Quân sự

Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome và Arrow của Israel là gì?

Thắng Nguyễn 02/10/2024 19:00

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel đã được kích hoạt vào ngày 1/10 để đẩy lùi loạt tên lửa đạn đạo của Iran.

Arrow và Iron Dome (vòm sắt) là những hệ thống phòng không nhiều lớp mà Israel cải tiến kể từ khi hứng chịu loạt tên lửa Scud của Iraq trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991.

Arrow

Israel phát triển các tên lửa đánh chặn tầm xa Arrow-2 và Arrow-3 để đương đầu với mối đe dọa từ tên lửa của Iran cả trong và ngoài bầu khí quyển.

Hệ thống này hoạt động ở độ cao cho phép phá hủy các đầu đạn mà không gây ảnh hưởng tới cơ sở vật chất mặt đất.

9378bebc-3cd8-11ee-98b7-00163e02c055.jpeg
Hệ thống tên lửa phòng thủ Arrow 3. Ảnh: Israel Aerospace Industries.

Công ty Israel Aerospace Industries thuộc sở hữu nhà nước Israel là nhà thầu chính của dự án, trong khi Boeing của Mỹ tham gia sản xuất các hệ thống đánh chặn.

Vào ngày 31/10/2023, quân đội Israel cho biết họ đã sử dụng hệ thống phòng không Arrow lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến với Hamas để đánh chặn một tên lửa đất đối đất được bắn từ khu vực Biển Đỏ hướng về lãnh thổ của mình.

Tháng 9 năm ngoái, Đức đã ký cam kết với Israel để mua hệ thống Arrow-3 với giá gần 4 tỷ euro (4,2 tỷ USD).

David’s Sling

Hệ thống phòng ngự tầm trung David's Sling được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo phóng từ khoảng cách 100-200 km. Nó cũng được thiết kế để đánh chặn máy bay, máy bay không người lái và tên lửa hành trình.

David's Sling trước đây được gọi là Raytheon là kết quả của sự hợp tác giữa Rafael Advanced Defense Systems thuộc sở hữu nhà nước của Israel và Tập đoàn RTX của Mỹ.

Iron Dome

Hệ thống phòng không tầm ngắn Iron Dome được chế tạo để đánh chặn loại tên lửa do phong trào Hồi giáo Palestine Hamas phóng ở Gaza.

https___cloudfront-us-east-2.images.arcpublishing.com_reuters_mtewjwxtyvpo3cgp4wbd5swkea.jpg
Hệ thống chống tên lửa Iron Dome của Israel đánh chặn các tên lửa phóng từ Dải Gaza, nhìn từ thành phố Ashkelon, Israel, ngày 9/10/2023. Ảnh: Reuters.

Iron Dome cũng được Rafael Advanced Defense Systems phát triển với sự hậu thuẫn của Mỹ. Hệ thống này đã đi vào hoạt động vào năm 2011.

Mỗi bệ phóng tên lửa được kéo bằng xe tải. Tên lửa đánh chặn dẫn đường bằng radar để tiêu diệt các mối đe dọa tầm ngắn như tên lửa, súng cối và máy bay không người lái trên không.

Rafael cho biết họ đã chuyển giao hai khẩu đội Iron Dome cho Mỹ vào năm 2020. Ukraine cũng đang tìm kiếm nguồn cung cấp trong cuộc chiến với Nga. Tuy nhiên, cho đến nay, Tel Aviv chỉ cung cấp cho Kyiv hỗ trợ nhân đạo và phòng thủ dân sự.

Phiên bản Iron Dome dành cho hải quân để bảo vệ tàu thuyền và tài sản trên biển đã được Israel triển khai vào năm 2017.

Khoảnh khắc Israel đánh chặn loạt tên lửa đạn đạo Iran. Video: Al Jazeera.

Hệ thống này xác định xem tên lửa có đang trên đường tấn công khu vực đông dân cư hay không. Nếu không, tên lửa sẽ bị bỏ qua.

Iron Dome ban đầu được quảng cáo là cung cấp phạm vi bảo vệ quy mô thành phố chống lại các tên lửa có tầm bắn 4-70 km, nhưng các chuyên gia cho biết phạm vi hoạt động đã được mở rộng.

Hệ thống phòng thủ dựa trên laser

Các hệ thống đánh chặn của Israel có giá từ hàng chục nghìn đến hàng triệu USD để bắn hạ các mối đe dọa đang đến gần. Ngoài ra Israel đang phát triển một hệ thống dựa trên laser để vô hiệu hóa tên lửa và máy bay không người lái của đối phương với chi phí ước tính chỉ 2 USD cho mỗi lần đánh chặn.

Thắng Nguyễn