Hàng loạt hãng bay tiếp tục hủy chuyến đến Trung Đông
Nhiều chuyến bay thương mại đến và đi từ các sân bay ở Trung Đông vẫn bị hủy giữa lúc các cuộc không kích những mục tiêu ở Lebanon tiếp tục diễn ra.
Xung đột khiến Trung Đông rơi vào tình thế bấp bênh với nhiều hãng hàng không hủy chuyến đến các sân bay trong khu vực.
Hãng hàng không Emirates (UAE) cho biết hãng tạm dừng tất cả chuyến bay đến và đi từ Iraq (Basra và Baghdad), Iran (Tehran) và Jordan (Amman) ngày 4-5/10 do căng thẳng leo thang trong khu vực.
Trong một thông báo, Emirates nhấn mạnh: "Hành khách quá cảnh qua Dubai để đến các điểm đến cuối cùng ở Iraq, Iran và Jordan sẽ không được chấp nhận ngay tại điểm xuất phát cho đến khi có thông báo mới".
Trước đó tối 3/10, một tòa nhà dân cư ở gần sân bay quốc tế Beirut - Rafic Hariri (Lebanon) bị ném bom, chỉ vài phút sau khi chuyến bay của Middle East Airlines từ Dubai hạ cánh xuống sân bay.
Hồi đầu tuần, hãng hàng không Emirates thông báo sẽ hủy toàn bộ chuyến bay đến Beirut (Lebanon) cho đến ngày 8/10.
Hãng hàng không Etihad Airways (UAE) đã nối lại dịch vụ đến Tel Aviv (Israel) vào ngày 3/10, song hãng vẫn tạm ngừng các chuyến bay đến và đi từ Beirut đến ngày 11/10.
Các chuyến bay của Air Arabia (UAE) đi từ Beirut đến Sharjah và Abu Dhabi vẫn bị hủy, trong khi Egyptair (Ai Cập) thông báo tạm dừng các chuyến bay đến Beirut vô thời hạn.
Hãng hàng không Royal Jordanian (Jordan) cho biết các chuyến bay của hãng đến Beirut hiện không còn hoạt động do tình hình bất ổn. Hãng bay Iran Air (Iran) và Iraq Airways (Iraq) cũng tạm ngừng các chuyến bay đến thủ đô Beirut của Lebanon cho đến khi có thông báo mới.
Hãng hàng không Gulf Air (Bahrain) và Qatar Airways (Qatar) cũng có động thái tương tự do lo ngại về tình hình an ninh.
Hãng bay Middle East Airlines của Lebanon là hãng hàng không duy nhất vận hành một số chuyến bay từ Beirut, giữa lúc các quốc gia, trong đó có Anh, Pháp và Ireland, đang kêu gọi công dân rời khỏi quốc gia Trung Đông này.
Trước đó ngày 30/9, Ủy ban châu Âu và Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) đã ban hành bản tin về khu vực xung đột, đồng thời khuyến nghị các hãng hàng không tránh hoạt động trong không phận của Lebanon và Israel ở mọi cấp độ bay.
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/10 cho biết trong một tuyên bố nước này sẽ cung cấp gần 157 triệu USD viện trợ nhân đạo mới để hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Lebanon và khu vực.
Khoản tài trợ này sẽ giải quyết các nhu cầu mới và hiện tại của những người di tản trong nước và dân số tị nạn bên trong Lebanon và các cộng đồng tiếp nhận họ. Đồng thời, khoản này cũng hỗ trợ những người chạy trốn sang nước láng giềng Syria.
Trước đó, hãng thông tấn NNA của Lebanon cho biết máy bay chở 55 tấn hàng viện trợ và thuốc men y tế đã tới nước này. Đây là nỗ lực cung cấp viện trợ do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng Văn phòng cao Ủy nhân quyền Liên hợp quốc (UNHCR) phối hợp thực hiện.
Đại diện của WHO ở Lebanon Abdel Nasser Abu Bakr cho biết: "Các cơ quan của Liên hợp quốc cam kết hỗ trợ Lebanon và người dân nước này, cũng như cung cấp các biện pháp giúp giảm bớt áp lực cho những người yếu thế ở Lebanon".
Trong khi đó, đại diện của UNHCR ở Lebanon - ông Ivo Freijsen - khẳng định: "Chúng tôi muốn thể hiện sự đoàn kết của mình với Lebanon thông qua công việc cung cấp hỗ trợ cần thiết và chúng tôi kêu gọi tất cả các nhà tài trợ phản hồi nhanh chóng".
Theo NNA, Italy cũng đã viện trợ 17 triệu euro (khoảng 18,65 triệu USD) để hỗ trợ dân thường bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Lebanon. Anh đang tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Lebanon với thêm 10 triệu bảng Anh (khoảng 13,12 triệu USD).
Trong số những người bị ảnh hưởng, trẻ em là đối tượng chịu hậu quả nặng nề nhất của cuộc xung đột. Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hơn 690 trẻ em đã bị thương ở Lebanon trong 6 tuần qua. Các chấn thương phổ biến nhất mà các em phải chịu bao gồm chấn động não và chấn thương sọ não do tác động của vụ nổ, vết thương do mảnh đạn, chấn thương chân tay và mất thính lực.