Quân sự

AUKUS phát triển tên lửa siêu thanh

Thắng Nguyễn 20/11/2024 12:14

Mỹ và 2 đồng minh sẽ tập hợp chuyên môn và nguồn lực để đảm bảo vũ khí, bệ phóng và hệ thống phòng thủ được giao trước thời hạn.

Ba quốc gia AUKUS (Australia, Anh và Mỹ) đã đạt được thỏa thuận đẩy nhanh việc cung cấp tên lửa siêu thanh "battle-winning" (tạm dịch: "bất bại"), Telegraph đưa tin.

Theo thông tin được công bố, liên minh này sẽ phát triển, chế tạo và thử nghiệm các loại đạn bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Nguồn lực đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ để giao hàng trước thời hạn.

telemmglpict000402267106_17319657690990_trans_nvbqzqnjv4bq-exszlq6aktoaw8iuxajzgv-6_j__vsqury3y4mug4c.jpg
Các cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh ở Utah (Mỹ) vào tháng 8. Ảnh: US Navy.

"Công việc này sẽ giúp chúng ta vượt lên trước các đối thủ trên chiến trường, tăng cường an ninh và góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong một thế giới ngày càng phức tạp và nguy hiểm", John Healey, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, cho biết.

Một Thỏa thuận Thử nghiệm và Bay siêu thanh sẽ được thiết lập giữa ba quốc gia. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong rằng chương trình sẽ bao gồm tối đa 6 chuyến bay thử nghiệm chung vào năm 2028, với chi phí 258 triệu USD.

"Chúng tôi đang tăng cường hợp tác để phát triển và cung cấp các công nghệ siêu thanh tấn công và phòng thủ. Các cuộc thử nghiệm ba bên mạnh mẽ sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển các khái niệm siêu thanh và các công nghệ hỗ trợ quan trọng", phát ngôn viên của cơ quan này thông báo.

Trong những năm gần đây, lực lượng vũ trang Mỹ đã đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển các khả năng siêu thanh.

Lục quân và Hải quân nước này đã cùng nhau hợp tác để tạo ra một hệ thống tên lửa đẩy-lướt siêu thanh tách rời, trong khi không quân đang triển khai một số chương trình tên lửa phóng từ trên không.

Liên minh AUKUS ban đầu được thành lập để Mỹ chế tạo một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia, với sự giúp đỡ của Vương quốc Anh. Đây được cho là một phần của kế hoạch hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nhật Bản cũng có thể sẽ gia nhập liên minh này, nới lỏng hơn nữa các hạn chế chia sẻ các công nghệ nhạy cảm của Mỹ với Anh và Australia như công nghệ siêu thanh, trí tuệ nhân tạo và quân sự dưới nước.

Tuy nhiên gần đây có thông tin cho rằng Washington đã lo ngại Anh và Australia sẽ không bảo vệ công nghệ của Mỹ.

Thắng Nguyễn