Hàng không vũ trụ

Bộ đồ phi hành gia của Trung Quốc có gì?

Thu Trang 02/10/2024 09:16

Bộ đồ có thể bảo vệ phi hành gia khỏi môi trường bức xạ nhiệt và bụi Mặt Trăng. Nó được tích hợp găng tay, tấm che mũ bảo hiểm chống chói và các khớp nối.

Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) hé lộ thiết kế bên ngoài của bộ đồ dành cho phi hành gia đổ bộ lên Mặt Trăng hôm 28/9, sau 4 năm nghiên cứu và phát triển. Bộ đồ này được thiết kế dành cho sứ mệnh đổ bộ lên Mặt Trăng vào năm 2030 của nước này.

Thiết kế của bộ đồ màu trắng lấy cảm hứng từ văn hóa Trung Quốc. Phần trên có những dải màu đỏ, được lấy cảm hứng từ những dải ruy băng của "nữ thần bay" trong văn hóa Phật giáo Đôn Hoàng, thể hiện sự cân bằng giữa sức mạnh và sự duyên dáng, tương tự một bộ áo giáp. Các dải màu đỏ ở chân tượng trưng cho đuôi tên lửa đỏ rực khi phóng.

gettyimages-2175172367.jpg
Trung Quốc công bố bộ đồ dành cho phi hành gia đổ bộ lên Mặt trăng. Ảnh: CNN.

Khác với Trái Đất, Mặt Trăng không có khí quyển dày nên nhiệt độ thay đổi rất nhiều và nhanh, từ khoảng 120 độ C đến âm 130 độ C ở khu vực gần xích đạo. Phi hành gia cũng sẽ phải đối mặt với áp suất gần ở mức chân không và bức xạ Mặt Trời cao hơn đáng kể so với khi ở Trái Đất.

Bộ đồ được làm từ vật liệu có thể bảo vệ hiệu quả phi hành gia khỏi môi trường bức xạ nhiệt và bụi Mặt trăng. Nó được trang bị bảng điều khiển tích hợp đa chức năng dễ vận hành, cũng như camera để ghi lại hình ảnh ở cự ly cả gần và xa.

Bộ đồ trang bị găng tay linh hoạt, tấm che mũ bảo hiểm chống chói toàn cảnh và các khớp nối thích ứng với môi trường trọng lực thấp. Thiết kế tổng thể của bộ đồ góp phần hỗ trợ sinh tồn và giúp các phi hành gia thao tác khi họ thực hiện hoạt động bên ngoài tàu thám hiểm trên bề mặt Mặt Trăng.

2j8abxty0bdbw3fswqvy.jpeg
Thiết kế bên ngoài của bộ đồ dành cho phi hành gia đổ bộ lên Mặt Trăng của Trung Quốc. Ảnh: Nation Thailand.

Việc Trung Quốc công bố trang phục phi hành gia diễn ra trong bối cảnh nước này đang nỗ lực để khẳng định vị thế trong lĩnh vực không gian - lĩnh vực mà các quốc gia như Mỹ đang hướng đến không chỉ vì lợi ích khoa học mà còn vì mục tiêu tài nguyên và an ninh quốc gia.

Elon Musk, Giám đốc SpaceX, cũng đã chia sẻ lại đoạn video giới thiệu bộ trang phục này trên mạng xã hội với dòng trạng thái bày tỏ sự thất vọng của ông với thủ tục giấy tờ rườm rà cho các dự án không gian tại Mỹ.

Trong những năm gần đây, Cơ quan Quản lý Không gian Trung Quốc đã thực hiện nhiều chương trình Mặt Trăng, bao gồm cả sứ mệnh đưa mẫu vật từ vùng tối của vệ tinh này về Trái Đất. Trung Quốc cũng đang hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia thứ 2 đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030.

Mỹ cũng đang lên kế hoạch đưa con người trở lại Mặt Trăng lần đầu tiên kể từ sau Chương trình Apollo (1969-1972), với một nhiệm vụ dự kiến diễn ra sớm nhất vào năm 2026. Đây là một phần trong chương trình Artemis của NASA nhằm thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt Trăng và chuẩn bị cho những nhiệm vụ tương lai tới sao Hỏa.

Thu Trang