Phụ phí cao hơn cả giá vé ở các hãng bay Việt

Nguyệt Quỳnh 29/05/2024 15:42

Thực tế nhiều hãng bay đang phát sinh thêm chi phí khá "lạ" như phí tiện ích khi hành khách thanh toán tiền vé máy bay online, loạt phụ thu quản trị hệ thống…

Chị Ngọc Anh (32 tuổi, TP.HCM) bất ngờ khi thấy giá vé hiển thị 398.000 đồng/chiều chặng TP.HCM - Phú Quốc nhưng khi thanh toán, tổng số tiền phải trả lên tới gần 1,1 triệu đồng. Trong đó, khoản phát sinh lớn nhất là phụ phí quản trị 450.000 đồng, cao hơn cả giá vé.

Cũng đặt vé máy bay cho lịch trình di chuyển sắp tới anh T.H. (Hà Nội) phải trả thêm phí tiện ích giá 54.000 đồng/vé khi thanh toán vé qua online. Theo đó, phí này sẽ xuất hiện khi khách thanh toán bằng thẻ tín dụng, mỗi chiều bay là 54.000 đồng, mua khứ hồi hơn 100.000 đồng.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định thuế, phí trong vé máy bay thu rất ít. Các khoản thuế phí hiện nay hành khách đang trả, trừ VAT, còn lại đều không nằm trong Luật phí và lệ phí, không nộp về ngân sách Nhà nước, mà thuộc về dịch vụ hàng không, thu theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Các khoản phụ thu trong giá vé

Khảo sát tại các kênh bán vé cho thấy với chặng bay một chiều Hà Nội - TP.HCM ngày 28/6 của một số hãng hàng không Việt Nam, tổng các khoản chi phí ngoài giá vé chiếm 34,7% đến 37,97% tổng giá vé.

02d2dd1ba7de07805ecf.jpg
Tổng giá vé máy bay một chiều hạng phổ thông chặng Hà Nội - TP.HCM ngày 28/6 của một số hãng hàng không nội địa. Ảnh: N.Q.

Theo ghi nhận của OpenSky, cấu phần các khoản thu có điểm chung là gộp nhiều loại phí nhưng không kê chi tiết mỗi loại bao nhiêu tiền, gồm những phí gì...

Phí phụ thu quản trị hệ thống chiếm 12,8 đến 24,8% tổng số tiền phải trả khi hành khách mua một vé máy bay. Khoản phụ phí này bằng 1/2, thậm chí còn cao hơn giá vé của các hãng.

Đơn cử chặng TP.HCM - Phú Quốc một chiều ngày 8/6 của Vietravel Airlines giá vé một chiều hạng phổ thông tiết kiệm là 308.000 đồng; thuế, phí và các khoản thu khác gấp 2 lần giá vé, trong đó phụ thu quản trị là 450.000 đồng.

0021d431bb0a1b54421b.jpg
Khoản phụ thu quản trị cao hơn giá vé chặng TP.HCM - Phú Quốc ngày 8/6. Ảnh: N.Q.

Một chuyến bay mỗi lần cất/hạ phải chịu 16 loại phí (còn gọi là giá dịch vụ) do Nhà nước quy định theo thông tư 53/2019 của Bộ GTVT, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do Nhà nước quy định. Mỗi máy bay cũng phải cùng gánh các loại thuế như thuế nhập khẩu nhiên liệu bay, bảo vệ môi trường, VAT, thu nhập doanh nghiệp...

Bên cạnh đó là các khoản giá dịch vụ đối với những hạng mục tăng thêm như suất ăn, mua thêm hành lý, dịch vụ nối chuyến, bảo hiểm... Đây là khoản thu không bắt buộc, do khách hàng lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng.

Trong khi đó, Bộ GTVT quy định 3 loại chi phí gồm phục vụ chuyến bay, phí sân bay và an ninh soi chiếu. Chi phí phục vụ chuyến bay theo đánh giá của Cục Hàng không thường chiếm 6-7% tổng giá vé. Nhóm chi phí này gồm tiền thu cất/hạ cánh, thuê sân đỗ máy bay, thuê quầy thủ tục hành, cầu dẫn khách lên xuống máy bay, phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất, phân loại hành lý, dịch vụ tra nạp xăng dầu.

Còn phí bay dao động 60.000-100.000 đồng tùy sân bay, phí soi chiếu 20.000 đồng/hành khách mỗi lượt. Chi phí nhiên liệu hàng không theo thị trường quốc tế (chiếm 37-42%) trong đó, chi phí thuế do Bộ Tài chính quy định chiếm tỷ trọng từ 7,7-8,7% tổng chi phí một chuyến bay.

Hiện, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay (chiếm tỷ trọng 2-2,3% tổng chi phí một chuyến bay) đang có mức thu khoảng 1.000 đồng/lít, được áp dụng đến hết năm 2024. Thuế VAT đối với nhiên liệu bay (chiếm tỷ trọng 3,4-3,8% tổng chi phí một chuyến bay) đang là 8% và thuế nhập khẩu nhiên liệu bay (chiếm tỷ trọng 2,3-2,6% tổng chi phí một chuyến bay) đang ở mức 7%.

Cấu phần giá vé máy bay cần minh bạch

Phân tích về các khoản phụ thu trong giá vé máy bay, một chuyên gia hàng không cho biết các khoản phí này tùy từng hãng sẽ có cách gọi khác nhau. Đồng thời, các hãng tự cân đối với nhau để thu.

Thực chất giá vé bao gồm giá net (tạm hiểu là tổng giá vé phải thanh toán) và lợi nhuận kỳ vọng của các hãng vì nguyên tắc là kinh doanh phải có lãi.

"Khoản phụ thu này bất cập trong chính sách của các hãng do cách thức hiển thị thông tin cấu thành tổng giá vé mà khách phải trả chưa rõ. Các hãng cần tách bạch và công khai việc tăng các chi phí ngoài giá vé để khách hàng nắm rõ", vị này nói.

Theo ông, ở nhiều hãng hàng không quốc tế khác như Singapore Airlines, Air Canada..., cơ cấu giá một vé máy bay bất kỳ đều được minh bạch đến từng loại phí nhỏ nhất và khách hàng hoàn toàn có thể tra cứu.

Với thuế, phí mà Bộ Tài chính thu theo quy định, đây là khoản thu của Nhà nước theo Luật phí và lệ phí. Còn phí (giá dịch vụ) mà các hãng bay nhắc đến là phí liên quan đến kinh doanh, được tính vào giá thành của dịch vụ.

Nhà nước hiện chỉ quản lý mức giá trần, việc các hãng hàng không tăng giá theo mùa vụ, nhưng không vượt quá mức trần quy định thì các hãng bay không vi phạm điều gì.

Trước đó, qua quá trình rà soát, kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không cho biết giá vé máy bay của các hãng cao nhưng không vượt trần.

Tuy nhiên, riêng việc thể hiện thông tin về giá vé trên website, các hãng chưa thể hiện đồng nhất và có nội dung khoản thu dễ gây hiểu lầm về cách gọi/đặt tên. Hành khách vì thế không nắm rõ chi tiết về các khoản phải trả trong tổng giá vé phải thanh toán.

Thông tin về chương trình khuyến mại, chính sách giảm giá vé của các hãng cũng chưa được thể hiện rộng rãi, dẫn đến giảm khả năng tiếp cận thông tin và mua được với giá phù hợp của khách hàng.

Cục Hàng không đề nghị 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines rà soát, điều chỉnh cách thức hiển thị thông tin, làm rõ những khoản mục cấu thành mà khách hàng phải trả trong giá vé thể hiện. Dự kiến, Cục Hàng không sẽ làm việc với các hãng để thống nhất cách thể hiện, bảo đảm thông tin rõ ràng, đầy đủ.

Nguyệt Quỳnh