiểu tác động của du lịch đến môi trường, đồng thời bảo vệ những điểm đến du lịch khỏi các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu.

Viết Dũng