Tin tức

Bộ Lao động Mỹ xắn tay hỗ trợ chấm dứt đình công ở Boeing

Nguyệt Quỳnh 19/10/2024 11:54

Công đoàn cho biết đang tích cực tham gia các cuộc thảo luận gián tiếp với Boeing từ sự giúp đỡ của Bộ Lao động Mỹ nhằm tìm giải pháp chấm dứt đình công kéo dài.

Cuộc đình công ở Boeing đã bước qua tuần thứ 6 với căng thẳng tiếp tục leo thang. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Lao động Mỹ Julie Su hôm 14/10 đến Seattle (Washington, Mỹ) để thực hiện nỗ lực giúp công nhân đạt được hợp đồng mới với nhà sản xuất máy bay Mỹ.

"Thư ký của bà Julie Su vẫn đang ở Seattle để thảo luận nhằm tìm giải pháp chấm dứt đình công kéo dài. Cô ấy đã gặp Giám đốc điều hành Boeing và công đoàn, đồng thời luôn giữ liên lạc với 2 bên trong suốt quá trình này", người phát ngôn của Bộ trưởng Lao động Mỹ cho biết.

pz7zsqorvzjkvcwhmrg4f2j3zm.jpg
Một biển báo đình công gần lối vào cơ sở sản xuất Boeing ở Renton (Washington, Mỹ) ngày 15/9. Ảnh: Reuters.

Căng thẳng từ cuộc đình công của 33.000 thợ máy Boeing ở Washington (Mỹ) gây ra những thách thức cho cả nhà sản xuất máy bay và nhà cung ứng linh kiện hàng không. Mới đây Spirit Aerosystems thông báo cho 700 nhân viên nghỉ việc.

Người phát ngôn của Spirit Aerosystems Joe Buccino tuyên bố: "Những đợt nghỉ này là cần thiết vì chúng tôi đã hết kho lưu trữ cho 767 và 777".

Trong nỗ lực quản lý chi phí, Spirit AeroSystems thực hiện các biện pháp như ngừng tuyển dụng, hạn chế đi lại và làm thêm giờ. Công ty có trụ sở tại Wichita (Kansas, Mỹ) cũng chỉ ra việc Boeing sa thải thêm và sa thải bổ sung có thể cần thiết nếu cuộc đình công kéo dài quá tháng 11.

Với khoản lỗ quý II tăng hơn gấp đôi, Spirit AeroSystems giảm sản xuất thân máy bay 737 MAX từ 31 chiếc mỗi tháng xuống còn 21 chiếc mỗi tháng trong tháng 8-10. Nhà cung ứng linh kiện máy bay tăng cường kiểm tra thân máy bay 737 MAX tại nhà máy để đảm bảo quá trình hoạt động suôn sẻ hơn khi sản xuất trở lại.

opm5va2m3rk6lo7ojyvofdomte.jpg
Một chiếc Boeing 737 tại nhà máy lắp ráp Boeing 737 ở Renton, Washington vào ngày 4/2/2014. Ảnh: Reuters.

Ngày 18/10, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) thông báo mở một đánh giá mới về hoạt động giám sát an toàn của Boeing. Theo đó, đánh giá mới dự kiến trong vòng 3 tháng, bao gồm các vấn đề như chất lượng đánh giá rủi ro, phân bổ nguồn lực và tuân thủ các yêu cầu quy định.

Tuần trước, Văn phòng Tổng Thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ chỉ trích sự giám sát của FAA đối với Boeing, cho rằng cơ quan này không có hệ thống hiệu quả để giám sát các cơ sở sản xuất riêng lẻ của hãng.

Phát ngôn viên của Boeing khẳng định hãng tiếp tục hợp tác đầy đủ và minh bạch với FAA và ủng hộ tất cả các hành động tăng cường an toàn trong ngành hàng không.

"Chúng tôi đang xem xét các quy trình an toàn trong hoạt động của Boeing để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của FAA. Đây là một phần trong sự giám sát tích cực nhằm duy trì những thay đổi lâu dài đối với văn hóa an toàn của mình", FAA nói.

Trước đó, 33.000 công nhân thuộc Hiệp hội thợ máy và nhân viên hàng không quốc tế (IAM) của Boeing đình công từ ngày 13/9 yêu cầu tăng lương 40% trong 4 năm và khôi phục chế độ lương hưu đã bị xóa bỏ trong hợp đồng cách đây một thập kỷ.

Cuộc đình công khiến việc sản xuất máy bay Boeing 777, Boeing 767 và Boeing 737 Max bị đình trệ. Đồng thời, Boeing cũng đối diện nguy cơ khó khăn tài chính với dự báo mức phí thiệt hại ước tính 5 tỷ USD, thậm chí xếp hạng tín dụng của Boeing có thể xuống mức "rác".

Ngày 12/10, Giám đốc điều hành Boeing Kelly Ortberg cho biết công ty phải thu hẹp lực lượng lao động để phù hợp với thực tế tài chính trong bối cảnh công ty thua lỗ và cuộc đình công của các thợ máy tiếp diễn.

"Chúng tôi điều chỉnh lại lực lượng lao động của mình sao phù hợp với thực tế tài chính và hàng loạt các ưu tiên tập trung hơn. Trong những tháng tới, chúng tôi đang có kế hoạch cắt giảm quy mô tổng lực lượng lao động khoảng 10% (tức 17.000 người), bao gồm cả các giám đốc, quản lý và nhân viên", CEO Boeing Kelly Ortberg nói.

Gã khổng lồ hàng không vũ trụ Mỹ và các nhà cung cấp đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau trong 6 năm qua, bao gồm cả 2 vụ tai nạn chết người của máy bay 737 MAX năm 2018 và 2019, đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng chất lượng sau sự cố bung tấm bịt cửa giữa không trung hồi tháng 1.

Nguyệt Quỳnh