Ấn Độ lần đầu phóng thành công tên lửa siêu thanh
Cuộc thử nghiệm là một cột mốc trong quá trình phát triển vũ khí siêu thanh trên toàn thế giới mà Nga và Trung Quốc đã khởi động vào những năm 2000.
Ấn Độ ngày vừa tuyên bố đã tiến hành thành công cuộc thử nghiệm đầu tiên đối với tên lửa siêu thanh tầm xa. Đây là chương trình vũ khí chưa từng được biết đến của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng của Chính phủ Ấn Độ.
Cuộc thử nghiệm được cho là đã diễn ra ngày 16/11 trên đảo Abdul Kalam ngoài khơi bờ biển miền Đông Ấn Độ. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tuyên bố rằng cuộc thử nghiệm bao gồm "các cuộc diễn tập cuối cùng thành công với độ chính xác cao".
Phát ngôn của ông Singh ngụ ý rằng cuộc thử nghiệm đã cho thấy khả năng tấn công mục tiêu hiệu quả của tên lửa. Ông cũng tuyên bố tầm bắn tối đa của tên lửa gần 1.500 km, tương đương với tên lửa đạn đạo khu vực tầm trung.
Các quan chức Ấn Độ không tiết lộ nhiều thông tin hơn về tên lửa này. Hệ thống này được nhận định có thể là vũ khí trên bộ để tấn công thông thường hoặc hạt nhân nhắm vào các mục tiêu tĩnh.
Tuy nhiên, báo chí Ấn Độ cho rằng nó có thể là một tên lửa chống hạm tầm xa tên gọi LR-AShM có tầm bắn tương tự như tên lửa "sát thủ tàu sân bay" DF-21D của Trung Quốc.
Mặc dù không phải là lần đầu tiên Ấn Độ thử nghiệm vũ khí siêu thanh, nhưng khoảnh khắc này đánh dấu một cột mốc khác trong cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra giữa hai quốc gia đông dân nhất hành tinh là Ấn Độ và Trung Quốc.
Vũ khí mới của Ấn Độ cũng có thể ảnh hưởng đến cán cân quân sự với đối thủ lâu năm là Pakistan. Vào tháng 1, Không quân Pakistan tuyên bố sở hữu vũ khí siêu thanh không xác định, có thể ám chỉ đến một vũ khí phóng từ trên không được mua từ Trung Quốc.
Tất cả đều là một phần của cuộc chạy đua vũ trang siêu thanh toàn cầu mà Nga và Trung Quốc đã khởi xướng vào những năm 2000 sau khi Mỹ cải thiện khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo của mình.
Chiến lược của Mỹ tập trung vào các tên lửa hành trình chậm nhưng tàng hình. Tuy nhiên đến giữa những năm 2010, Hoa Kỳ cũng bắt đầu phát triển nhiều loại vũ khí siêu thanh khác nhau để cân bằng với Trung Quốc và Nga.
Nhìn chung, vũ khí siêu thanh không chỉ là về tốc độ mà còn là khả năng cơ động ở tốc độ ít nhất gấp 5 lần vận tốc âm thanh nhằm tấn công mục tiêu chính xác hơn, làm rối loạn các hệ thống phòng thủ tên lửa vốn được thiết kế để đánh chặn các mối đe dọa đạn đạo truyền thống tiếp cận theo quỹ đạo tương đối dễ đoán.
Ấn Độ có thể đang sử dụng một tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho cuộc thử nghiệm tên lửa này. Vũ khí siêu thanh phải có khả năng cơ động giữa chuyến bay, được trang bị động cơ ramjet hoặc scramjet có khả năng hút không khí tối ưu để duy trì tốc độ cao.
Hệ thống này có thể bao gồm các tên lửa đẩy hoặc máy bay mang tên lửa lên tốc độ siêu thanh cần thiết sau đó tên lửa hành trình sẽ được kích hoạt.
Trước đây Ấn Độ và Nga đã cùng nhau phát triển một tên lửa hành trình chạy bằng ramjet có tên là BrahMos, hiện có thể đạt tốc độ Mach 3,5. Ấn Độ đang nỗ lực phát triển tên lửa này thành vũ khí siêu thanh có tên gọi là BrahMos II và đã tiến hành ba cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh sử dụng động cơ scramjet trong giai đoạn 2019-2023.
Tuy nhiên, vụ phóng mới nhất có vẻ liên quan đến một thiết kế khác: Một tên lửa đạn đạo được phóng lên, khi thoát khỏi bầu khí quyển của Trái đất, các cánh mở ra để giải phóng một hoặc nhiều phương tiện lướt siêu thanh có thể điều khiển được để tối ưu hóa khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ.
Quỹ đạo bay của tàu lượn siêu thanh thẳng hơn so với quỹ đạo hình cung của tên lửa đạn đạo, mở ra các tùy chọn để điều khiển vũ khí tránh thoát radar phòng thủ. Tuy nhiên, không phải tất cả các vũ khí siêu thanh đều có khả năng duy trì tốc độ tối đa như nhau, một số mất vận tốc đáng kể trong giai đoạn cuối của hành trình khi lao xuống.
Các chuyên gia nhận định nếu được thiết kế như một vũ khí chống hạm có điều khiển như tin đồn, các tên lửa này có thể đe dọa các tàu chiến của đối phương trên Ấn Độ Dương.
Bất kể thế nào, cuộc thử nghiệm mới nhất của Ấn Độ phản ánh sự tiến triển của cuộc chạy đua vũ trang siêu thanh đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác trên toàn cầu, bao gồm cả Mỹ. Các quốc gia này đang tìm kiếm vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường khó bị đánh chặn hơn, đặc biệt là những vũ khí được tích hợp công nghệ tân tiến.