Công ty 'vua hàng hiệu' kết hợp với Tập đoàn miễn thuế Trung Quốc
Việc ký kết của IPPG và CDFG mở ra cơ hội phát triển đột phá trong lĩnh vực thương mại du lịch giữa hai quốc gia.
Trong khuôn khổ sự kiện Trinity Forum 2024, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược (MOU) với Tập đoàn miễn thuế Trung Quốc (CDFG) tối 5/11.
Biên bản ghi nhớ này góp phần mang lại sự hợp tác giữa các đối tác chủ chốt trong lĩnh vực bán lẻ du lịch và lữ hành.
Chia sẻ thêm tại buổi lễ ký kết, Chủ tịch IPPG cho biết theo thoả thuận, hai đơn vị đã phân chia rõ ràng trách nhiệm và nhiệm vụ của mỗi bên.
Theo đó, tập đoàn miễn thuế Trung Quốc trong 7 tháng qua đã nghiên cứu và đánh giá về các địa điểm để mở cửa hàng. Đồng thời, CDFG cũng làm việc với đối tác Trung Quốc lên kế hoạch đưa khách đến mua sắm.
Về phía IPPG, đơn vị đã chuẩn bị đón lượng lớn khách du lịch Trung Quốc, kết hợp thêm với các hãng hàng không để chuẩn bị thêm máy bay, sẵn sàng đón thêm hàng chục triệu khách du lịch Trung Quốc.
Trước đó, hồi tháng 3, phái đoàn cấp cao của Tập đoàn Du lịch Trung Quốc (China Toursism Group - CTG) và Tập đoàn Miễn thuế Trung Quốc (China Duty Free - CDF) cũng đã đến làm việc tại 3 thành phố ở Việt Nam, gồm TP.HCM, Khánh Hòa và Quảng Ninh.
CDFG hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ du lịch miễn thuế - hoạt động kinh doanh chủ lực của Tập đoàn Du lịch Trung Quốc. Sở hữu các giấy phép miễn thuế toàn diện, tập đoàn này đã thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài với hơn 1.200 thương hiệu nổi tiếng thế giới. Hiện tại, tập đoàn này có hơn 200 cửa hàng miễn thuế tại Trung Quốc, Hong Kong, Ma Cao, Đài Loan (Trung Quốc) và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Trong khi đó, IPPG cũng là doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực kinh doanh thời trang hàng hiệu từ năm 2005 và là đối tác của những thương hiệu nổi tiếng thế giới. Ngoài ra, IPPG còn xây dựng hệ thống các cửa hàng miễn thuế và dịch vụ bán lẻ phi hàng không.
Theo báo cáo của ACI, năm 2023, doanh thu phi hàng không đã tăng trưởng và chiếm đến 30-40% tổng doanh thu của các sân bay toàn cầu. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy ngành bán lẻ du lịch và miễn thuế đang trên đà phục hồi sau đại dịch.
Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng cho ngành thương mại hàng không với vị trí chiến lược tại châu Á cùng tốc độ tăng trưởng du lịch, sự gia tăng tầng lớp trung lưu, và các nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng sân bay của Chính phủ.
Trinity Forum 2024 là diễn đàn thương mại bán lẻ hàng không do ACV và IPPG đồng đăng cai tổ chức với hơn 400 khách mời, diễn giả, chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo các sân bay quốc tế và tập đoàn kinh doanh bán lẻ, dịch vụ hàng không hàng đầu thế giới.