Hàng không vũ trụ

Trung Quốc thế chỗ Nga trong lĩnh vực du hành vũ trụ

Thắng Nguyễn 15/10/2024 14:31

Trong khi các hoạt động du hành vũ trụ của Nga đang bị ảnh hưởng do cấm vận từ phương Tây, Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực này.

Tại Đại hội Du hành vũ trụ quốc tế (IAC) ở Milan (Italy) diễn ra ngày 14-18/10, Cơ quan quản lý Không gian quốc gia Trung Quốc đã giới thiệu mẫu đá được tàu thám hiểm Hằng Nga 6 mang về được từ phía xa của Mặt Trăng.

Kỳ tích này được coi là bằng chứng về vị thế cường quốc không gian đang lên của Trung Quốc, Reuters nhận định.

Trong khi đó, NASA trưng bày những tảng đá được tàu vũ trụ OSIRIS-REx của họ thu thập từ tiểu hành tinh Bennu vào năm 2023.

0c090f2e-eceb-4833-91a6-9d2cabe4f95a_ef3aecb8.jpg
Tàu Thường Nga 6 của Trung Quốc tiếp cận Mặt Trăng. Ảnh: SCMP.

Cường quốc không gian truyền thống là Nga vắng mặt tại cuộc họp ở Milan trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây.

IAC ra đời từ năm 1950 để các nhà khoa học, kỹ sư, công ty và chính trị gia của các quốc gia có ngành công nghiệp vũ trụ thảo luận và hợp tác. Sự kiện diễn ra ngay cả trong Chiến tranh Lạnh.

"Đây là thời điểm thú vị nhất của lĩnh vực không gian vũ trụ kể từ kỷ nguyên Apollo vào những năm 1960", Clay Mowry, Chủ tịch của Liên đoàn Du hành vũ trụ Quốc tế gồm 77 quốc gia, nói với Reuters.

Các cuộc thảo luận dự kiến đề cập nhiều đến hoạt động thám hiểm Mặt Trăng theo chương trình Artemis của NASA và nhu cầu cấp thiết của châu Âu về quyền tiếp cận không gian có chủ quyền hơn.

Dù đã đầu tư hàng tỷ USD vào dự án Artemis, NASA vẫn muốn duy trì sự hiện diện trên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất để cạnh tranh với trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Trong 3 năm qua, Trung Quốc đã liên tục đưa các phi hành gia của mình lên trạm vũ trụ này.

Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua để đưa những người đầu tiên lên Mặt Trăng kể từ sứ mệnh Apollo năm 1972.

Cả hai nước đều đang tích cực mời gọi các quốc gia tham gia vào dự án. Tuy nhiên 2 cường quốc vẫn dựa nhiều vào các công ty tư nhân cho các chương trình Mặt Trăng của mình.

Các quan chức nước chủ nhà Italy cho biết họ muốn châu Âu cũng thể hiện sự quyết tâm tương tự để cân bằng với Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực du hành vũ trụ.

Sau một năm gián đoạn, châu Âu trở lại không gian với chuyến bay thử nghiệm của tên lửa phóng Ariane 6 vào tháng 7.

Tuy nhiên, ngành sản xuất vệ tinh của châu Âu đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng khi thị trường từng phát triển mạnh mẽ cho các vệ tinh địa tĩnh lớn, được thiết kế riêng của họ chuyển sang sản xuất vệ tinh quỹ đạo thấp hơn.

Tập đoàn hàng không vũ trụ Leonardo của Italy đã kêu gọi một chiến lược mới cho ngành vũ trụ của châu Âu với sự tham gia của công ty Thales và Airbus (đều của Pháp) để sản xuất vệ tinh.

Các nguồn tin trong ngành cho biết ba công ty đang tham gia vào các cuộc đàm phán sơ bộ về việc kết hợp các hoạt động vệ tinh. Tuy nhiên kết quả phần lớn sẽ phụ thuộc vào thái độ của Ủy ban châu Âu mới.

Thắng Nguyễn