Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ qua sân bay Long Thành
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đến địa phận huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), tuyến rẽ trái đi vào đường trục trung tâm sân bay Long Thành.
Trước đó, ngày 2/11, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đi khảo sát thực tế vị trí xây dựng nhà ga dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong khu vực dự án sân bay Long Thành.
Đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), một trong các thành viên của liên danh tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đã báo cáo phương án hướng tuyến cũng như vị trí xây dựng nhà ga đường sắt tốc độ cao trong sân bay Long Thành.
Đại diện TEDI cho biết theo quy hoạch, về phương án hướng tuyến, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ đi giữa đường trục chính của sân bay Long Thành. Trong đó, đoạn tuyến dài khoảng 40 m phía trước các nhà ga T1 và T2 sẽ được thiết kế với phương án đi ngầm dưới tuyến đường trục chính của sân bay này.
Đại diện đơn vị tư vấn cho hay việc thiết kế tuyến với phương án đi ngầm dưới đường trục chính của sân bay Long Thành nhằm phối hợp với các tuyến đường lăn đảm bảo tĩnh không cho các đường băng ngang này.
"Phương án hướng tuyến đi ngầm cũng sẽ tạo cảnh quan cho khu vực sân bay. Bởi nếu đi trên mặt đất thì tuyến đường sắt sẽ tạo giao cắt, ảnh hưởng đến không gian cảnh quan", đại diện đơn vị tư vấn chia sẻ.
Về vị trí đặt nhà ga của tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đại diện đơn vị tư vấn thông tin nhà ga được đặt ở vị trí ngay trước nhà ga T1 của sân bay Long Thành. Do đây là nhà ga được khai thác đầu tiên của sân bay Long Thành nên đặt nhà ga đường sắt tốc độ cao ngay tại vị trí này sẽ đảm bảo tính đồng bộ khi sân bay đi vào khai thác. Mặt khác, do hướng tuyến đường sắt đi ngầm nên dự án sẽ xây dựng các cầu thang đi lên vỉa hè tuyến đường trục chính sân bay, thông qua cầu đi bộ kết nối vào bên trong nhà ga T1.
Tổng giám đốc TEDI Đào Ngọc Vinh khẳng định việc xây dựng ngầm tuyến đường sắt tốc độ cao xây sau nhưng sẽ không ảnh hưởng đến quá trình khai thác của sân bay Long Thành. Cụ thể, tuyến đường trục chính của sân bay Long Thành có bề rộng lên đến 125 m, khi thi công 40 m đường sắt tốc độ cao đi ngầm sẽ thi công theo công nghệ đào hở nên sẽ không gây ảnh hưởng.
"Đơn vị tư vấn đã trao đổi rất kỹ với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về biện pháp và kết cấu thi công đoạn tuyến dự án", ông Đào Ngọc Vinh cho biết thêm.
Cũng tại chuyến khảo sát thực tế, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Minh Sơn nêu vấn đề đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ không đi qua thành phố Biên Hòa. Vậy việc kết nối giữa đô thị Biên Hòa với sân bay Long Thành để phục vụ cho đô thị này nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung sẽ được thực hiện như thế nào.
Trước vấn đề được nêu, đại diện TEDI cho hay trong quy hoạch, ngoài tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành thì quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng phê duyệt còn có 2 tuyến đường sắt đô thị kết nối thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh với sân bay Long Thành.
Do đó, trong tương lai, người dân muốn đi từ thành phố Biên Hòa về sân bay Long Thành có thể sử dụng đường bộ và đường sắt đô thị. Tuy nhiên, tuyến đường sắt đô thị kết nối từ Biên Hòa đến sân bay Long Thành dự kiến sẽ được đầu tư sau năm 2030 nên trước mắt, phương thức giao thông kết nối chính vẫn là đường bộ.
"Riêng với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, luồng hành khách chính được phục vụ là từ khu vực Trung Bộ, Nam Trung Bộ", đại diện đơn vị tư vấn nói.
Trước đó ngày 6/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo đó, Ủy ban Thường vụ thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết đây là dự án có quy mô chưa từng có ở nước ta, chưa có tiền lệ thực hiện, đã được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến. So với thực trạng ngân sách như hiện nay, vốn đầu tư dự án chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay.
Chính phủ cần tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án. Trong đó, cần lưu ý tiếp tục rà soát, tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và bổ sung thuyết minh các phương án so sánh để làm rõ cơ sở lựa chọn hướng tuyến.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tổng vốn đầu tư cho dự án đặc biệt lớn, kể cả về chi phí xây dựng và chi phí vận hành, khai thác. Do đó, để đảm bảo khả thi, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn, đặt trong điều kiện đất nước đang triển khai nhiều dự án hạ tầng cấp thiết, cấp bách.
Phó Chủ tịch Quốc hội thống nhất cần có những chính sách vượt trội, đặc biệt để thực hiện dự án, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát lại 19 chính sách thuyết minh cụ thể hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, chỉ đưa vào nghị quyết những chính sách thực sự cần thiết.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố với chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.
Về quy mô đầu tư, dự án sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Dự án được đề xuất theo hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).