Tin tức hàng không

Boeing giao 33 máy bay trong tháng 9, nhiều hãng châu Á bị trễ hẹn

Thắng Nguyễn 09/10/2024 10:08

Cuộc đình công của 33.000 thợ máy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng của nhà sản xuất máy bay thương mại lớn thứ 2 thế giới.

Ngày 8/10, Boeing công bố báo cáo cho biết công ty đã giao 33 máy bay phản lực vào tháng 9, giảm so với 40 máy bay được giao vào tháng 8, nâng tổng số đơn hàng được giao trong cả năm lên 291 chiếc.

Theo Reuters, tình trạng sụt giảm sản lượng nghiêm trọng do cuộc đình công vào giữa tháng 9 của khoảng 33.000 công nhân tại nhà máy ở bang Washington, bờ Tây nước Mỹ.

Tuy nhiên, đây chưa phải tháng giao hàng thấp nhất trong năm. Tháng 4 và tháng 5, hãng đều chỉ giao vỏn vẹn 24 chiếc. Và so với cùng kỳ năm trước, lượng máy bay được giao vào tháng 9 của Boeing đã tăng 6 chiếc.

Tính cả năm 2023, Boeing đã hoàn thành 528 đơn hàng. Như vậy để đuổi kịp sản lượng của năm ngoái, 3 tháng cuối năm hãng cần phải sản xuất được 237 tàu bay, tương đương 79 chiếc mỗi tháng. Từ đầu năm đến nay, tháng cao nhất Boeing chỉ giao được 44 tàu bay.

it4w6w7yjrkytcmm4lgsnee26q.jpg
Máy bay Boeing 737 MAX được lắp ráp tại nhà máy của công ty ở Renton, Washington (Mỹ). Ảnh: Reuters.

Trong 33 máy bay được giao, có đến 27 chiếc 737 MAX cho thấy mặc dù gặp nhiều vấn đề về an toàn, đây vẫn là mẫu máy bay bán chạy nhất của Boeing.

Cuộc đình công bắt đầu vào ngày 13/9 khiến Boeing phải dừng sản xuất 737 MAX, cùng với máy bay thân rộng 777 và 767. Tình trạng này càng làm tăng thêm khủng hoảng doanh thu của Boeing.

Ông lớn ngành hàng không thế giới đang phải đối mặt sản lượng tàu bay thân hẹp xuống thấp do các hạn chế của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) để quản lý chất lượng máy bay. Trong khi đó, lợi nhuận mảng kinh doanh quốc phòng của công ty cũng ngày càng đi xuống.

Các chuyên gia tài chính cho biết cuộc đình công sẽ khiến Boeing thiệt hại nặng nề về tài chính. Cai von Rumohr, nhà phân tích của ngân hàng TD Cowen (Mỹ), ước tính Boeing sẽ mất 100 triệu USD doanh thu mỗi ngày tương đương với 60 triệu USD tiền mặt.

Thông thường, các nhà sản xuất nhận được 60% khoản thanh toán cho một chiếc máy bay khi nó được chuyển giao cho khách hàng.

Trong khi đó, Northcoast Research, công ty nghiên cứu đầu tư tại Mỹ, ước tính tổng tác động của cuộc đình công có thể lên tới 3 tỷ USD hoặc hơn.

Trong 27 máy bay 737 MAX được giao, United Airlines hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ nhận được 5 chiếc. Ryanair và Southwest Airlines mỗi hãng nhận được 3 chiếc. Đây là các hãng nhận được nhiều tàu bay nhất trong tháng, tuy nhiên, CEO của họ bày tỏ lo ngại về lượng giao hàng thấp hơn, Reuters cho hay.

Các hãng hàng không ở châu Á, nơi tình trạng thiếu tàu bay ngày càng nghiêm trọng, cũng bày tỏ sự lo lắng đối với khả năng giao hàng của Boeing.

Vietjet Air, Korean Air và Japan Airlines cho biết dự kiến ​​máy bay sẽ đến muộn hoặc ngày bàn giao bị trì hoãn.

Trong khi đó, Singapore Airlines và một số hãng hàng không khác cho biết đang làm việc với Boeing về lịch trình giao hàng trong bối cảnh nhà máy đóng cửa.

Air India (Ấn Độ) và Lion Air (Indonesia), hai hãng hàng không tại châu Á có số lượng đơn hàng máy bay 737 MAX lớn nhất trong thập kỷ này, chưa đưa ra bình luận nào về tiến độ giao hàng.

Hãng hàng không Ấn Độ đã được giao 24 chiếc 737 MAX trong khi hãng bay đến từ Indonesia chưa nhận được máy bay nào từ đầu năm.

Boeing cho hay họ dự kiến ​​sẽ giảm số lượng giao hàng trong tương lai do cuộc đình công. Trong tháng 9, hãng vẫn nhận được 65 đơn hàng, bao gồm 54 chiếc 737 MAX và 11 máy bay chở hàng 777. Vào ngày 19/9, công ty cho thuê máy bay của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc sẽ đặt hàng 50 máy bay 737 MAX.

Tổng đơn hàng gộp của Boeing tính đến ngày 30/9 đã tăng lên 315. Sau khi loại bỏ các đơn hàng hủy và chuyển đổi, Boeing đã công bố tổng số đơn hàng ròng là 272 kể từ đầu năm 2024.

Sau khi điều chỉnh kế toán thêm, Boeing đã báo cáo đơn hàng ròng đã điều chỉnh là 121 máy bay tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay. Tính đến ngày 30/9, Boeing đã giao 291 máy bay, bao gồm 225 máy bay MAX.

Thắng Nguyễn