Dàn chiến đấu cơ sao chép của Trung Quốc (Phần 1)
Để có được tiềm lực như ngày nay Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) đã sao chép lại chiều mẫu máy bay chiến đấu từ Nga và Mỹ. Theo cách này, Trung Quốc đã bỏ qua hoạt động R&D tốn kém và mất nhiều thời gian.
Trong chiến tranh Triều Tiên tập đoàn máy bay Shenyang (Thẩm Dương) đã sản xuất nhiều bộ phận khác nhau để bảo dưỡng các máy bay chiến đấu do Liên Xô chế tạo. Đơn vị này cũng đã chế tạo máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi MiG-15UTI với tên gọi JJ-2.
Đến năm 1956, Trung Quốc đã lắp ráp các bản sao của MiG-15 và 8 năm sau nước này đã sản xuất cả Shenyang J-5 (MiG-17) và Shenyang J-6 (MiG-19) theo giấy phép của Liên Xô.
1. Shenyang F-7/Chengdu J-7 (bản sao của MiG-21)
Vào những năm 1950 và đầu những năm 1960, Liên Xô chia sẻ hầu hết công nghệ vũ khí thông thường của mình với Trung Quốc trong đó có MiG-21. Ngày 1/9/1960, Liên Xô đã rút các cố vấn của mình, dẫn đến việc dự án bị dừng lại.
Sau đó, tháng 2/1962 Moscow đề nghị chuyển giao công nghệ MiG-21 cho Bắc Kinh. Một phái đoàn do tổng tư lệnh PLAAF, từng là sinh viên tốt nghiệp học viện quân sự Liên Xô, dẫn đầu đã đến Moscow.
Thỏa thuận chuyển giao công nghệ đã được ký kết. Một số máy bay MiG-21 đã được gửi đến Trung Quốc và được các phi công Liên Xô lái.
Trung Quốc cũng nhận được một số MiG-21F, cùng với các linh kiện và tài liệu kỹ thuật. Tuy nhiên, người Trung Quốc phát hiện ra rằng các tài liệu kỹ thuật của Liên Xô không đầy đủ và một số linh kiện không thể sử dụng được.
Sau đó, Trung Quốc đã tháo rời một số MiG-21 và bắt đầu thiết kế ngược máy bay để sản xuất tại địa phương. Họ tuyên bố đã tìm thấy và giải quyết được 249 vấn đề lớn và tái tạo 8 tài liệu kỹ thuật lớn không được Liên Xô cung cấp.
Đó là cơ sở để Trung Quốc sản xuất máy bay chiến đấu Chengdu (Thành Đô) J-7, phiên bản xuất khẩu là Shenyang F-7.
Khoảng 2.400 chiếc J-7/F-7 đã được sản xuất, gần đây nhất là vào năm 2013. Đây là những chiếc MiG-21 cuối cùng được sản xuất.
2. Shenyang J-8 (bản sao của MiG-21 & Su-15)
Nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triển máy bay đánh chặn hoạt động mọi điều kiện thời tiết của riêng họ bắt đầu vào năm 1964. Máy bay này được Trung Quốc thiết kế và chế tạo để chống lại các mối đe dọa mới ở tầm cao, bao gồm máy bay do thám Lockheed U-2 của Mỹ.
Năm 1964, PLAAF đã nhận thấy Chengdu J-7 không thể đáp ứng yêu cầu một máy bay chiến đấu đánh chặn để chống lại máy bay ném bom và máy bay do thám. Vì vậy lực lượng này đã phát triển dòng máy bay mới là Shenyang J-8.
Nguyên mẫu đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1969. Tuy nhiên, chương trình này kéo dài tới tận năm 1979 và máy bay chỉ đi vào hoạt động từ năm 1980.
Cấu hình cơ bản của J-8 giống với phiên bản mở rộng của J-7. Nó có hai động cơ phản lực turbine Liyang (LMC) Wopen-7A và có thể bay tới Mach 2.2.
Các chuyên gia đều nhận định J-8 bắt nguồn từ thiết kế của MiG-21. Các biến thể tiếp theo, J-8II, có cửa hút gió bên được sao chép từ MiG-23 hoặc F-4 Phantom của Mỹ.
Trên thực tế, nó giống một bản sao của Sukhoi Su-15 hơn. Có thời điểm, gần 300 chiếc J-8 đã được đưa vào sử dụng.
3. Chengdu J-10 (Bản sao của Lavi của Israel và F-16 )
Vào những năm 1980, Mỹ đã hợp tác với Israel để phát triển một máy bay chiến đấu mới dựa trên General Dynamics F-16. Nhưng khi chi phí tăng cao, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận, khiến chương trình máy bay chiến đấu tên gọi Lavi của Israel vẫn còn dang dở.
Israel đã bán các kế hoạch phát triển Lavi cho Trung Quốc, cấp cho họ quyền truy cập chưa từng có vào các công nghệ được phát triển riêng cho F-16. Về ngoại hình, J-10 có nhiều điểm tương đồng với F-16.
Chengdu J-10, còn được gọi là "Vigorous Dragon" (Rồng mạnh mẽ), là máy bay chiến đấu đa chức năng hạng nhẹ, một động cơ, có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Máy bay được thiết kế cánh tam giác và cánh canard (cấu hình một cánh nhỏ phía trước cánh chính). Nó có hệ thống điều khiển điện tử.
Chương trình được khởi động từ những năm 1980. J-10 ban đầu được thiết kế như một máy bay chiến đấu chuyên dụng nhưng sau đó trở thành máy bay đa chức năng.
Năm 2006, Viện nghiên cứu hàng không Siberia của Nga (SibNIA) đã xác nhận sự tham gia của mình vào chương trình J-10. Các kỹ sư của SibNIA cũng tin rằng J-10 "ít nhiều là một phiên bản" của Lavi.
J-10 chính thức được công bố vào tháng 1/2007. Nguyên mẫu đầu tiên J-10 01 được cho là đã ra đời vào tháng 11/1997 và lần đầu tiên bay vào ngày 23/3/1998.
Loạt máy bay này được sản xuất vào năm 2002 và chính thức được đưa vào biên chế PLAAF vào năm 2006.
Hơn 700 chiếc J-10 đã được chế tạo cho đến nay. Đây không phải là máy bay chiến đấu cuối cùng của Trung Quốc kết hợp các yếu tố của F-16, nhưng nó là máy bay gần giống nguyên bản nhất.
J-10C là phiên bản nâng cấp của J-10B. Nó được trang bị radar kiểm soát hỏa lực mảng quét điện tử chủ động (AESA), tên lửa dẫn đường hồng ngoại PL-10 và tên lửa không đối không tầm xa (AAM) PL-15 mới.
JC-10CE là máy bay phản lực chiến đấu đa năng một chỗ ngồi, phiên bản xuất khẩu của J-10. J-10B TVC Demonstrator là máy bay chiến đấu nguyên mẫu dựa trên J-10B được trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy WS-10B.
Không quân Pakistan (PAF) là khách hàng nước ngoài duy nhất đã mua 36 chiếc J-10CE (20 chiếc đã giao, 16 chiếc đang đặt hàng).
4. Shenyang J-11/16 (bản sao của Sukhoi Su-27)
Vào những năm 1970, nhà máy sản xuất máy bay Shenyang đã đề xuất một máy bay chiến đấu hạng nhẹ mới được thiết kế, sử dụng động cơ Rolls-Royce Spey 512 của Anh. Nó có khả năng cơ động tốt hơn MiG-19 và tốc độ leo cao tốt hơn MiG-21.
Cuối cùng, J-11 đã ra đời vào năm 1998 như một phiên bản Trung Quốc của máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Sukhoi Su-27SK do Liên Xô thiết kế.
Nga đã cấp phép cho Trung Quốc chế tạo 200 máy bay Su-27SK bằng các linh kiện do Nga cung cấp trong một thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD.
Theo thỏa thuận, những máy bay này sẽ được trang bị hệ thống điện tử hàng không, radar và động cơ của Nga.
Tuy nhiên, vào năm 2004, truyền thông Nga đưa tin việc đồng sản xuất J-11 với Shenyang bị dừng lại sau khi chế tạo được khoảng 100 mẫu.
Đến năm 2007, chính phủ Trung Quốc chính thức tiết lộ thông tin về J-11 do nước này chế tạo độc lập. Máy bay sử dụng để thử nghiệm động cơ WS-10 trong nước được chỉ định là J-11WS.
Đài truyền hình nhà nước CCTV 7 đã phát sóng cảnh quay J-11B vào giữa năm 2007, chính thức xác nhận sự tồn tại của J-11 với các linh kiện nội địa.
Tuy nhiên, các báo cáo của phương tiện truyền thông Nga cũng chỉ ra rằng Trung Quốc vẫn có ý định nâng cấp động cơ của phi đội J-11 hiện tại bằng động cơ Saturn AL-31-117S (một phiên bản phát triển của Lyulka AL-31F được lên kế hoạch cho Su-30 MKI của Ấn Độ).
Việc sản xuất hàng loạt WS-10 và tích hợp với J-11 khó khăn hơn dự kiến. Do đó, các đơn vị PLAAF đã chuyển đổi sang phiên bản J-11B chạy bằng động cơ Taihang vào năm 2007. Những chiếc máy bay này sau đó đã bị đình chỉ trong một thời gian dài do độ tin cậy hoạt động kém.
Một báo cáo trên tờ Washington Times cho rằng động cơ của Trung Quốc hoạt động được 30 giờ trước khi cần bảo dưỡng, so với 400 giờ đối với các phiên bản của Nga.
Một số máy bay được sản xuất sau đó tạm thời quay lại động cơ phản lực AL-31F nguyên bản của Nga. Đến cuối năm 2009, các vấn đề về sản xuất động cơ cuối cùng đã được giải quyết và WS-10A được cho là đã đủ tin cậy để cung cấp năng lượng cho máy bay J-11 Block 02.