Tin tức hàng không

Cổ phiếu Boeing tăng 3,5%

Thu Trang 03/11/2024 09:15

Số liệu được đưa ra vào hôm 1/11. Điều này có thể do công nhân sẽ chấp thuận mức lương mới và chấm dứt cuộc đình công kéo dài 7 tuần.

Cổ phiếu Boeing tăng 3,5% vào hôm 1/11, kết thúc phiên giao dịch ở mức 154,59 USD. Trước đó, vào hôm 3/9, cổ phiếu Boeing đã giảm tới 8,9%, chạm mức thấp nhất trong ngày kể từ tháng 11/2022, ở mức 119 USD.

Tín hiệu tích cực này được công bố trong bối cảnh công nhân của nhà sản xuất máy bay Boeing sẽ bỏ phiếu vào ngày 4/11 về một đề xuất hợp đồng mới tốt hơn. Trong đó bao gồm mức tăng lương 38% trong 4 năm và tiền thưởng cam kết lớn hơn.

Được biết, đề xuất tăng lương mới cao hơn so với đề xuất trước là 35%, đưa tổng mức tăng lương tính theo lãi kép 4 năm lên gần 44%. Đề xuất cũng cho phép công nhân Boeing chọn khoản thưởng một lần là 12.000 USD hoặc lựa chọn đề xuất trước đó với khoản thưởng 7.000 USD và đóng góp 5.000 USD vào quỹ hưu trí.

Boeing cũng cho biết khi kết thúc hợp đồng lao động, mức lương trung bình của công nhân cơ khí sẽ đạt 119.309 USD.

"Điều này có vẻ khả quan vì nó đang tiến gần đến mục tiêu ban đầu của liên đoàn là tăng lương 40% trong 4 năm. Cuộc đình công đã kéo dài gần hai tháng cũng là một yếu tố giúp đạt được thỏa thuận", Ben Tsocanos, Giám đốc hàng không vũ trụ tại S&P Global Ratings, cho biết.

ba7px42hpjkghaao6rpdvudpa4.jpeg
Tàu bay 787-10 Dreamliner của Boeing. Ảnh: Reuter.

Hôm 1/11, Tổng giám đốc điều hành Boeing, Kelly Ortberg, đã kêu gọi nhân viên chấp nhận thỏa thuận. Trong một thông báo gửi tới nhân viên, ông nhấn mạnh rằng đã đến lúc "tập trung vào việc tái thiết doanh nghiệp và cung cấp những chiếc máy bay tốt nhất thế giới".

Công nhân tại các điểm đình công có ý kiến trái chiều. Một số người nói với Reuters rằng họ sẵn sàng kết thúc cuộc đình công kéo dài, trong khi những người khác vẫn quyết tâm yêu cầu mức tăng lương 40% đầy đủ.

“Như vậy là chưa đủ. Họ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của chúng tôi”, Kenneth Vi, một thanh tra chất lượng 34 tuổi, cho biết.

Kate McKinney, 59 tuổi, người làm việc trên dây chuyền sản xuất máy bay 737 MAX, cho biết bà sẽ bỏ phiếu chấp nhận thỏa thuận này.

"Tôi muốn quay lại làm việc. Vì tôi còn phải lo cho chi phí sinh hoạt hàng ngày", McKinney nói với Reuters.

Cuộc đình công đã khiến quá trình sản xuất dòng máy bay 737 MAX của Boeing cũng như dòng máy bay thân rộng 767 và 777 bị đình trệ, dẫn đến khoản lỗ 6 tỷ USD trong quý III và dự báo sẽ tiếp tục lỗ đến năm 2025.

Tuần này, Boeing đã công bố kế hoạch huy động 24,3 tỷ USD để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng nề từ các khủng hoảng liên tiếp và đợt đình công của công nhân. Cuộc đình công kéo dài 7 tuần của hơn 33.000 công nhân tại nhà máy ở bờ Tây nước Mỹ đang làm trầm trọng thêm các chi phí phát sinh của công ty.

Việc chấm dứt cuộc đình công sẽ mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp dịch vụ trong ngành hàng không vũ trụ Mỹ, những doanh nghiệp đã phải cho nhân viên nghỉ việc tạm thời và trì hoãn các khoản đầu tư mới. Bên cạnh đó, nó cũng là tin tốt với các hãng hàng không đang đối mặt với tình trạng giao máy bay chậm trễ từ Boeing.

Thu Trang