Tái chế máy bay - ngành công nghiệp tỷ USD
Tái chế đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày giúp giảm rác thải ra môi trường. Vậy máy bay được tái chế như thế nào và những bộ phận nào của máy bay có thể được tái chế?
Máy bay là một tài sản đắt tiền, vì vậy theo lẽ tự nhiên, các hãng hàng không muốn tận dụng tối đa khả năng của chúng. Một số máy bay lâu đời nhất vẫn còn hoạt động thương mại hiện nay đã bay được hơn 30 năm.
Khi một hãng hàng không cho nghỉ hưu một máy bay, nó thường bị bỏ lại bên lề sân bay hoặc được đưa đến các nghĩa địa máy bay chuyên dụng để lưu trữ. Một trong những nghĩa địa máy bay nổi tiếng nhất thế giới là Mojave, nằm ở sa mạc Mojave, California (Mỹ).
Những bộ phận nào của máy bay có thể tái chế?
Trong khi trước đây, hầu hết máy bay cũ đều bị loại bỏ để lấy kim loại, thì hiện nay ngày càng có nhiều máy bay được tái chế. Các bộ phận của máy bay có thể được biến thành phụ tùng thay thế bao gồm: Động cơ; Turbine; Thiết bị điện tử hàng không; Càng đáp.
Ghế, khung và cánh cũng được tái chế thành đồ lưu niệm sưu tầm và đồ nội thất độc quyền.
Thân máy bay chứa các kim loại có giá trị có thể tái sử dụng, chẳng hạn như titan, nhôm và đồng. Lấy Airbus A320 làm ví dụ, thân máy bay chủ yếu bao gồm: Nhôm (72%); Thép (9%); Titanium (6%).
Tái chế máy bay có giá trị 3 tỷ USD mỗi năm
Tái chế máy bay là một ngành kinh doanh lớn, ước tính có giá trị khoảng 3 tỷ USD mỗi năm. Theo báo cáo của Airbus, một trong những công ty tái chế máy bay lớn nhất thế giới là TARMAC Aerosave, có trụ sở tại Pháp.
Công ty này tái chế 92% tổng trọng lượng của máy bay và 99% các bộ phận động cơ. Tuy nhiên, với những máy bay cũ hơn như Airbus A300, con số này có thể giảm xuống còn khoảng 85%.
Bên ngoài châu Âu, hoạt động tái chế thường được thực hiện bởi các công ty tái chế nhỏ hơn, riêng lẻ, chẳng hạn như CRONIMET.
Giám đốc Phát triển Kinh doanh của CRONIMET, Gregor Zenkner, đã đi sâu hơn vào chi tiết, nói rằng bằng cách tái chế, "có thể thu hồi nhiều loại kim loại cũng như hợp kim phức tạp. Sau đó, các công ty công nghiệp có thể sử dụng trong sản xuất các sản phẩm mới".
Những thách thức trong việc tái chế máy bay
Việc tái chế máy bay phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt do cơ quan quản lý có liên quan đặt ra - ví dụ như Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA).
Tất cả các vật liệu tái chế phải được chấp thuận cho chức năng mới của chúng và không được chứa bất kỳ vật liệu hoặc hóa chất độc hại nào. Các công ty phải cung cấp thiết bị và công cụ phù hợp cho công nhân để họ tháo dỡ máy bay và tái chế một cách an toàn.
Tuy nhiên một số vật liệu có tính năng vượt trội nhưng rất khó tái chế điển hình như sợi carbon, Torsten Müller từ Viện Công nghệ Hóa học Fraunhofer (ICT) giải thích.
Tại sao việc tái chế máy bay lại quan trọng?
Tất cả các ngành công nghiệp đều có trách nhiệm giảm thiểu tác động của họ lên môi trường càng nhiều càng tốt và ngành hàng không cũng không ngoại lệ. Máy bay là những cấu trúc lớn, phức tạp, có nhiều tiềm năng tái chế và đây là điều cần được khai thác.
Một báo cáo của Avia Solutions Group ước tính rằng hiện nay, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 700 máy bay được cho nghỉ hưu. Tuy nhiên, con số này dự kiến tăng lên hơn 1.100 máy bay mỗi năm vào năm 2038.
Dainius Meilunas, Giám đốc điều hành của thị trường phụ tùng máy bay trực tuyến Locatory, cho rằng ngành hàng không tiếp tục tăng trưởng trong tương lai và khái niệm về nền kinh tế tuần hoàn ngày càng hấp dẫn các công ty trên toàn cầu khiến số lượng tàu bay sẽ tăng lên rõ rệt trong tương lai.
Với 92% tổng trọng lượng của máy bay hiện có thể được tái chế, ngành công nghiệp này hứa hẹn bùng nổ trong những năm tiếp theo.