NASA và Trung Quốc đàm phán về mẫu đá Mặt Trăng: Hợp tác hay cạnh tranh?
NASA và Trung Quốc đang thương lượng nhằm cho phép giới khoa học Mỹ phân tích các mẫu đá mà Trung Quốc đã thu thập từ Mặt Trăng, trong khi Washington thúc đẩy cải thiện trao đổi với Bắc Kinh về các vấn đề không gian.
Gần đây, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử đưa các mẫu vật từ phía xa của Mặt Trăng về Trái Đất. Đây là một sứ mệnh lịch sử, có thể ảnh hưởng tới khái niệm về sự tiến hóa của Mặt Trăng và khả năng Mặt Trăng có thể hỗ trợ sự sống con người.
Rào cản hợp tác
Tuy nhiên, do một điều luật của Mỹ có tên là Tu chính án Wolf được ban hành vào năm 2011, các nhà khoa học Mỹ phần lớn sẽ bị cấm tham gia phân tích các mẫu này, một rào cản mà lãnh đạo chương trình không gian Trung Quốc đã nhanh chóng chỉ ra, theo trang tin Mỹ Futurism.
“Rào cản trong hợp tác hàng không vũ trụ Mỹ - Trung vẫn nằm ở Tu chính án Wolf”, ông Bian Zhigang, Phó chủ tịch Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc, nói với báo giới. “Nếu Mỹ thực sự muốn tham gia vào các cuộc trao đổi không gian bình thường với Trung Quốc, tôi nghĩ họ nên có các biện pháp cụ thể để loại bỏ các rào cản này”, ông Bian nói.
Trong một phản ứng đầy ngạc nhiên, người đứng đầu NASA, ông Bill Nelson, đáp trả: “Hãy mở rộng cho cộng đồng quốc tế như chúng tôi sẽ làm khi chúng tôi bắt đầu đưa thêm các mẫu về, giống như chúng tôi đã làm cách đây nửa thế kỷ với các mẫu thu về từ sáu cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng của Apollo”, ông Nelson nói với CNN.
Ông Nelson thường chỉ trích tham vọng không gian của Trung Quốc, cho rằng nước này đang che giấu các thí nghiệm quân sự trong không gian và có ý định chiếm giữ tài nguyên trên Mặt Trăng.
Dẫu vậy, tuyên bố của ông Nelson về các mẫu đá từ Mặt trăng vẫn khiến nhiều người khó hiểu khi Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ kho báu khoa học độc nhất vô nhị này. Công bằng mà nói, Nelson cũng thừa nhận rằng ông “hài lòng khi biết rằng" Trung Quốc có ý định chia sẻ các mẫu vật này.
Điều này càng đúng hơn khi vẫn có cơ hội để các nhà khoa học Mỹ có thể nghiên cứu khoảng 2 kg vật liệu do tàu đổ bộ Thường Nga 6 của Trung Quốc thu thập hồi đầu năm nay.
“Chúng tôi đang tiến hành những thủ tục với các nhà khoa học và luật sư của mình để đảm bảo rằng các yêu cầu và giới hạn mà phía Trung Quốc đặt ra không vi phạm luật pháp, cụ thể là Tu chính án Wolf”, ông Nelson nói với CNN. “Tính đến thời điểm này, tôi chưa thấy có vi phạm nào”.
Trong khi tu chính án này ngăn NASA sử dụng quỹ chính phủ để hợp tác trực tiếp với Trung Quốc, nó có một điều khoản cho phép hợp tác nếu NASA nhận được chứng nhận từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) chứng minh rằng không có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia hoặc rủi ro rò rỉ công nghệ hoặc dữ liệu liên quan đến không gian.
NASA kêu gọi các nhà khoa học nộp đơn nghiên cứu các mẫu do Thường Nga 5 của Trung Quốc đưa về từ mặt gần của Mặt Trăng vào năm 2020, và thông báo rằng họ đã nhận được các chứng nhận cần thiết vào thời điểm đó.
Trung Quốc vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới hạ cánh mềm xuống mặt xa của Mặt Trăng và mang về các mẫu vật, khiến kho lưu trữ này trở nên thực sự quý giá cho cộng đồng khoa học.
Tuy nhiên, NASA đang lên kế hoạch đưa các phi hành gia trở lại bề mặt Mặt Trăng trong khuôn khổ sứ mệnh Artemis III vào năm 2026, điều mà ông Nelson nói với CNN rằng “khó khăn gấp nhiều lần so với một cuộc đổ bộ robot (giống như Trung Quốc đã làm)”.
Liệu NASA có thể thực hiện được lời hứa của mình hay không? Sứ mệnh đưa người lên bề mặt Mặt Trăng đầu tiên sau hơn 50 năm là một cỗ máy phức tạp, bao gồm hệ thống tên lửa Space Launch System, tàu vũ trụ Orion và tàu Starship khổng lồ của hãng SpaceX - đóng vai trò phương tiện vận chuyển cuối cùng trong quỹ đạo của Mặt Trăng.
Nói cách khác, NASA còn nhiều thứ phải chứng minh và Tu chính án Wolf chỉ làm cản trở tham vọng của họ, Futurism nhận định.
Mỹ thay đổi chiến lược
Mỹ đang thúc đẩy việc cải thiện trao đổi với Trung Quốc về các vấn đề liên quan không gian vũ trụ.
Với sứ mệnh Thường Nga 5 không người lái vào năm 2020, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba thu thập mẫu đá từ bề mặt Mặt trăng, sau Mỹ và Liên Xô. Sứ mệnh tiếp theo, Thường Nga-6 không người lái hoàn thành vào tháng 6/2024, giúp Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đưa mẫu vật từ mặt xa của Mặt Trăng về tới Trái Đất.
Các sứ mệnh này thể hiện sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian, Reuters nhận định. Giới chức Trung Quốc đã cung cấp mẫu vật thu thập cho các nhà khoa học thế giới nghiên cứu nhưng cũng lưu ý rằng một luật của Mỹ hạn chế sự hợp tác của NASA với Trung Quốc.
Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết các quan chức của NASA đang thảo luận với đối tác Trung Quốc về điều kiện mượn mẫu vật từ sứ mệnh Thường Nga 5 sau khi ông cam đoan với các nhà lập pháp Mỹ rằng cuộc đàm phán sẽ không gây lo ngại về an ninh quốc gia.
“Chúng tôi hiện đang tiến hành thêm các cuộc làm rõ với phía Trung Quốc”, ông Nelson nói với Reuters tại Hội nghị Thiên văn Quốc tế, một sự kiện quy tụ các cơ quan không gian vũ trụ hàng đầu thế giới, ở Milan (Italy).
Ông Nelson nói rằng ông tin tưởng các cuộc đàm phán sẽ kết thúc “tích cực”, với việc Trung Quốc đồng ý cung cấp mẫu vật cho Mỹ.
Tàu Thường Nga 5 của Trung Quốc quay trở lại Trái Đất vào năm 2020, mang theo các mẫu từ Mons Rümker - một gò núi lửa nằm ở mặt gần của Mặt Trăng. Tháng 6 năm nay, tàu Thường Nga 6 hạ cánh xuống khu vực South Pole - Aitken Basin (một miệng núi lửa lớn) và đưa các mẫu từ mặt xa của Mặt Trăng về.
Cuộc thảo luận về việc tiếp cận các mẫu đá là một trong số ít những trao đổi đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề không gian, ngay cả khi hai quốc gia này tiếp tục cạnh tranh về quân sự và kinh tế trong không gian vũ trụ. Đây là hai cường quốc không gian và nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các quan chức từ nhiều cơ quan chính phủ Mỹ trong năm qua đã nỗ lực thúc đẩy trao đổi với Trung Quốc để thiết lập các khu vực phối hợp và liên lạc trong lĩnh vực không gian, nhằm tránh những tính toán sai lầm trong tương lai. Đây là một sự thay đổi trong chiến lược của Mỹ đối với chương trình không gian của Trung Quốc nhằm tránh rủi ro.