Lược sử gia đình Boeing 777
Từ khi Boeing 747 ngừng sản xuất, 777 trở thành mẫu tàu bay thân rộng chủ lực của nhà sản xuất Mỹ.
Ngày nay, Boeing 777 là một trong những máy bay phản lực thân rộng đường dài phổ biến nhất thế giới. Dòng 777X mới đang được phát triển sẽ tiếp tục câu chuyện của gia đình 777.
Ra mắt
Boeing 777 ra đời như một máy bay mới để lấp đầy khoảng trống giữa Boeing 767 và Boeing 747. Dự án 777 được khởi động vào năm 1989, với chiếc máy bay đầu tiên bay vào năm 1994 và đi vào hoạt động vào năm 1995.
777 được phát triển với sự hợp tác chặt chẽ với 8 hãng hàng không gồm: All Nippon Airways, American Airlines, British Airways, Cathay Pacific, Delta Air Lines, Japan Airlines, United Airlines và Qantas. Ngoại trừ Qantas, các hãng hàng không còn lại đều tiếp tục đặt hàng máy bay.
Sự hợp tác này đã tạo ra 1 chiếc máy bay có sức chứa và các thông số kỹ thuật lý tưởng cùng với các biến thể phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau.
Ví dụ, các hãng hàng không Mỹ thích máy bay thân ngắn hơn, trong khi những hãng khác như All Nippon Airways muốn máy bay thân dài hơn. British Airways muốn có một chiếc máy bay tầm xa hơn. Tất cả những sở thích này đều được phản ánh trong thiết kế ban đầu của 777.
777 là máy bay đầu tiên của Boeing phụ thuộc nhiều vào thiết kế máy tính trong quá trình phát triển. Boeing tuyên bố rằng đây là máy bay đầu tiên "không cần phải xử lý các lỗi trên một máy bay mô hình vật lý đắt tiền".
Cơ sở Everett của Boeing ở tiểu bang Washington (Mỹ) được chọn là nơi sản xuất mẫu máy bay này.
Thế hệ máy bay 777 đầu tiên
United Airlines là hãng hàng không đầu tiên đặt hàng 777, với đơn đặt hàng trị giá 11 tỷ USD cho 34 máy bay (và quyền chọn mua thêm 34 máy bay nữa) vào năm 1990. Đây là đơn hàng lớn nhất trong lịch sử của Boeing vào thời điểm đó, theo The Seattle Times.
Chiếc 777 đầu tiên được ra mắt vào tháng 4/1994 và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 12/6. Đây là mẫu 777-200, phiên bản nhỏ hơn trong hai thiết kế bạn đầu, đáp ứng nhu cầu của các hãng hàng không Mỹ. United Airlines thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên với máy bay này vào ngày 7/6/1995.
Trong ba năm tiếp theo, Boeing đã tung ra thêm hai phiên bản nữa. Ba phiên bản thế hệ đầu tiên gồm:
Boeing 777-200: Phiên bản ban đầu, ngắn hơn, được đưa vào sử dụng vào năm 1995 với United Airlines.
Boeing 777-200ER: Phiên bản này có phạm vi hoạt động và tải trọng lớn hơn và được British Airways vận hành vào tháng 2/1997.
Boeing 777-300: Thân máy bay được kéo dài thêm hơn 10 m, nâng sức chứa ba hạng ghế thông thường từ 305 lên 368 (giới hạn thoát hiểm tối đa là 313 và 396). Máy bay này được Cathay Pacific đưa vào sử dụng tháng 5/1998.
Đến năm 1997, đơn đặt hàng 777 đã tăng lên 323 máy bay từ 25 hãng hàng không - đây đã là một thành công lớn của Boeing.
Gia đình Boeing 777:
- Số lượng chế tạo: Hơn 1.738
- Các nhà khai thác hàng đầu: Emirates, United Airlines, Qatar Airways, Air France
- Ngày ra mắt: 7/6/1995
- Hành khách: 301 đến 368 (với 3 hạng ghế thông thường)
- Phạm vi: 9 704- 5.844 km
- Các biến thể: 777-200/200ER, 777-300, 777-300ER, 777-200LR/777F, 777X (777-8 & 777-9)
Thế hệ thứ hai của 777 - mở rộng phạm vi
Từ khi cho ra mắt 777, Boeing luôn có ý định tăng phạm vi của máy bay này. Vào cuối những năm 1990, Boeing bắt đầu phát triển những biến thể tiếp theo của 777. Boeing vẫn giữ nguyên thiết kế thân máy bay và buồng lái nhưng tăng sải cánh thêm gần 4 m. Động cơ cũng được chuyển sang động cơ GE90 mới được phát triển với hiệu suất cao hơn.
Hai mẫu máy bay chở khách
Biến thể tiếp theo được phát triển là Boeing 777-300ER, với đơn đặt hàng ban đầu từ Air France đi vào hoạt động vào năm 2004. Mẫu máy bay này kết hợp kích thước của 777-300 với phạm vi hoạt động của 777-200ER bằng cách tăng trọng lượng cất cánh tối đa.
Thân máy bay và bánh đáp cũng được gia cố đáp ứng nhu cầu bay đường dài của nhiều hãng hàng không. Điều này giúp 777-300ER đã trở thành biến thể 777 được bán chạy nhất cho đến nay.
Biến thể 777-200LR tầm bay cực xa đã gia nhập 777-300ER vào năm 2006. Máy bay này vẫn giữ nguyên chiều dài của 777-200 nhưng sử dụng những cải tiến tương tự như 777-300ER để tăng trọng lượng. Với các bình nhiên liệu bổ sung, máy bay đã nâng phạm vi hoạt động lên gần 16.000 km. Pakistan International Airlines đã khai thác 777-200LR vào năm 2006.
Tuy nhiên, chỉ 60 chiếc 777-200LR được giao. Vấn đề chính của nó thực tế là tầm bay quá xa. Lượng nhiên liệu bổ sung để duy trì tầm bay làm tăng trọng lượng đáng kể và tốn kém để vận hành trên các tuyến đường dài. Các máy bay mới hơn, chẳng hạn như 787 hoặc A350, đạt được phạm vi xa hơn thông qua cải tiến động cơ và hiệu suất sử dụng nhiên liệu.
Máy bay chở hàng 777F
Mẫu máy bay chở hàng 777F là một phần của 777 thế hệ thứ 2. Mẫu máy bay này tận dụng các động cơ được nâng cấp và tăng trọng lượng cất cánh tối đa để chở hàng hóa ở mức 104 tấn so với 110 tấn của 747-200F. Do đó, 777F được coi là lựa chọn tốt để thay thế các máy bay chở hàng Boeing cũ.
777F và 747F cùng nhau đã đảm bảo cho Boeing tiếp tục thống trị thị trường máy bay chở hàng.
Thế hệ thứ ba 777X
Câu chuyện về 777 vẫn chưa kết thúc. Boeing đang phát triển dòng 777X và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong những năm tới. Đây sẽ là máy bay hai động cơ lớn nhất và có sức chứa lớn nhất từng được sản xuất.
777X lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2011, với mục tiêu là năm 2018 sẽ bay chuyến đầu tiên. Dòng máy bay mới lớn hơn và hiệu quả hơn so với 777-300ER. Nó vẫn giữ nhiều điểm chung với các thành viên trước đó trong gia đình 777 nhưng được bổ sung thêm một số tính năng mới. Quan trọng nhất là nó vẫn giữ nguyên kết cấu thân máy bay bằng kim loại.
"Máy bay Boeing 777X mới sẽ là máy bay phản lực hai động cơ lớn nhất và hiệu quả nhất thế giới, không có đối thủ về mọi mặt hiệu suất”, Boeing tuyên bố.
Sẽ có hai phiên bản của 777X là 777-9 lớn hơn và 777-8 nhỏ hơn.
777-9 ra mắt trước có sức chứa lên đến 426 chỗ ngồi với cấu hình hai hạng ghế. Với chiều dài 76 m, đây là máy bay phản lực thương mại dài nhất cho đến nay. 777-8 nhỏ hơn sẽ có sức chứa khoảng 384 chỗ ngồi.
Boeing 777X:
- Chi phí nhiên liệu thấp hơn 10%
- Chi phí vận hành thấp hơn 10%
- Số ghế (thường là 2 hạng): 777-8 - 395 ghế (777-9 426 ghế)
- Tầm bay: 13.492 km (777-9); 16.196 km (777-8)
- Động cơ: GE9X do GE phát triển độc quyền
- Ngày giới thiệu: 2026 (đã lên kế hoạch)
Nhiều tính năng mới
Mặc dù có điểm chung với các loại 777 trước đó, nhưng vẫn có nhiều điều đáng mong đợi ở 777X. Nó sẽ đạt được hiệu quả hoạt động cao hơn, nhưng có công suất và phạm vi hoạt động cao với động cơ mới và cánh lớn hơn.
Nó sẽ có động cơ lớn nhất và mạnh nhất cho đến nay. Động cơ General Electric GE9X mới có cấu trúc sợi carbon và ít cánh quạt hơn để giảm trọng lượng mặc dù có kích thước lớn hơn. Sau nhiều lần trì hoãn, động cơ GE9X cuối cùng đã nhận được chứng nhận của FAA vào tháng 9/2020.
Cánh lớn hơn trên 777X rất quan trọng đối với hiệu suất và hiệu quả của nó. Nhưng cánh lớn có thể gây ra các vấn đề về vận hành tại nhiều sân bay. Đầu cánh 777X có thể gập lại khi lăn trên mặt đất, làm giảm sải cánh khoảng 5 m. Điều này giúp máy bay có thể vận hành ở những sân bay code E thay vì code F như A380.
Thời điểm ra mắt
Quá trình phát triển 777X đã gặp phải một số trở ngại. Sự chậm trễ ban đầu là do các vấn đề về động cơ và thử nghiệm cấu trúc. Sự chậm trễ tiếp theo xảy ra do sự chậm lại trong đại dịch.
Kế hoạch ban đầu của Boeing là đưa 777X vào hoạt động thương mại từ năm 2021, tuy nhiên đã phải lùi lại đến năm 2026.