Văn hóa

Lý do bất ngờ khiến bạn không nên tựa đầu vào cửa sổ máy bay

Hoàng Hà 02/10/2024 15:03

Việc tựa đầu vào cửa sổ để chợp mắt khi đi máy bay có thể mang lại cảm giác thoải mái, nhưng bạn có thể sẽ suy nghĩ lại sau khi biết những nguy cơ tiềm ẩn từ thói quen này.

l-intro-1712786777.jpg
Đừng bao giờ tựa đầu vào cửa sổ máy bay – lý do sẽ khiến bạn bất ngờ. Ảnh: Getty Images

Việc tựa đầu vào cửa sổ máy bay là thói quen của nhiều người, nhưng theo lời khuyên từ các chuyên gia và các tiếp viên hàng không, bạn nên hạn chế làm điều này. Lý do là các bề mặt cửa sổ máy bay, tương tự như các bề mặt tiếp xúc nhiều khác trên máy bay như tay nắm ghế hay bàn ăn, đều có thể chứa rất nhiều vi khuẩn và vi trùng.

Reader’s Digest dẫn lời nhà vi sinh học Canada Jason Tetro, tác giả cuốn The Germ Code, các loại vi khuẩn như Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) thường có trên da chúng ta hoặc các virus như cúm A có thể tồn tại trên bề mặt trong nhiều giờ liền.

Đặc biệt, vi khuẩn Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA), loại vi khuẩn kháng lại nhiều loại kháng sinh, có thể tồn tại trên bề mặt cửa sổ máy bay trong khoảng một tuần. Khung cửa sổ là bề mặt không thấm hút, nên vi khuẩn có thể dễ dàng bám lên da và lây truyền vào cơ thể khi bạn tiếp xúc trực tiếp.

Khả năng lây bệnh từ cửa sổ máy bay

Việc nhiễm bệnh từ cửa sổ máy bay còn tùy thuộc vào loại vi khuẩn, số lượng vi khuẩn mà bạn tiếp xúc và tình trạng hệ miễn dịch của bạn. Nếu da không có vết thương hở, vi khuẩn khó xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ cao hơn nếu bạn vô tình chạm tay vào mặt, mắt, mũi hoặc miệng sau khi tiếp xúc với các bề mặt này.

Một số virus như norovirus hay vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm cũng có thể tồn tại trên các bề mặt máy bay, gây nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa nếu bạn không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn. Để giảm thiểu nguy cơ, bạn nên lau bề mặt cửa sổ và các khu vực xung quanh bằng khăn khử trùng và rửa tay thường xuyên.

Tần suất vệ sinh máy bay

men-in-protective-suits-and-masks-disinfecting-airplane-gettyimages-1255018378_ksedit.jpg
Việc làm sạch trên máy bay phụ thuộc vào quy trình riêng của từng hãng. Ảnh: Getty Images.

Không có quy định cụ thể nào yêu cầu các hãng hàng không phải vệ sinh máy bay theo tần suất nhất định, nên việc làm sạch phụ thuộc vào quy trình riêng của từng hãng. Thông thường, các hãng sẽ thực hiện ba loại vệ sinh:

1. Làm sạch quay vòng: Lau dọn nhanh giữa các chuyến bay, tập trung vào việc làm sạch bề mặt bằng khăn khử trùng.

2. Làm sạch qua đêm: Thực hiện kỹ hơn vào ban đêm, đôi khi sử dụng đèn UV hoặc bình xịt tĩnh điện để diệt khuẩn.

3. Làm sạch chuyên sâu: Ít thực hiện hơn và chỉ được áp dụng khi máy bay cần vệ sinh toàn diện.

Nếu bạn bay vào buổi chiều hoặc tối, rất có khả năng chỗ ngồi của bạn chưa được làm sạch hoàn toàn sau những chuyến bay trước đó.

Những thói quen cần tránh trên máy bay

Không chỉ có cửa sổ máy bay, các bề mặt như bàn ăn, tay nắm cửa nhà vệ sinh hay túi đựng sau ghế cũng là nơi tiềm ẩn nhiều vi khuẩn:

- Bàn ăn: Dễ nhiễm bẩn bởi thức ăn thừa và vi khuẩn. Hãy lau sạch trước khi sử dụng.

- Tay nắm cửa nhà vệ sinh: Đây là nơi lý tưởng cho vi khuẩn E. coli phát triển. Nên dùng khăn giấy để cầm nắm các bề mặt này.

- Túi đựng sau ghế: Có thể chứa vi khuẩn từ các vật dụng cá nhân như khăn giấy bẩn hoặc tã em bé. Nên hạn chế để sách, tạp chí và vật dụng cá nhân vào đây.

Để đảm bảo an toàn sức khỏe trên các chuyến bay, bạn nên tránh tựa đầu vào cửa sổ máy bay và mang theo khăn khử trùng cùng dung dịch sát khuẩn. Cẩn trọng với những bề mặt tiếp xúc nhiều trên máy bay và vệ sinh tay thường xuyên sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ lây bệnh.

Hoàng Hà