Kinh doanh

Air Canada cần chuẩn bị gì nếu mở đường bay tới TP.HCM?

Hoàng Anh 30/05/2024 06:01

Nằm trong danh sách những chặng bay dài phát triển nhanh nhất hành tinh, tuyến Vancouver - TP.HCM đang được Air Canada cân nhắc khai thác.

Báo cáo Quý I của Air Canada cho thấy hãng hàng không này đang tính toán mở thêm 12 đường bay dài, trong đó có chặng Vancouver - TP.HCM. Theo Simple Flying, trung tâm kinh tế số một Việt Nam là thị trường châu Á lớn nhất chưa có tuyến bay từ Vancouver, đồng thời là một trong những chặng đường dài phát triển nhanh nhất hành tinh.

Hành trình Canada tới TP.HCM còn hiệu quả hơn tuyến đi Bangkok mà Air Canada đang khai thác. Năm 2023, lượt khách bay khứ hồi từ đất nước lá phong đỏ về TP.HCM là 76.200 người. Trung bình mỗi ngày mỗi chiều có 104 khách, tăng 2,8 lần so với mức 37 khách năm 2019. Thị trường Canada đầy hứa hẹn vì nhu cầu du lịch, du học, thăm thân và đi làm ăn ngày càng tăng.

Nhìn rộng hơn, 19 sân bay hàng đầu của Mỹ và Canada với các chặng bay đến TP.HCM có hơn 1,63 triệu hành khách khứ hồi vào năm 2023, tăng đột phá 51% so với năm 2019 và có 753 hành khách bổ sung mỗi ngày mỗi chiều.

anh-chup-man-hinh-2024-05-29-luc-14.54.53.png
Thống kê cho thấy chặng Vancouver - TP.HCM là một trong những tuyến từ Bắc Mỹ đến TP.HCM tăng trưởng nhanh nhất. Đồ hoạ: Simple Flying.

Air Canada cần gì nếu mở đường bay tới TP.HCM?

Thủ tục mở đường bay từ Vancouver đến TP.HCM không có gì khó khăn. Việt Nam và Canada đã có Hiệp định vận tải hàng không từ năm 2004 và có thoả thuận về tần suất bay. Từ trước đến nay, Air Canada hợp tác liên danh (code-share) với nhiều hãng để đưa khách từ Canada tới Việt Nam và ngược lại. Air Canada đã gửi lịch bay thường xuyên và được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt 2 lần/năm.

Theo ông Võ Huy Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nếu muốn mở đường bay mới tại Việt Nam, Air Canada cần trải qua một số thủ tục.

Đầu tiên, hãng cần làm thủ tục chỉ định tổ chức bay các chuyến theo lịch, căn cứ trên thỏa thuận giữa Canada và Việt Nam. Tiếp theo, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, thông qua con đường ngoại giao để thông báo chấp thuận chỉ định cho phép mở đường bay.

Kế đến, Air Canada nộp kế hoạch khai thác, xin cấp quyền vận chuyển. Kế hoạch khai thác phải có điểm đi, điểm đến, loại tàu bay khai thác, bay thẳng hay có điểm dừng, thời gian bắt đầu khai thác. Sau đó xin cấp slot hoặc thực hiện song song.

Khi đã có quyền vận chuyển và slot bay, hãng nộp lịch bay để xin phê duyệt. Lịch bay căn cứ vào hiệp định, slot và quyền vận chuyển được cấp.

Air Canada cũng cần nộp chương trình an ninh hàng không và điều lệ vận chuyển để Cục Hàng không Việt Nam được biết và đánh giá việc đảm bảo an ninh hàng không, quyền lợi khách hàng.

anh-chup-man-hinh-2024-05-29-luc-14.51.06.png
Tàu bay 787 Dreamliner của Air Canada. Ảnh: Shutter Stock.

“Thông thường với các đường bay dài, ban đầu hãng sẽ bay 3 chuyến/tuần để đánh giá thị trường và quảng bá cho khách biết”, ông Cường chia sẻ.

Nếu nhu cầu tăng lên, khách trước đây bay tuyến TP.HCM - Vancouver phải quá cảnh Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ cân nhắc chuyển qua bay Air Canada. Nếu nhu cầu tăng, hãng sẽ xem xét tăng tần suất, có thể 5 chuyến/tuần hoặc bay hàng ngày.

Những thách thức đón chờ

Tham gia thị trường Việt Nam giai đoạn này, Air Canada gặp một vài bất lợi. Hãng không thể bay vòng qua không phận Nga. Đây là quãng đường ngắn nhất và tiết kiệm nhất cho các chuyến bay từ Bắc Mỹ sang châu Á, do khoảng cách khi máy bay di chuyển về phía 2 cực ngắn hơn so với bay thẳng theo xích đạo.

Air Canada sẽ chịu sự cạnh tranh lớn. Từ Việt Nam đi Canada có nhiều hãng bay hàng đầu như Singapore Airlines, Korean Air, Japan Airlines, ANA, Cathay Pacific, Asiana, EVA Air…

Có thể Air Canada sẽ bay đến Hong Kong (Trung Quốc) rồi xin thương quyền 5 (quyền vận chuyển khách, hàng hóa đến hai nước ngoài) để đón thêm khách Hong Kong tới Việt Nam. Các quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đều không sẵn sàng trao đổi thương quyền 5, Air Canada chỉ được hạ cánh kỹ thuật.

Trong giai đoạn 2004-2009, United Airlines chở khách từ Mỹ đến Hong Kong (Trung Quốc) rồi lấy khách Hong Kong đưa về Việt Nam và ngược lại, chở khách từ TP.HCM đến Hong Kong rồi vận chuyển tiếp khách đi Mỹ. Nhưng sau đó United Airlines không cạnh tranh được vì Cathay Pacific hoạt động quá tốt.

Các đường bay khác quá cảnh Nhật Bản, Hàn Quốc cũng vậy. Mỗi quốc gia đều có 2 hãng lớn cạnh tranh quyết liệt. Các hãng Bắc Mỹ không cạnh tranh nổi, phải bỏ đường bay.

1ab56760ec97dfc9d687d5c6449ff779.jpeg
Air Canada được SkyTrax đánh giá là hãng bay có nhân viên tốt nhất Bắc Mỹ năm 2021. Ảnh: Air Canada.

Cơ hội cho hãng bay Việt?

Đường bay thẳng sang Mỹ đặt ra nhiều thách thức cho Vietnam Airlines nhưng cũng mang lại danh tiếng cho hãng, nâng tầm thương hiệu, hình ảnh hãng hàng không quốc gia.

Canada cũng là thị trường đầy tiềm năng. Nếu đường bay hoạt động thuận lợi, khách từ các nơi khác có thể bay đến Vancouver để nối chuyến về Việt Nam. Chẳng hạn, khách bay nội địa đến Vancouver hoặc xuất phát từ các bang của Mỹ gần biên giới.

Thậm chí, hành khách ở Los Angeles hay San Francisco (đã có đường bay thẳng) nếu thấy bay từ Vancouver thuận lợi hơn thì có thể chọn lại. Lúc đó, vùng phục vụ ở Canada rất lớn.

Tại châu Âu, nhiều người Việt ở Đông Âu thấy bay từ Frankfurt về Việt Nam là thuận lợi nhất nên họ đi đường sắt, đường bộ hoặc bay đến Frankfurt rồi nối chuyến bay về nước. Tương tự, hành khách cũngcó thể bay nội địa, đi đường bộ, lái xe qua biên giới đến sân bay Vancouver rồi nối chuyến về Việt Nam.

Hoàng Anh