Trong nước

Dự kiến xây dựng hạng mục dân dụng sân bay Phan Thiết năm 2025

Nguyệt Quỳnh 30/10/2024 15:26

Tiến độ dự án cảng hàng không Phan Thiết (Bình Thuận), hạng mục dân dụng hình thức hợp đồng BOT đang chờ Thủ tướng xem xét, phê duyệt điều chủ trương đầu tư.

Ngày 29/10, tại cuộc giao ban báo chí định kỳ hàng tháng, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận đã cung cấp thông tin quá trình triển khai dự án cảng hàng không Phan Thiết hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).

img_4626.jpg
Phối cảnh sân bay Phan Thiết. Ảnh: Sở GTVT Bình Thuận.

Sân bay Phan Thiết được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch từ năm 2013 với tính chất sân bay dân dụng, quân sự kết hợp.

Ở hạng mục hàng không dân dụng được Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng theo hình thức BOT năm 2014. UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức triển khai các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định và đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty cổ phần Rạng Đông.

Ban đầu thiết kế của dự án là sân bay cấp 4C, sau đó được Thủ tướng thống nhất chủ trương nâng cấp lên thành cảng hàng không 4E với 1 đường cất hạ cánh dài 3.050m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.

Do điều chỉnh quy mô dự án, tăng tổng mức đầu tư nên phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư theo quy định.

Ngày 17/7/2023, UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty cổ phần Rạng Đông ký văn bản thống nhất thỏa thuận chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn.

Về tiến độ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo Luật PPP, Sở GTVT phối hợp với đơn vị tư vấn và các sở, ngành có liên quan hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sân bay Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.

Ngày 20/9, UBND tỉnh Bình Thuận có tờ trình 3513 gửi Thủ tướng về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT với nhà đầu tư cũ.

Mới đây nhất, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tham mưu UBND tỉnh có các công văn gửi Bộ Quốc phòng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 25/10 lấy ý kiến về nội dung giải trình hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sân bay Phan Thiết, hạng mục dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.

Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát và có ý kiến về nội dung tiếp thu, giải trình UBND tỉnh tại tờ trình 3513 để báo cáo, tham mưu Thủ tướng xem xét điều chỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án trên.

Sau khi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận tổ chức triển khai các thủ tục lập, trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lựa chọn nhà đầu tư mới theo quy định pháp luật hiện hành.

Thông tin thêm về sân bay Phan Thiết hiện tại, ông Huỳnh Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết hạng mục quân sự đã hoàn chỉnh các hạng mục, còn đường vào sân bay dài 4 km đang thảm bê tông nhựa, lót gạch vỉa hè và đèn chiếu sáng.

"Theo dự kiến của Sở GTVT, nếu chọn được nhà đầu tư thay thế trong năm 2025 thì cuối năm 2025 sẽ triển khai hạng mục dân dụng sân bay Phan Thiết, 1 năm sau, hạng mục hàng không dân dụng sẽ hoạt động", ông Thanh thông tin.

Sân bay Phan Thiết được khởi công vào tháng 1/2015. Đến nay, các hạng mục quân sự đang được Quân chủng Phòng không - Không quân khai thác bay quân sự vào đầu tháng 8/2024.

Riêng hạng mục thuộc dân dụng do có sự điều chỉnh từ cấp sân bay cấp 4C lên cấp 4E với quy mô đường cất hạ cánh dài 3.050 m, nhà ga hành khách công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm. Hiện, tỉnh Bình Thuận đang xúc tiến việc lựa chọn thay thế nhà đầu tư để sớm tái khởi động hạng mục sân bay dân dụng theo quy định.

Dự án sân bay Phan Thiết có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng (đã bao gồm chi phí lãi vay), giai đoạn 1 hơn 3.700 tỷ đồng, giai đoạn 2 hơn 1.200 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước gần 20 tỷ đồng, gồm chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng (đã thực hiện).

Vốn nhà đầu tư 5.000 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu tối thiểu gần 800 tỷ đồng, vốn vay tín dụng tối đa 4.300 tỷ đồng (tỷ lệ 85%). Thời gian triển khai dự án là 47 năm 2 tháng, trong đó thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng công trình là 27 tháng, thời gian vận hành, khai thác và hoàn vốn là 44 năm 11 tháng.

Nguyệt Quỳnh