Cơ phó GenZ trúng tuyển hãng hàng không Singapore
Trụ Nguyễn (24 tuổi, TP.HCM) trúng tuyển vị trí cơ phó tại Jetstar Asia - hãng bay Singapore - vào tháng 6, chia sẻ câu chuyện từ đam mê tuổi thơ đến khi trở thành phi công của hãng bay quốc tế.
Ngày bé, mỗi lần thấy máy bay, Trụ Nguyễn luôn háo hức, mong muốn khi lớn có thể được bay trên bầu trời rộng lớn. Học xong cấp 3, Trụ tiếp tục "hiện thực hoá" ước mơ của mình. Anh có thời gian đào tạo và rèn luyện tại Philippines 3 năm.
Trở về Việt Nam vào đầu năm 2022, Trụ Nguyễn lựa chọn gắn bó với Bamboo Airways. Tưởng chừng đã tìm được bến đỗ cho giấc mơ, sẽ được bay khắp muôn nơi, tháng 12/2023, hãng bay cắt giảm nhân sự, anh đành tạm dừng lại công việc mình hằng mong ước.
Trong thời gian đó, dù đôi khi chán nản, chàng trai GenZ vẫn cố gắng vực lại tinh thần, nộp đơn ứng tuyển phi công khắp nơi. Cuối cùng, nỗ lực đã được đền đáp. Tháng 6, Trụ Nguyễn trúng tuyển vào Jetstar Asia, là một trong hai cơ phó đầu tiên trúng tuyển vào hãng bay Singapore.
Chia sẻ với Opensky, Trụ Nguyễn cho biết, để đạt được thành công này, anh phải trải qua quá trình dày công ôn luyện. Trong suốt 2 tháng, cứ sau giờ cơm tối, Trụ Nguyễn lại đến quán cà phê ôn bài cùng bạn. Hai người cùng nhau đọc, nghiền ngẫm kiến thức từ sách chuyên ngành, kiểm tra kiến thức chéo nhau. Phải đến 2-3 giờ sáng, khi mắt mỏi dần, quán cũng chuẩn bị đóng cửa, cả hai mới rời khỏi bàn, trở về nhà.
Tưởng chừng được "thở phào" sau khi trúng tuyển. Nhưng khâu chuẩn bị hồ sơ đổi bằng phi công Việt Nam sang Singapore mới là giai đoạn chật vật nhất đối với Trụ Nguyễn.
Chuẩn bị hồ sơ khó khăn
Jetstar Asia yêu cầu ứng viên tích lũy đủ 1.000 giờ bay, trong đó có 500 giờ bay trên máy bay Airbus. Các thông tin chứng nhận từng chuyến bay cần được ghi chép theo mẫu của Cục hàng không Singapore, cũng như có dấu xác nhận của cơ trưởng.
Mẫu sổ nhật ký ghi hành trình bay của cơ phó ở Việt Nam khác với ở Singapore, Trụ Nguyễn phải viết tay lại toàn bộ 200 trang theo mẫu của Cục hàng không Singapore yêu cầu trong gần 3 tuần. Không những vậy, anh cũng phải liên hệ lại với từng cơ trưởng để xin chữ ký xác nhận.
"Tôi mất 2 tháng để lùng sục thông tin của 100 cơ trưởng đã làm việc cùng, có người không còn làm việc ở Việt Nam, có người một số người đã về nước. Một số cơ trưởng còn đổi số điện thoại, tôi phải hỏi qua 3-4 đầu mối mới tìm được", Trụ Nguyễn chia sẻ.
Trong suốt 6 tháng chuẩn bị hồ sơ, tháng nào anh cũng phải bay qua Singapore 2-3 lần, trong trạng thái thấp thỏm vì không biết hồ sơ của mình đã đáp ứng đủ hay chưa.
"Tôi đặt chặng bay sớm nhất từ TP.HCM ra Hà Nội, rồi lại bay đến Singapore ngay hôm sau để kịp nộp hồ sơ. Có những lần ở lại Singapore 2-3 đêm nằm khách sạn, tay vắt lên trán trằn trọc không biết hồ sơ của mình sai ở đâu, cần sửa gì", nam cơ phó kể lại.
Sụt 3 ký trong tuần tập huấn đầu tiên
Sau khi đậu phỏng vấn, nam phi công bước vào hành trình đào tạo nghiêm ngặt kéo dài ba tháng, bao gồm phần học lý thuyết, mô phỏng bay, và huấn luyện thực tế.
Quy trình không khác nhiều so với đào tạo phi công ở Việt Nam, nhưng việc thay đổi thói quen làm việc và tuân thủ quy định mới là thử thách lớn nhất. Với áp lực làm tốt để giữ hình ảnh phi công Việt Nam, anh nhiều ngày bỏ bữa, thức khuya ôn luyện, căng thẳng đến mất ngủ, sụt gần 3 kg chỉ trong tuần đầu tiên.
Trong đó, quy trình phòng cháy chữa cháy (PCCC) là khác biệt nhất. Ở Việt Nam, PCCC chỉ được mô phỏng trong cabin, học viên dùng bình nước xịt vào khu vực được chiếu đèn. Nhưng ở Singapore, quy trình này được mô phỏng thực tế.
Sau khi mặc đồ bảo hộ, trang bị đèn đeo trên trán, và mặt nạ dưỡng khí, Trụ Nguyễn bước vào căn phòng tối, làn khói mù mịt len lỏi từng ngóc ngách, dụng cụ đèn chiếu được gắn trên trán chỉ đủ để soi thấy cánh tay mình. Anh và 4 đồng đội bám vai nhau đi theo một hàng và bắt đầu nhiệm vụ giải cứu.
Họ bắt đầu lần mò, với mục tiêu tìm kiếm hình nộm nặng 60-70 kg tượng trưng cho du khách bị mắc kẹt trong cabin để cứu trợ ra ngoài. Tiếp theo đó, từng người tiến đến đám cháy ngùn ngụt chỉ cách 3 m, đối diện với hơi nóng hừng hực, xịt cứu hoả.
“Lần đầu thấy lửa bừng bừng, tôi cảm thấy khá phấn kích và hồi hộp. Đã từng có người bị bỏng, ngất trong buồng khói vì sợ”, Trụ Nguyễn chia sẻ.
Khi tham gia tập huấn cứu trợ, một thầy đứng cạnh chạm vào vai để trấn an học viên, 2 thầy còn lại đứng 2 bên cùng bình cứu hỏa để phòng sự cố. Học viên cần phun bọt khí thẳng vào gốc lửa, theo từng đợt ngắn gọn và chính xác, do đám cháy được tạo bằng xăng.
Một số người do áp lực nên đứng quá xa, khiến đám cháy lan rộng. May mắn, thầy huấn luyện can thiệt kịp thời.
Nỗ lực không ngừng
Trụ Nguyễn từng đảm nhận vai trò cơ phó, nhưng khi làm việc tại Jetstar, anh không ngừng học hỏi. Từng quy trình của cơ phó tại hãng đòi hỏi tính tỉ mỉ, chính xác cao hơn hẳn phần công việc trước đây anh.
Chỉ riêng việc giao tiếp với cơ trưởng, cơ phó cũng cần tuân thủ theo 4 mức độ riêng, nhằm đảm bảo phối hợp ăn ý trong chuyến bay, bao gồm: cảnh báo, lời khuyên, đề nghị, cấp bách.
Ví dụ về việc máy bay đang bay cao: Tôi thấy máy bay đang bay hơi cao - Tôi nghĩ là nên hạ độ cao nhanh đi - Phải hạ độ cao nhanh, giờ đang rất cao rồi - Cơ trưởng phải hành động ngay đi.
"Nếu sau đó cơ trưởng không điều chỉnh, cơ phó phải giật cần điều khiển ngay lập tức", anh nói.
Làm việc ở môi trường quốc tế, tiếp xúc với các phi cơ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, anh từng phải đối mặt với sự hoài nghi về năng lực. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, cầu toàn không ngừng, Trụ đã dành được niềm tin hơn từ mọi người.
Điển hình như bài thi đầu vào bay mô phỏng. Dù được cơ trưởng Mark đánh giá tốt, anh vẫn không hài lòng. Trụ tự nhận thấy bản thân còn mắc một số lỗi như nói nhanh, còn luống cuống trong quá trình thực hiện.
Anh tiếp tục miệt mài học hỏi và rèn luyện bản thân mỗi ngày. Bài thi bay cuối cùng trong khoá đào tạo, anh được chính thầy Mark đánh giá cao về khả năng lãnh đạo và giữ bình tĩnh trong suốt quá trình bay.
Nam cơ phó đã phát hiện ra thông số lệch chuẩn trong hệ thống kịp thời, giúp máy bay tiếp cận đường băng chính xác, không phải bay vòng ngược lại.
"Thầy nhận xét tôi tiến bộ rõ rệt, khả năng quan sát, hỗ trợ, đưa lời khuyên tốt, bình tĩnh, quán xuyến được chuyến bay. Cơ trưởng còn nói với tôi rằng không ngờ đến từ Việt Nam", Trụ Nguyễn bày tỏ.
Công việc hiện tại mới chỉ là khởi đầu trong hành trình đam mê chinh phục bầu trời của Trụ Nguyễn. Anh đặt mục tiêu trở thành cơ trưởng trong vòng 5-7 năm tới. Với anh, lái máy bay không phải là phần khó nhất, thách thức lớn nằm ở việc hiểu rõ mọi hệ thống, từ cấu tạo, cơ chế hoạt động đến ứng dụng thực tế. Điều này đòi hỏi một hành trình nghiên cứu bền bỉ và đam mê sâu sắc.
Hơn cả việc điều khiển máy bay, anh tập trung rèn luyện khả năng quan sát và quán xuyến từng chi tiết trên mỗi hành trình, không ngừng nỗ lực để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mọi chuyến bay.