An toàn

Hàng không toàn cầu và bài học triệu đô từ dị vật trong động cơ

Linh Nhi 22/11/2024 06:07

Những năm gần đây, nhiều sự cố liên quan việc dụng cụ bảo dưỡng bị bỏ quên hoặc các mảnh vụn từ dị vật có mặt trong động cơ máy bay, gây thiệt hại hàng triệu USD, may mắn không thiệt hại về người.

Dòng động cơ GTF của Pratt & Whitney có thiết kế đặc biệt giúp tăng hiệu suất hoạt động nhưng mang lại nhiều rủi ro. Ảnh: Pratt & Whitney.
Ảnh: Pratt & Whitney.

Đầu năm 2023, tại căn cứ không quân Luke (bang Arizona, Mỹ), trong quá trình bảo trì động cơ, một chiếc đèn pin bị bỏ quên đã bị hút vào động cơ của chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 trong lần chạy thử.

Sự cố này dẫn đến thiệt hại ước tính khoảng 4 triệu USD, nhưng may mắn không gây thương vong. Sự cố được ghi nhận là do thiếu quy trình kiểm soát dụng cụ nghiêm ngặt, theo Air Force Times.

Ngày càng nhiều sự cố dụng cụ, dị vật trong động cơ máy bay

Cùng năm 2023, tại nhiều căn cứ không quân khác của Mỹ cũng xảy ra các sự cố tương tự - tìm thấy vật thể lạ trong động cơ máy bay.

Động cơ của một chiếc máy bay chiến đấu đa nhiệm F-16 bốc cháy trong quá trình kiểm tra mặt đất. Ngoài ra, có ít nhất hai sự cố máy bay F-35 hút vật thể lạ vào động cơ. Những sự cố này làm gia tăng mức độ nghiêm trọng liên quan vấn đề bảo trì, bảo dưỡng.

f16.jpg
Máy bay chiến đấu đa nhiệm F-16 Fighting Falcon. Ảnh: Lockheed Martin.

Năm nay, tại một sân bay dân dụng (chưa được công bố cụ thể tên, địa điểm), một chiếc tuốc nơ vít bị phát hiện mắc kẹt trong hệ thống điều khiển của máy bay Cessna 208. Điều này làm tăng nguy cơ mất kiểm soát máy bay nếu không được phát hiện kịp thời. Đây là một minh chứng khác cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm tra vật thể lạ trước và sau chuyến bay​, theo Aerossurance.

Cuối năm 2023 và đầu năm nay, một chiếc máy bay Airbus A380 của hãng hàng không Qantas Airways (Australia) có vấn đề trong quá trình kiểm tra bảo dưỡng.

Một dụng cụ dài 1,25 m bị bỏ quên trong động cơ của chiếc Airbus A380 trong quá trình kiểm tra bảo dưỡng vào tháng 12/2023. Sau đó, chiếc máy bay này đã thực hiện 34 chuyến bay, bay tổng cộng 294 giờ trước khi dụng cụ được phát hiện trong lần kiểm tra định kỳ vào tháng 1 tại sân bay quốc tế Los Angeles (Mỹ). Rất may, dụng cụ không gây ra thiệt hại nào nghiêm trọng cho động cơ​, theo báo cáo của Cục An toàn vận tải Australia (ATSB).

Cessna 208
Máy bay Cessna 208 do hãng Cessna (Mỹ) sản xuất. Ảnh: Air Charter Services.

Những sự cố trên nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát dụng cụ và đào tạo nhân viên về việc giảm thiểu rủi ro từ vật thể lạ. Ngành hàng không toàn cầu đã thực hiện nhiều sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức và cải thiện quy trình kiểm tra để ngăn chặn những tình huống tương tự xảy ra trong tương lai.

Bay gần 300 giờ với dụng cụ dài 1,2 m bị bỏ quên trong động cơ

Ngày 6/12/2023, một chiếc Airbus A380-842 của Qantas Airways đến sân bay quốc tế Los Angeles sau khi hoàn thành chuyến bay chở khách định kỳ từ Sydney (Australia), theo Airways Magazine.

Hãng hàng không của Australia kiểm tra bảo dưỡng nhanh chiếc Airbus A380 khi máy bay đỗ tại sân bay quốc tế Los Angeles trước khi bay trở lại Sydney, và chuyến bay đã hoàn thành mà không gặp sự cố.

Tàu bay này sau đó khai thác tổng cộng 294 giờ và thực hiện 17 chuyến khứ hồi trước lần kiểm tra bảo dưỡng định kỳ tiếp theo, tình cờ diễn ra tại Los Angeles vào ngày 1/1.

Trong quá trình kiểm tra, một kỹ sư phát hiện một dụng cụ nylon dài 1,25 m bị kẹt vào cánh dẫn hướng đầu ra áp suất thấp trong một trong bốn động cơ Rolls-Royce của máy bay. Dụng cụ này được sử dụng để xoay bộ nén khí của động cơ trong quá trình kiểm tra bằng borescope (dụng cụ quang học có đèn dùng để kiểm tra bên trong ống).

Một cuộc rà soát hồ sơ bảo dưỡng của máy bay chỉ ra rằng dụng cụ này bị để quên trong lần kiểm tra trước đó tại Los Angeles. Các nhà điều tra cũng nhận ra rằng dụng cụ này đã không được phát hiện trong lần kiểm tra bảo dưỡng ngắn vào tháng 12/2023, cũng như trong các lần kiểm tra bên ngoài trước mỗi chuyến bay.

qantas.jpg
Qantas là tên hãng hàng không quốc gia của Australia và là hãng hàng không lớn thứ 11 thế giới. QANTAS là viết tắt của Queensland and Northern Territory Aerial Services. Ảnh: CN Traveler.

Báo cáo từ ATSB cho biết mặc dù dụng cụ này đã bị hư hỏng và biến dạng do vị trí nằm trong động cơ và luồng khí năng lượng cao, nó không làm hỏng bất kỳ bộ phận nào của động cơ.

“Cuộc điều tra của ATSB cho thấy các kỹ sư bảo dưỡng không nhận ra rằng dụng cụ đã bị để quên trong bộ nén áp suất thấp của động cơ khi kiểm tra dị vật sau nhiệm vụ kiểm tra bằng borescope”, lãnh đạo ATSB, ông Angus Mitchell, cho biết.

“Hơn nữa, các kỹ sư bảo dưỡng đã không thực hiện quy trình xử lý khi dụng cụ bị mất, và kỹ sư phê chuẩn đã đưa máy bay vào sử dụng trong khi dụng cụ vẫn chưa được kiểm tra”, ông Mitchell nói.

Báo cáo của ATSB chỉ ra rằng một kỹ sư đã để lại dụng cụ trong động cơ vì nghĩ rằng nó sẽ cần thiết cho lần bảo dưỡng sau. Tuy nhiên, các kỹ sư tiếp theo đã không nhận ra điều này, và mặc dù một báo cáo mất dụng cụ đã được nộp (yêu cầu bắt buộc khi mất dụng cụ), dụng cụ này chỉ được phát hiện trong lần kiểm tra sau đó.

“Dị vật và thiệt hại do dị vật có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hoạt động an toàn của máy bay. Đó là lý do các quy định, quy trình và đào tạo được áp dụng để giảm thiểu rủi ro này. Việc kiểm soát dụng cụ đúng cách là yếu tố cơ bản để giảm thiểu các lỗi do con người”, báo cáo của ATSB nhấn mạnh.

Khắc phục sự cố

Theo báo cáo của ATSB, sau sự cố, quản lý kỹ thuật của Qantas đã thông báo cho tất cả nhân viên về tầm quan trọng của việc đảm bảo dụng cụ được trả lại và xử lý đúng quy trình. Hãng cũng đã đưa ra một chỉ dẫn an toàn mới để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu kiểm soát dụng cụ.

Qantas cho biết dụng cụ bằng nhựa dẻo này không ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ và hãng đã hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra của ATSB.

“Chúng tôi xem việc này cực kỳ nghiêm trọng và mặc dù động cơ không bị hư hại, việc tuân thủ quy trình xử lý mất dụng cụ là rất quan trọng”, phát ngôn viên của Qantas nói. “Kể từ sự cố này, chúng tôi đã ban hành một chỉ dẫn an toàn nội bộ, nhắc nhở các kỹ sư và nhân viên quản lý dụng cụ phải tuân thủ các quy trình này để đảm bảo sự việc không tái diễn”.

Linh Nhi