Trung Quốc có thể triển khai đội UAV giữa không trung từ tàu mẹ 10 tấn
Khả năng phóng nhiều máy bay không người lái (UAV) giữa không trung và sau đó sử dụng tàu mẹ như một trung tâm chỉ huy là một dự án mơ ước của Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Trước thềm Triển lãm Hàng không Chu Hải ở Trung Quốc, tại một sự kiện thương mại hàng không quốc tế do chính quyền Bắc Kinh tổ chức, một mô hình tàu mẹ UAV đã xuất hiện tại khu vực diễn ra sự kiện. Tàu mẹ UAV này, được cho là có trọng lượng cất cánh tối đa 10 tấn, có khả năng phóng các đội UAV trên không.
Dòng UAV này có tên là Cửu Thiên, được trang bị động cơ phản lực, do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) thiết kế, phát triển.
Thông số kỹ thuật của tàu mẹ UAV
Trên tàu mẹ UAV có dòng chữ SS-UAV và một số ký tự tiếng Trung khác. Trong khi UAV rõ ràng là viết tắt của “phương tiện bay không người lái”, vẫn chưa rõ SS có nghĩa là gì.
Quan sát máy bay cho thấy nó sử dụng hệ thống bánh đáp ba bánh bình thường và mang động cơ phản lực trên đỉnh thân trung tâm của nó.
Thoạt nhìn, tàu mẹ này trông giống máy bay tấn công bình thường, nhưng phần chứa hàng ở trung tâm lại được dán nhãn là “Module tổ ong đồng phân”. Điều này tiết lộ rằng tàu mẹ có khả năng phóng các UAV giữa không trung và sau đó quản lý các đội máy bay thực hiện nhiệm vụ.
Khả năng phóng nhiều UAV giữa không trung và sử dụng tàu mẹ như một trung tâm chỉ huy là một dự án mơ ước của Trung Quốc và một số quốc gia khác, Interesting Engineering nhận định ngày 7/11.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã chứng minh hiệu quả của UAV trong việc thay đổi cán cân chiến sự. Khả năng phóng và thu hồi UAV giữa không trung có thể mở rộng phạm vi hoạt động cho bất kỳ quân đội nào.
Điều này giúp UAV có phạm vi hoạt động cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), chiến tranh điện tử.
Tính sát thương của UAV tự sát cũng có thể gia tăng đáng kể khi chúng được triển khai từ một phương tiện đã ở trên không.
Vì vậy, mặc dù các thông số kỹ thuật khác của tàu mẹ UAV Trung Quốc vẫn chưa được công bố, khả năng này có thể nâng cao đáng kể năng lực của quân đội Trung Quốc.
Chiến đấu cơ tàng hình mới nhất của Trung Quốc
Mô hình tàu mẹ UAV của AVIC không phải là phương tiện bay bất ngờ duy nhất ra mắt tại Triển lãm Hàng không Chu Hải.
Máy bay chiến đấu J-15T của Hải quân Trung Quốc cũng đã đáp xuống thành phố biển Chu Hải, tỉnh Quảng Đông hôm 6/11, đánh dấu lần đầu tiên một chiếc chiến đấu cơ của Hải quân nước này được trưng bày.
J-15T là máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 được thiết kế để phóng từ bệ phóng trên tàu sân bay mới nhất của Trung Quốc - tàu sân bay Phúc Kiến. Trung Quốc cũng công bố máy bay chiến đấu tàng hình mới nhất của mình, J-35A, trong triển lãm lần này.
Không quân Trung Quốc đã xác nhận rằng J-35A sẽ ra mắt tại Chu Hải. Đây là phiên bản dành cho các hoạt động trên đất liền của chiến đấu cơ hải quân J-35.
Người phát ngôn Không quân Trung Quốc, ông Niu Wenbo, nói với CCTV rằng tên lửa đất đối không HQ-19 cũng sẽ ra mắt tại triển lãm, cùng với “một loại UAV mới phục vụ trinh sát và tấn công”.
Các chuyên gia tin rằng mô hình tàu mẹ UAV của AVIC là loại UAV mới mà ông Wenbo đã đề cập.
Triển lãm dự kiến bắt đầu ngày 12/11 và kéo dài đến ngày 17/11. Nga cũng sẽ trưng bày máy bay chiến đấu tàng hình đa năng Su-57 của mình tại sự kiện này.
CCTV đưa tin Su-57 của Nga sẽ lần đầu tiên tham gia triển lãm hàng không, trong số thiết bị từ 49 quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt tại triển lãm.
Thông điệp từ Bắc Kinh
J-35A được cho là thuộc thế hệ máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất của Trung Quốc, với thiết kế nhằm giảm thiểu tín hiệu radar, giúp máy bay khó bị phát hiện bởi hệ thống phòng không của đối phương. Điều này giúp J-35A có khả năng tàng hình cao, tương tự các chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ như F-35 Lightning II.
Máy bay J-35A được trang bị động cơ phản lực hiện đại và có khả năng mang theo nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất, và các loại bom thông minh. Khả năng tàng hình kết hợp với các vũ khí tiên tiến giúp J-35A thực hiện tốt các nhiệm vụ trinh sát, tấn công và tác chiến điện tử.
Việc ra mắt J-35A được xem là một bước tiến quan trọng trong chiến lược hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc. Sự xuất hiện của J-35A không chỉ tăng cường sức mạnh không quân của quân đội Trung Quốc, mà còn là một thông điệp về sự phát triển công nghệ hàng không quân sự của nước này, khẳng định năng lực cạnh tranh với các loại máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại trên thế giới, theo Global Times.