SpaceX tạm dừng phóng tên lửa sau sự cố bất ngờ với tầng thứ hai của Falcon 9
Sự cố buộc SpaceX tạm hoãn toàn bộ hoạt động phóng, có nguy cơ ảnh hưởng đến các sứ mệnh quan trọng sắp tới, bao gồm chuyến bay Europa Clipper của NASA vào tháng 10.
Ngày 29/9, SpaceX thông báo việc tạm dừng các hoạt động phóng sau sự cố kỹ thuật xảy ra với tầng thứ hai của Falcon 9 trong sứ mệnh Crew-9. Dù hai phi hành gia Nick Hague của NASA và Aleksandr Gorbunov của Roscosmos đã an toàn lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), sự cố này buộc công ty phải hoãn các vụ phóng tiếp theo cho đến khi nguyên nhân sự cố được điều tra rõ ràng.
Theo SpaceX, tầng thứ hai của Falcon 9 đã hạ cánh xuống đại dương như kế hoạch, nhưng quá trình điều chỉnh quỹ đạo diễn ra không đúng dự kiến. “Kết quả là tầng thứ hai hạ cánh an toàn xuống đại dương nhưng ngoài khu vực mục tiêu. Chúng tôi sẽ tiếp tục phóng sau khi hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ và hoàn thiện các biện pháp khắc phục”, SpaceX thông báo trên mạng xã hội X.
Sự cố ảnh hưởng đến các sứ mệnh sắp tới
Ngay sau sự cố, vụ phóng OneWeb Launch 20 từ California, dự kiến diễn ra vào ngày 1/10, đã bị hoãn. Đây là sứ mệnh hợp tác với Eutelsat Group nhằm đưa hệ thống vệ tinh lên quỹ đạo. Mặc dù Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vẫn duy trì kế hoạch hoạt động, sự cố trước đó với Falcon 9 đã khiến FAA phải đình chỉ các vụ phóng của SpaceX để điều tra.
“FAA điều tra các sự cố không gian thương mại để xác định nguyên nhân gốc rễ và đưa ra biện pháp khắc phục để đảm bảo sự việc không tái diễn”, FAA cho biết.
Hồi tháng 8, một sự cố khác xảy ra khi tầng đẩy đầu tiên của Falcon 9 bốc cháy trong quá trình hạ cánh của sứ mệnh Starlink. Sau đó, SpaceX đã nhanh chóng điều tra và nộp báo cáo lên FAA. Chỉ sau 3 ngày, công ty đã được phép hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, sự cố khác vào tháng 7 liên quan đến tầng thứ hai của Falcon 9 đã khiến FAA phải tạm dừng hoạt động phóng trong hai tuần. Vụ phóng từ California vào ngày 11/7 cho thấy động cơ của tầng hai bị đóng băng trong không gian, khiến SpaceX không thể đưa tải trọng vào quỹ đạo như kế hoạch.
Việc tạm dừng phóng cũng có thể ảnh hưởng đến sứ mệnh Falcon Heavy sắp tới của NASA với nhiệm vụ Europa Clipper để đưa vệ tinh vào quỹ đạo mặt trăng băng giá Europa của Sao Mộc. Sứ mệnh này dự kiến diễn ra vào ngày 10/10 từ Tổ hợp Phóng 39-A tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy.
Chuỗi thành công bị gián đoạn
SpaceX từng đạt được chuỗi thành công dài trước các sự cố gần đây. Tính đến nay, công ty đã thực hiện 93 lần phóng Falcon 9 và một lần phóng Falcon Heavy trong năm 2024, gần đạt kỷ lục 96 lần phóng của năm 2023.
Kể từ năm 2010, SpaceX đã phóng thành công Falcon 9 tổng cộng 377 lần, chỉ gặp một vụ nổ vào tháng 6/2015. Falcon Heavy, ra mắt lần đầu vào năm 2018, đã thực hiện 10 lần phóng mà không gặp bất kỳ sự cố lớn nào.
Với chiến lược tái sử dụng tên lửa, SpaceX đã thực hiện 351 lần hạ cánh thành công và tái sử dụng 320 lần các tầng đẩy này, giúp tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tốc độ thực hiện các sứ mệnh. Tuy nhiên, trước sự cố vào tháng 8, SpaceX chưa từng mất một tầng đẩy nào kể từ tháng 2/2021. Ngoại trừ một lần vào tháng 12/2023 khi một tầng đẩy bị lật do gió lớn trên đường trở về Cape Canaveral.
SpaceX đã xây dựng danh tiếng nhờ sự minh bạch và thường xuyên cung cấp chi tiết về sự cố cùng phương án khắc phục. Công ty cho biết: “An toàn và độ tin cậy là yếu tố cốt lõi trong hoạt động của SpaceX. Nhờ số lượng vụ phóng lớn, chúng tôi có thể thu thập được lượng dữ liệu bay chưa từng có và sẵn sàng quay lại các chuyến bay một cách nhanh chóng, an toàn và đáng tin cậy hơn”.
Sự cố lần này là một thách thức mới đối với SpaceX, nhưng với khả năng phản ứng nhanh nhạy và quyết đoán, công ty được kỳ vọng sẽ sớm giải quyết vấn đề và khôi phục lại nhịp độ phóng. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp SpaceX duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành hàng không vũ trụ và củng cố niềm tin của khách hàng vào khả năng cung cấp dịch vụ phóng an toàn, ổn định trong tương lai.