Lancet - UAV nhỏ mà có võ của Nga
Trong khi Mỹ vẫn tự hào về những chiếc máy bay không người lái (UAV) cỡ lớn mang theo những loại tên lửa và bom sức công phá lớn, Nga cho ra đời dòng Lancet nhỏ, nhẹ, chính xác.
Lancet được phát triển bởi ZALA Aero, một công ty con của tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nga Kalashnikov.
Tên gọi Lancet có nghĩa “Dao mổ” phản ánh mục đích chế tạo của loại UAV này: Tấn công các mục tiêu với độ chính xác như một ca phẫu thuật.
UAV được sản xuất với hai phiên bản: Lancet 1 (với đầu đạn nặng 1 kg) và Lancet 3 (với đầu đạn nặng 3 kg). Trọng lượng cất cánh tối đa của máy bay khoảng 12 kg. Trong khi đó chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ có tải trọng tối đa lên tới 1.746 kg, mang theo 7 tên lửa Hellfire.
Lancet 1 nhỏ hơn có hiệu quả chống lại các phương tiện, người và pháo kéo được bọc thép hoặc không bọc thép hạng nhẹ.
Tuy nhiên, Lancet 3 lớn hơn có thể phá hủy hoặc gây hư hại nghiêm trọng hầu hết các xe bọc thép hạng nặng được lực lượng Ukraine sử dụng.
Máy bay có thể được triển khai từ các bệ phóng trên mặt đất và trên biển cho phép nó rút ngắn thời gian hành trình, mang lại hiệu quả cao.
Cả hai mẫu Lancet đều đạt tốc độ bay tối đa 110 km/h và vận tốc cuối khoảng 300 km/h khi lao thẳng về phía mục tiêu, bán kính hoạt động khoảng 40 km.
Khi tấn công xe tăng từ trên cao vào tháp pháo (nơi có lớp giáp mỏng hơn), Lancet có khả năng sẽ xuyên thủng xe tăng và gây ra vụ nổ bên trong.
Động cơ điện không gây tiếng ồn và di chuyển với tốc độ cao, cho phép Lancet vượt qua được nhiều hệ thống phòng thủ.
Thân của Lancet được làm từ nhựa nhẹ, trong suốt nên rất khó bị phát hiện khi đang bay. Thiết kế khí động học của nó có cánh hình chữ X, mang lại khả năng cơ động và nhắm mục tiêu cao hơn.
Lancet đảm bảo độ chính xác vượt trội nhờ các thiết bị dẫn đường quang - điện tử và TV. Các module thông tin, điều hướng và liên lạc nâng cao trên UAV cho phép người lính điều khiển nhận thông tin theo thời gian thực, nâng cao nhận thức về tình huống trên chiến trường.
Các video cho thấy máy bay không người lái Lancet tấn công xe tăng Leopard của Đức và khiến chúng không hoạt động. Mỗi chiếc UAV cảm tử có giá khoảng 35.000 USD, trong khi chiếc Leopard II có giá 11 triệu USD.
Không giống như các UAV “boom” truyền thống có thể tái sử dụng, Lancet đóng vai trò là vũ khí sử dụng một lần. Sau khi lao vào mục tiêu, nó hoàn thành nhiệm vụ, không có khả năng phục hồi hoặc thu hồi.
Việc sử dụng Lancet ngày càng tăng được cho là do trực thăng tấn công của Nga bị tổn thất nặng nề. Bộ Quốc phòng Nga đã thúc đẩy mở rộng sản xuất ồ ạt phiên bản mới nhất của máy bay không người lái cảm tử.
Thành công của Lancet trước pháo binh địch và khả năng săn lùng các UAV khác chứng tỏ tính hiệu quả của nó trên chiến trường.
Sự kết hợp giữa độ chính xác, khả năng tàng hình và khả năng hủy diệt của ZALA Lancet khiến nó trở thành vũ khí thông minh cực kỳ nguy hiểm.