Văn hóa

Bí mật đằng sau nước sơn màu trắng của máy bay

Hà Linh 01/11/2024 14:36

Giữa một biển máy bay đủ màu sắc tại sân bay, màu trắng nổi lên như một “màu đồng phục” bất di bất dịch.

Dù mỗi hãng hàng không có một mẫu livery riêng biệt (tức là các màu sắc và họa tiết thương hiệu đặc trưng trên thân máy bay), nhưng phần lớn thân máy bay vẫn được sơn màu trắng và có lý do cho điều này.

Bảo vệ máy bay khỏi “cái nóng” của bầu trời

Cựu phi công Dan Bubb, hiện là giảng viên tại Đại học Nevada, Las Vegas, giải thích: “Phần lớn máy bay được sơn màu trắng vì màu sắc này phản chiếu ánh sáng mặt trời, giúp máy bay mát hơn và giảm thiểu hư hỏng do nhiệt.”

Tương tự ôtô bị nóng khi đỗ dưới ánh nắng, máy bay cũng chịu tác động nhiệt từ bức xạ mặt trời, đặc biệt ở độ cao hành trình nơi tia UV mạnh hơn. Với kích thước lớn, việc làm mát máy bay tốn năng lượng hơn nhiều so với ôtô. Lớp sơn trắng giúp phản xạ phần lớn bức xạ, giảm nhiệt lượng hấp thụ và giữ nhiệt độ bên trong máy bay ổn định, đảm bảo hành khách không phải ngồi trong một "lò nung" giữa trời.

mau trang
Màu sắc không chỉ là yếu tố thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ nhiệt của máy bay. Ảnh: Getty Images.

Ngoài ra, màu trắng giúp dễ dàng phát hiện các vết nứt, rò rỉ hay hư hại trên thân máy bay hơn so với các màu tối, đảm bảo bảo trì an toàn hơn. Với tất cả các lợi ích về phản xạ nhiệt, bảo dưỡng và thẩm mỹ, màu trắng đã trở thành lựa chọn tiêu chuẩn cho các hãng hàng không trên toàn cầu.

Khi bay ở độ cao lớn, máy bay phải tiếp xúc với nhiều điều kiện khắc nghiệt khiến lớp sơn bên ngoài dễ bị phai mờ theo thời gian, do đó cần được sơn lại để đảm bảo tính thẩm mỹ. Thông thường, việc sơn lại một chiếc máy bay có chi phí lên đến hơn 300.000 USD và mất khoảng 2-3 tuần để hoàn thành.

Nhiều hãng hàng không lựa chọn sơn máy bay màu trắng vì lớp sơn trắng ít bị phai màu dưới tác động của tia UV ở độ cao bay so với các màu khác. Điều này giúp màu sắc máy bay duy trì độ bền lâu hơn, gần như không thay đổi đáng kể, ngay cả khi trải qua nhiều tác động trong hành trình bay.

Đằng sau những lý do nêu trên, một sự thật thú vị khiến các hãng hàng không “chung thuỷ” khi lựa chọn màu trắng đó là giảm nguy cơ chim va chạm vào máy bay. So với những màu sắc khác, màu trắng giúp tăng cường khả năng hiển thị của máy bay hơn. Việc sơn máy bay màu tối sẽ khiến máy bay hòa vào mặt đất và làm giảm khả năng nhìn thấy của chim.

Trên trời, khi máy bay có màu trắng sẽ giúp chim dễ dàng phát hiện ra vật thể hơn, từ đó giảm khả năng va chạm, những sự cố có thể làm chết chim và gây nguy hiểm cho những người trên máy bay.

Giúp máy bay dễ dàng “đổi chủ”

Khoảng một nửa số máy bay thương mại trên thế giới được cho thuê. Hình thức cho thuê này cho phép các hãng hàng không linh hoạt điều chỉnh đội bay mà không cần đầu tư quá nhiều. Và để dễ dàng “đổi chủ”, thay đổi giữa các nhà khai thác, việc đổi thương hiệu thì màu trắng trở thành lựa chọn hàng đầu. Với màu trắng, một chiếc máy bay có thể nhanh chóng khoác lên mình “bộ cánh” mới của hãng hàng không khác, tiết kiệm cả thời gian lẫn chi phí.

Ngoài ra, trong những trường hợp xấu xảy ra, trong quá trình tìm kiếm và cứu nạn, việc thân máy bay màu trắng sẽ giúp cho lực lượng cứu hộ dễ dàng phát hiện ra vị trí máy bay rơi dễ dàng hơn nhiều.

Ngoài ra, sơn máy bay là loại sơn đặc biệt, việc sơn máy bay màu trắng có thể làm giảm thêm vào trăm cân trọng lượng so với các sơn màu khác, trọng lượng giảm được khi sơn màu trắng có thể tương đương với 8 người.

Điều này đồng nghĩa mỗi chuyến bay lại thêm được tiền vé của 8 hành khách. Thêm 8 hành khách/chuyến, chuyện tưởng nhỏ nhưng cũng là vấn đề kinh tế cho những nhà quản lý và kinh doanh hãng máy bay.

Không phải lúc nào máy bay cũng được sơn màu trắng

Một điều thú vị là không phải lúc nào máy bay cũng được sơn màu trắng. Vào giai đoạn đầu của lịch sử hàng không, nhiều máy bay không hề được sơn mà để lộ thân máy bay bằng nhôm được đánh bóng.

nz.jpg
Máy bay của Air New Zealand được sơn màu đen toàn bộ. Ảnh: Getty Images.

Đáng tiếc, các vật liệu tổng hợp không có được vẻ ngoài bóng bẩy như kim loại. American Airlines là một trong số ít hãng hàng không vẫn giữ livery kim loại sáng bóng cho đến năm 2013, trước khi cũng chuyển sang sơn cho các máy bay của mình.

Tuy nhiên, sơn trắng không phải là bắt buộc. Một số hãng vẫn chọn tông màu khác cho thân máy bay như màu xanh nước biển của Southwest Airlines hay màu vàng thương hiệu của Spirit Airlines. Một số hãng thậm chí còn áp dụng các thiết kế đặc biệt, như chiếc máy bay màu đen hoàn toàn của Air New Zealand.

sprit.jpg
Máy bay của Spirit Airlines được sơn màu vàng thương hiệu. Ảnh: Getty Images.

Ngoài ra, có một ngoại lệ đáng chú ý. “Với Concorde, tác động của ánh nắng mặt trời, kết hợp với nhiệt độ cao do ma sát khí động học ở tốc độ Mach 2, buộc các nhà thiết kế phải chọn sơn trắng phản chiếu để giảm nhiệt”, Oakley cho biết.

Chỉ có một chiếc Concorde từng được sơn màu khác. Năm 1996, trong chiến dịch quảng cáo với Pepsi, một chiếc Concorde của Air France đã được sơn màu xanh Pepsi.

“Chiếc Concorde màu xanh Pepsi trông rất đẹp, nhưng các chuyến bay tốc độ 1.350 dặm/giờ phải giới hạn không quá 20 phút. Chiếc máy bay chỉ giữ màu sơn này trong hai tuần”, Oakley nói.

Xu hướng này bắt đầu thay đổi vào những năm 70 của thế kỷ 20 khi Air France giới thiệu lớp sơn “Euro-white” vào năm 1976, từ đó thân máy bay toàn màu trắng đã trở thành tiêu chuẩn ngày càng tăng đối với các hãng hàng không trên thế giới.

“Xu hướng này phát triển nhanh hơn trong thế kỷ 21 nhờ việc sử dụng nhiều vật liệu tổng hợp trong chế tạo máy bay”, nhà sử học hàng không Shea Oakley cho hay.

Hà Linh