An toàn

Tranh luận về nam và nữ phi công: Ai lái máy bay an toàn hơn?

Linh Nhi 25/10/2024 06:04

Các nghiên cứu về an toàn hàng không đã đưa ra một bức tranh phức tạp về mối quan hệ giữa các vụ tai nạn máy bay và giới tính của phi công.

Nu phi cong 1

Tại Mỹ, cùng với các ngành như xây dựng và kỹ thuật, hàng không vẫn là một lĩnh vực mà nam giới chiếm áp đảo về số lượng.

Theo báo cáo năm 2022 từ nền tảng dữ liệu Data USA, lực lượng lao động hàng không Mỹ, bao gồm cả phi công và kỹ sư bay, có tổng cộng 201.604 người. Trong đó, chỉ 12.257 là phụ nữ, tương đương 6,1%. Tỷ lệ này hầu như không thay đổi trong suốt một thập kỷ qua, dù tổng số lao động trong ngành đã tăng thêm hơn 50.000 người từ năm 2014.

Khác biệt giữa phi công nam và nữ

Hầu hết các nghiên cứu, bao gồm dữ liệu từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB), không phân tích tai nạn hàng không theo giới tính của phi công. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trước đây từ các tổ chức an toàn hàng không đã chỉ ra rằng có mối liên hệ nhất định giữa tai nạn máy bay và giới tính phi công.

Một nghiên cứu đáng chú ý của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins, công bố vào năm 2001 trên tạp chí Aviation Space and Environmental Medicine, đã xem xét các báo cáo NTSB về tai nạn máy bay từ năm 1983 đến năm 1997.

Sau khi điều chỉnh sự khác biệt về số lượng phi công giữa hai giới, nghiên cứu phát hiện rằng mất kiểm soát trong quá trình cất cánh hoặc hạ cánh là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tai nạn. Cụ thể, 59% vụ tai nạn của phi công nữ và 36% của phi công nam liên quan đến vấn đề này.

Beverley Bass
Nữ phi công Mỹ Beth Powell tại trụ sở hãng hàng không American Airlines ở thành phố Fort Worth, bang Texas. Bà chia sẻ về những rào cản đối với phụ nữ khi bước vào ngành hàng không. Ảnh: The Dallas Morning News

Hầu hết các vụ tai nạn đều do lỗi của phi công, với tỷ lệ 95% đối với nữ và 88% đối với nam. Lỗi phổ biến nhất là xử lý sai bộ điều khiển máy bay, phổ biến ở 81% phi công nữ so với 48% ở phi công nam.

Mặc dù phụ nữ có xu hướng cẩn trọng hơn, nam phi công lại thường thực hiện những hành vi mạo hiểm hơn, chẳng hạn như bay trong điều kiện thời tiết xấu hoặc khi có vấn đề kỹ thuật rõ ràng. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phi công nữ có xu hướng mất kiểm soát máy bay cao hơn.

Các vụ tai nạn của phi công nam có khả năng gây tử vong cao hơn, với 19% vụ tai nạn dẫn đến ít nhất một người tử vong và 12% gây thương tích nghiêm trọng. Tỷ lệ này ở phi công nữ là 15% và 7%.

Một bài báo năm 2011 trên tạp chí Accident Analysis and Prevention cũng đưa ra kết luận tương tự. Nghiên cứu này không tìm thấy sự khác biệt đáng kể về mặt thống kê giữa phi công nam và nữ trong khả năng gây ra tai nạn.

Phá bỏ định kiến

Cơ trưởng Erin Jackson từ Hội Nữ phi công Hàng không Quốc tế cho rằng quan niệm phụ nữ điều khiển máy bay kém hơn nam giới là hoàn toàn không có cơ sở.

"Tỷ lệ tai nạn và sự cố gần như tương đương với tỷ lệ nam và nữ phi công”, bà Jackson chia sẻ với Newsweek. Bà khẳng định rằng, trong ngành hàng không – một ngành có quy định rất nghiêm ngặt – giới tính không ảnh hưởng đến quá trình đào tạo và tiêu chuẩn an toàn của phi công.

Một bài viết trên Condé Nast Traveler năm 2018 cũng khẳng định rằng giới tính không ảnh hưởng đến khả năng điều khiển máy bay, dựa trên các cuộc phỏng vấn với hàng chục phi công nữ.

Rào cản lớn nhất

Theo Ban Cố vấn Phụ nữ trong ngành hàng không của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), rào cản lớn nhất đối với phụ nữ trong ngành hàng không chính là văn hóa của ngành. Ban này đã kêu gọi Quốc hội Mỹ giải quyết những định kiến giới tính, đặc biệt là quan niệm rằng phụ nữ kém khả năng điều khiển máy bay thương mại.

Phi cong An Do 2
Ấn Độ có tỷ lệ nữ phi công cao nhất thế giới. Ảnh: Hiệp hội Nữ phi công Ấn Độ

Bà Jackson cũng cho rằng những quan điểm như vậy đã tạo ra thách thức lớn cho các phi công nữ trẻ. Bà tin rằng, khi số lượng phi công nữ tăng lên, những quan niệm này sẽ dần thay đổi.

Sự chênh lệch về tỷ lệ phi công nam và nữ khác nhau đáng kể giữa các quốc gia. Theo Hội Nữ phi công hàng không quốc tế, nữ phi công hiện chỉ chiếm hơn 8% tổng số phi công trên toàn cầu, tăng từ 5% vài năm trước.

Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ nữ phi công cao nhất thế giới, chiếm khoảng 12%, trong khi tỷ lệ ở Mỹ là 9,6%. Ở Trung Quốc, tỷ lệ này chỉ đạt 1,3%, một trong những quốc gia có tỷ lệ nữ phi công thấp nhất.

Linh Nhi