Khung 'siêu máy bay' A380 được tái chế phục vụ cho đội bay toàn cầu
Công ty Tarmac Aerosave của Pháp đã mua lại 3 chiếc Airbus A380 để tái chế thành các bộ phận nhằm hỗ trợ đội bay A380 toàn cầu.
Dòng máy bay Airbus A380 được hành khách yêu thích vì rộng rãi nhưng với nhiều hãng hàng không, đây lại là gánh nặng vì kích thước lớn, quá tốn chi phí vận hành. Nhiều chiếc A380 không còn được sử dụng dù chưa đến tuổi "nghỉ hưu" và được đưa đi tái chế.
Trên thế giới, chỉ có một số nhỏ công ty có khả năng tái chế dòng máy bay chở khách lớn nhất thế giới. Đơn vị có kinh nghiệm nhất là Tarmac Aerosave, được thành lập năm 2007 và đã tái chế hơn 300 chiếc tại 3 địa điểm ở Pháp và Tây Ban Nha.
Trong tuần này, công ty này đã ký hợp đồng với công ty Đức EastMerchant Capital để mua lại 3 khung máy bay A380 bằng nhôm. Chúng sẽ được tháo dỡ trong thời gian tới tại sân bay Tarbes-Lourdes-Pyrénées (LDE, Pháp). Các bộ phận sẽ được đưa vào chuỗi phụ tùng để giúp bảo dưỡng đội bay Airbus A380 toàn cầu.
Thông báo được đưa ra tại triển lãm MRO châu Âu, được tổ chức tại Barcelona (Tây Ban Nha). Baldur Vander, Tổng giám đốc của EastMerchant, cho biết: "Việc hợp tác với Tarmac Aerosave và tận dụng kinh nghiệm của họ với dòng máy bay A380 giúp chúng tôi tự tin khai thác những chiếc máy bay này. Cam kết của Tarmac Aerosave về tái chế bền vững cũng là một yếu tố quan trọng trong quyết định của chúng tôi".
Đối tác kỹ thuật của EastMerchant Capital trong hợp đồng này là AMS Aircraft Services, một công ty hàng không quốc tế có trụ sở gần sân bay London Gatwick (LGW, Anh). Họ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Skyline Aero, nhà cung cấp USM của Anh, để xác định các bộ phận có liên quan để loại bỏ và tái chế.
Việc thiếu phụ tùng thay thế cho máy bay A380 đã ảnh hưởng đến một số hãng hàng không, bao gồm cả British Airways. Hãng này đã buộc phải hủy các chuyến bay do gặp vấn đề trong việc mua phụ tùng thay thế phù hợp.