Tin tức hàng không

Phí hạ cánh trong ngành hàng không là gì?

Nguyễn Thơm 19/11/2024 05:27

Phí hạ cánh sân bay đơn giản về khái niệm, nhưng việc tính toán lại có nhiều yếu tố phức tạp.

Phí hạ cánh là một phần quan trọng trong hoạt động của các hãng hàng không, đóng vai trò nguồn thu lớn các cảng hàng không để duy trì cơ sở hạ tầng và dịch vụ.

Phí hạ cánh là gì?

Phí hạ cánh là khoản phí mà các hãng hàng không phải trả cho sân bay mỗi khi một máy bay hạ cánh và sử dụng đường băng. Khoản phí này không giống như phí đậu tàu bay, mà là chi phí cho việc sử dụng 3 mục đích chính sau:

Sử dụng cơ sở hạ tầng: Để bảo trì và bảo dưỡng cơ sở hạ tầng sân bay.

Dịch vụ kiểm soát không lưu: Chi trả cho các hoạt động kiểm soát không lưu của sân bay.

Dịch vụ khẩn cấp: Chi trả cho các dịch vụ khẩn cấp tại sân bay như hoạt động chữa cháy và cứu hộ.

h3.jpg
Phí hạ cánh sẽ phụ thuộc vào từng loại tàu bay, cảng hàng không và quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. Ảnh: Wangkun Jia.

Tùy vào mỗi sân bay, quốc gia, vùng lãnh thổ và loại tàu bay, mức phí này có thể khác nhau. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức phí bao gồm trọng lượng tàu bay, thời gian đậu (các chuyến bay có thời gian quay vòng nhanh thường không áp dụng), loại hình hoạt động của chuyến bay. Vì thế, máy bay càng lớn thì chi phí hạ cánh càng cao, thời gian tàu bay đậu càng lâu thì phí trả càng lớn.

Một chiếc Airbus A320 của Aeroflot từng phải chịu khoản phí gần 500.000 USD sau khi bị mắc kẹt tại sân bay Munich (Đức) suốt hai năm, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Lý do phí hạ cánh quan trọng với sân bay

Phí hạ cánh là nguồn thu chính của sân bay, giúp trang trải chi phí duy trì và phát triển cơ sở hạ tầng như bảo dưỡng đường cất hạ cánh, kiểm soát không lưu và các dịch vụ khẩn cấp khác.

Doanh thu từ phí hạ cánh thường được sử dụng để bảo trì hoặc mở rộng cơ sở hạ tầng của sân bay, bao gồm đường băng, bãi đỗ và đường lăn. Nhờ nguồn thu này, các sân bay có thể giảm sự phụ thuộc vào trợ cấp chính phủ và ngân sách từ người dân để duy trì hoạt động.

opensky_z62_7944.jpg
Phí hạ cánh là nguồn thu lớn của sân bay, giúp duy trì và phát triển cơ sở hạ tầng. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Theo Globe Air, phí hạ cánh là khoản phí tiêu chuẩn mà các sân bay áp dụng đối với máy bay khi sử dụng cơ sở hạ tầng trong quá trình hạ cánh. Khoản phí này là nguồn thu chính, giúp sân bay trang trải chi phí vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng thiết yếu, đảm bảo hoạt động hàng không an toàn và hiệu quả.

Mức phí hạ cánh tại một số sân bay

Mỗi sân bay có cách tính phí hạ cánh khác nhau, phụ thuộc vào các yếu tố như trọng lượng tàu bay và số lượng chuyến bay.

Sân bay Perth (Scotland)

Sân bay Perth là một ví dụ điển hình về phí hạ cánh tại các sân bay khu vực nhỏ. Đây là sân bay chủ yếu phục vụ tàu bay tư nhân, máy bay doanh nghiệp và hoạt động huấn luyện phi công, hiện không có các chuyến bay thương mại theo lịch trình.

h5.jpg
Tàu bay tới sân bay Perth sẽ phải thanh toán phí hạ cánh ngay khi hạ cánh. Ảnh: RuthAS.

Phí hạ cánh được thanh toán ngay khi máy bay hạ cánh, trong khi phí đỗ qua đêm cần được thanh toán trước khi máy bay cất cánh rời sân bay. Sân bay hoạt động hàng ngày từ 9h đến 17h.

Loại tàu bayPhí hạ cánh tại sân bay Perth
Tàu bay siêu nhẹ hoặc trực thăng gyrocopter17,8 bảng (23 USD)
Động cơ đơn nhỏ24,84 bảng (31 USD)
Động cơ đôi cỡ trung65 bảng (83 USD)
Động cơ đơn lớn (PC12,…)100,6 bảng (128 USD)
Động cơ đôi lớn130,18 bảng (166 USD)
Trực thăng turbine lớn130,18 bảng (166 USD)

Sân bay Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Sân bay Istanbul là một trong những sân bay lớn và hiện đại nhất thế giới, bắt đầu tiếp nhận toàn bộ các chuyến bay thương mại từ sân bay cũ Ataturk vào tháng 4/2019. Nằm ở phía châu Âu của Istanbul, đây là sân bay bận rộn thứ hai tại châu Âu (chỉ sau sân bay Heathrow ở London, Anh).

Phí hạ cánh tại Sân bay Istanbul tính theo tấn
Từ 0-2.000 lần hạ cánh12,9 EUR (13,68 USD) một tấn
Từ 2.001 đến 4.000 lượt hạ cánh12,36 EUR (13,11 USD) một tấn
Từ 4.001 lượt hạ cánh trở lên11,61 EUR (12,31 USD) một tấn

Năm 2023, sân bay Istanbul phục vụ hơn 76 triệu lượt hành khách, nằm trong top 10 sân bay bận rộn nhất thế giới và là trung tâm hàng không quốc tế quan trọng.

Sân bay Istanbul áp dụng mức phí hạ cánh từ 12,31 USD đến 13,86 USD mỗi tấn, tùy thuộc vào tổng số chuyến bay mà hãng hàng không thực hiện tại sân bay trong suốt một năm.

h6.jpg
Sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) lại tính phí hạ cánh theo trọng lượng của máy bay. Ảnh: Ancapital.

Ví dụ, một chiếc Boeing 777-300ER với trọng lượng không tải 167.829 kg và trọng lượng cất cánh tối đa 351.533 kg sẽ phải trả phí hạ cánh từ 2.284 USD đến 4.883 USD, dựa trên mức phí 13,68 USD mỗi tấn.

Trong khi đó, với các máy bay thân hẹp như Airbus A320, mức phí hạ cánh sẽ dao động trong khoảng vài trăm USD và tối đa lên đến 1.067 USD, tính theo trọng lượng cất cánh tối đa của loại máy bay này.

Việc tính toán phí hạ cánh tại các sân bay lớn có thể khá phức tạp. Khoản phí mà các hãng hàng không phải trả có thể được thỏa thuận với sân bay như một gói hợp đồng hoặc có thể thay đổi tùy theo số lần hạ cánh tại sân bay.

Đại diện sân bay quốc tế Los Angeles (Mỹ) cho biết: “Các hãng hàng không thương mại phải thanh toán phí hạ cánh cho thành phố Los Angeles cho mỗi lần máy bay hạ cánh. Phí hạ cánh được tính bằng cách nhân số nghìn pound của trọng lượng cất cánh tối đa (MGLW) của tàu bay với mức phí hạ cánh tương ứng”.

Một số sân bay yêu cầu các hãng hàng không phải đặt cọc một khoản tiền lớn trước. Ví dụ, đại diện sân bay quốc tế Los Angeles cho biết: “Các hãng hàng không phải nộp cho thành phố Los Angeles một khoản tiền đặt cọc trị giá 10.000 USD hoặc gấp ba lần số tiền phí hạ cánh ước tính hàng tháng, tùy theo số nào lớn hơn”.

Nguyễn Thơm