Mỹ mang 'bóng ma' B-2 trị giá 1 tỷ USD ném bom quân Houthi ở Yemen
Những hành động khiêu khích của Houthi đã khiến Mỹ mất kiên nhẫn khi điều động máy bay ném bom đắt nhất lịch sử của mình cho một cuộc không kích.
Các máy bay ném bom tàng hình tầm xa B-2 của Mỹ đã thực hiện các cuộc không kích vào sáng sớm 17/10 (giờ địa phương) nhằm vào các boongke ngầm do phiến quân Houthi của Yemen sử dụng, AP dẫn lời các quan chức quân đội Mỹ cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố các máy bay ném bom B-2 đã nhắm mục tiêu vào 5 địa điểm cất giữ vũ khí ngầm kiên cố tại các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen.
Cuộc tấn công này được xem là lời cảnh báo gián tiếp tới Iran, nhà tài trợ chính của Houthi. Trong năm qua, Iran đã 2 lần nhắm mục tiêu vào Israel, đồng minh thân cận của Mỹ, bằng các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo.
Theo ông Austin, B-2 Spirit sẽ được sử dụng trong bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ vào các cơ sở hạt nhân kiên cố của Iran như Natanz hoặc Fordo. Đây là máy bay duy nhất đang hoạt động có thể thả bom GBU-57.
Được định danh "Massive Ordnance Penetrator" (cỗ máy xuyên phá), GBU-57 là loại bom thông minh hạng nặng chuyên phá boongke. Không quân Mỹ tuyên bố quả bom này có thể xuyên sâu 60 m vào bê tông và đất trước khi phát nổ.
Máy bay B-2 có khả năng mang vũ khí hạt nhân, hiếm khi được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến đấu vì mỗi máy bay có giá trị tới 1 tỷ USD. Spirit lần đầu tiên tham gia chiến đấu vào năm 1999 trong Chiến tranh Kosovo sau đó được dùng để thả bom ở Afghanistan, Iraq và Libya.
Các quan chức quân đội Mỹ chưa công bố thiệt hại đã gây ra. Tuy nhiên, đánh giá ban đầu của cơ quan này cho thấy không có thường dân nào thiệt mạng.
Trước khi cuộc không kích diễn ra, không có báo cáo nào về việc B-2 Spirit được sử dụng trong các phi vụ nhằm vào Houthi. Từ nhiều tháng nay, tổ chức này đã tấn công các tàu chở hàng tại hành lang Biển Đỏ.
Kênh tin tức vệ tinh al-Masirah của Houthi đã xác nhận thông tin về các cuộc không kích xung quanh thủ đô Sanaa của Yemen, nơi nhóm này đã chiếm giữ từ năm 2014, cũng như thành trì Saada của nhóm.
Biển Đỏ đã trở thành nơi nguy hiểm kể từ khi Houthi bắt đầu chiến dịch nhắm vào các tàu chở hàng đi qua tuyến đường này. Trước đó, khu vực này từng ghi nhận 1 nghìn tỷ USD hàng hóa đi qua hàng năm.
Houthi đã nhắm mục tiêu vào hơn 80 tàu buôn bằng tên lửa và máy bay không người lái kể từ khi cuộc chiến ở Gaza giữa Israel và Hamas diễn ra vào tháng 10/2023.
Lực lượng này đã chiếm giữ 1 tàu và đánh chìm 2 tàu khiến bốn thủy thủ thiệt mạng. Các tên lửa và máy bay không người lái khác đã bị liên minh do Mỹ đứng đầu ở Biển Đỏ đánh chặn.
Houthi tuyên bố họ nhắm mục tiêu vào các tàu có liên quan đến Israel, Mỹ hoặc Anh để buộc Israel chấm dứt chiến dịch chống lại Hamas ở Gaza.
Tuy nhiên, nhiều tàu bị tấn công có không liên quan đến cuộc xung đột, trong đó có cả một số tàu hướng đến Iran.
Lực lượng này thời gian qua cũng tiếp tục phóng tên lửa nhắm vào Israel và đã bắn hạ một số máy bay không người lái MQ-9 Reaper của quân đội Mỹ đồng thời đe dọa sẽ tiếp tục tấn công để đáp trả các chiến dịch trên bộ vào Lebanon và vụ ám sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah do Israel thực hiện.