Doanh nghiệp lữ hành được gì khi hãng bay quốc tế mở rộng thị trường tại Việt Nam?
Doanh nghiệp lữ hành khai thác chuyến bay charter, phát triển sản phẩm tour, "hưởng lợi" nhờ hãng bay quốc tế tích cực mở đường bay, tăng chuyến đến Việt Nam.
Trong 9 tháng đầu năm, hàng loạt hãng bay quốc tế mở đường bay mới, tăng chuyến đến Việt Nam. Với sự xuất hiện của nhiều hãng hàng không quốc tế, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đã linh hoạt sử dụng dịch vụ của các hãng bay này để đưa ra những tour du lịch với mức chi phí cạnh tranh.
“Các hãng hàng không quốc tế hoạt động mạnh trong nước tạo thuận lợi cho việc di chuyển. Ngoài ra, giá vé bay thị trường Trung Quốc hiện nay rất cạnh tranh, tạo giá tour chi phí tốt”, ông Trần Trung Kiên, đại diện Vietnamtourism Hà Nội, chia sẻ với Opensky.
Lợi thế từ giá vé cạnh tranh
Theo khảo sát, so với tour du lịch dùng vé máy bay của hãng Việt Nam, vé bay hãng Trung Quốc có giá ưu đãi hơn 10-20%.
Cụ thể, tại Vietnamtourism Hà Nội, tour Hà Nội - Thượng Hải doanh nghiệp này khai thác bằng tàu bay của hãng Air Macau (AMU) có giá cạnh tranh 12% so với cùng tour nhưng bay hãng Vietnam Airlines (VN).
Hay tại Koji Travel, tour Hà Nội - Incheon có thêm lựa chọn giá rẻ hơn so với bay hãng full service Vietnam Airlines 20% nếu di chuyển bằng hãng hàng không giá rẻ Hàn Quốc Jeju Air (7C).
Bên cạnh việc khai thác các chuyến bay thương mại, doanh nghiệp lữ hành còn liên minh khai thác các chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến), giúp tăng số lượng đoàn khởi hành, đưa ra giá rẻ hơn khoảng 20% với cùng chất lượng dịch vụ.
Điển hình như chặng Cát Bi (Hải Phòng) - Lệ Giang (Trung Quốc) được hãng hàng không Lucky Air khai thác từ ngày 15/6, chặng Quý Dương (Trung Quốc) - Hà Nội được Colorful Guizhou Airlines (GY) khai thác từ ngày 31/8...
Ngoài ra, chuyến bay charter cũng đem lại lợi ích về giờ bay linh hoạt và tối ưu điểm đến cho hành trình, giúp thu hút hành khách.
Điều chỉnh dịch vụ theo nhu cầu khách hàng
Các hãng bay quốc tế cũng giúp thị trường thêm phần sôi động và thúc đẩy cạnh tranh, qua việc tăng tần suất giờ bay, ngày bay trong cùng chặng. Tận dụng tối đa những ưu điểm này, doanh nghiệp lữ hành tạo ra được sản phẩm cá nhân hóa, phục vụ khách hàng tốt hơn.
Như tại Koji Travel, ông Nguyễn Nam, Tổng Giám đốc công ty, cho biết tour Hàn Quốc ngắm lá vàng mùa thu, bay chặng Hà Nội - Incheon khai thác bằng hãng hàng không giá rẻ Hàn Quốc Jeju Air (7C) được phần đông du khách lựa chọn, dù có giá cao hơn Vietjet (VJC) 10%. Bởi đổi lại, du khách có giờ bay đẹp hơn, giúp thêm thời gian trải nghiệm.
Cụ thể, nếu bay với Vietjet, chuyến về sẽ khởi hành từ 11h05 đến 14h30, trong khi với Jeju Air, chuyến về muộn hơn từ 21h10 đến 00h20, giúp du khách có thêm thời gian tham quan làng cổ Bukchon Hanok, thư viện sách Starfield và tận hưởng thêm hai bữa ăn trong tour.
Hay như chặng bay Đà Nẵng - Hong Kong (Trung Quốc), sự gia nhập của hãng Hong Kong Express (UO) với tần suất 10 chuyến/tuần giúp bổ sung lịch trình bay chặng này, thay vì trước kia chỉ có Vietjet với tần suất 4 chuyến/tuần.
"Tôi lấy ví dụ ngày 24/9, tôi có đoàn du lịch MICE cần bay dự sự kiện vào buổi chiều. Nhưng chỉ có hãng Hong Kong Express có chặng bay phù hợp. Nếu bay bằng Vietjet, khi sang đến nơi đã là buổi tối, sự kiện kết thúc rồi", ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà, cho hay.
Ngoài ra, từ 19/7, hãng Hong Kong Airlines (HX) full service mở đường bay đến Đà Nẵng với tần suất 7 chuyến/tuần, giúp mở rộng tour cao cấp, phù hợp với tệp khách có nhu cầu nghỉ dưỡng, thư giãn trên chuyến bay.
Khai thác các tuyến mới, mở rộng thị trường
Sự gia nhập sôi động của hãng bay quốc tế cũng mở ra những tour điểm đến mới mà trước đây khó tiếp cận.
Trước khi West Air (PN) chưa mở đường bay thẳng Hà Nội - Trùng Khánh vào ngày 16/5, để đi đến Trùng Khánh, du khách thường đi theo đường bộ từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) làm thủ tục xuất cảnh.
Tiếp đó, du khách đến Bằng Tường (Trung Quốc), đi ôtô với quãng đường khoảng 200 km đến TP Nam Ninh để chuyển chặng bay đến TP Trùng Khánh.
Nếu tính cả đi cả về, du khách đã mất gần 2 ngày chỉ để di chuyển, thời gian trải nghiệm không có nhiều. Còn hiện tại, khi di chuyển bằng đường bay thẳng, du khách chỉ mất khoảng 7 tiếng (bao gồm cả thời gian xuất, nhập cảnh). Như vậy, du khách có thêm khoảng 20 tiếng đồng hồ cho những trải nghiệm của mình tại điểm đến.
Không chỉ West Air (PN), đường bay mới Quý Dương - Hà Nội được Colorful Guizhou Airlines (GY) khai thác từ 31/8, giúp du khách tiết kiệm thời gian, chỉ với 2 tiếng bay, thay vì 10 tiếng di chuyển bằng đường bộ như trước đó.
Nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp thiết kế các sản phẩm du lịch, như tuyến Hà Nội - Quý Dương - Tiểu Thất Khổng, Hà Nội - Trùng Khánh - Cửu Trại Câu, Hà Nội - Trùng Khánh - Vũ Long, Hà Nội - Trùng Khánh - Tây An…
Những thách thức trong việc phối hợp với hãng bay quốc tế
Theo ông Lộc, giá seri vé của từng doanh nghiệp còn phụ thuộc vào số lượng đặt vé, quan hệ và khả năng đàm phán với các hãng.
Dù có giá vé cạnh tranh, nhưng hiện nay đa phần hãng bay quốc tế không có chính sách hoàn/huỷ vé, khiến doanh nghiệp lữ hành cân nhắc lựa chọn.
Một số hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến Việt Nam nhằm transit qua các điểm bay quốc tế khác, nên không có giờ bay đẹp. Hơn hết, để tồn tại lâu dài và mở rộng tần suất bay, hãng quốc tế phụ thuộc chính vào nguồn khách inbound.
"Nếu nhu cầu của khách inbound giảm, hãng có thể giảm tần suất, đóng đường bay, khiến chiều bay đưa khách từ Việt Nam bị ảnh hưởng", ông Lộc chia sẻ.
Ngoài ra, tour khai thác bằng hãng bay quốc tế thường phải bay transit, hoặc bay đêm. Việc khai thác bay charter cũng đòi hỏi doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế tốt.
"Nếu không đủ số lượng khách dự kiến, doanh nghiệp có thể phải chịu lỗ do chi phí thuê nguyên chuyến đã được cam kết trước. Hơn hết, nhu cầu du lịch thay đổi theo mùa, ngoài ra còn phụ thuộc tình hình kinh tế, chính trị. Do đó, doanh nghiệp cũng phải cân nhắc, tính toán kỹ càng", ông Kiên nhận định.