Hãng hàng không Brazil xem xét mua C919
Total Linhas Aereas đang thảo luận và xem xét đặt mua 4 chiếc C919 - máy bay do Trung Quốc sản xuất.
Total Linhas Aereas (hãng bay chở hàng cỡ nhỏ và bay thuê chuyến của Brazil) và Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) đã đàm phán trong nhiều tháng. Thông tin được ông Paulo Almada, đại diện Total Linhas Aereas, người sẽ đến thăm COMAC vào tháng 10, cho biết.
Theo Bộ trưởng Cảng và Sân bay Brazil, Silvio Costa Filho, Total Linhas Aereas đã liên hệ với Chính phủ Brazil để chia sẻ dự định của mình, nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra kế hoạch chính thức nào.
Nếu thương vụ thành công, Total Linhas Aereas sẽ là hãng hàng không đầu tiên ngoài châu Á mua tàu bay của COMAC.
Bối cảnh thiếu hụt tàu bay
Động thái diễn ra khi Total Linhas Aereas đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho các nhà sản xuất máy bay phương Tây như Airbus và Boeing. Hai hãng này phải đối mặt với các vấn đề về chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu máy bay mới.
Công ty Embraer của Brazil có các suất sản xuất từ năm 2026, nhưng chỉ cung cấp các máy bay chở khách dưới 150 chỗ ngồi. C919 của COMAC có sức chứa lên đến 192 người.
"Ngành công nghiệp đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung, nhưng COMAC cho biết họ có thể giao máy bay vào tháng 3 năm sau," ông Almada nói.
Thượng nghị sĩ Rogerio Carvalho từ Đảng Lao động Brazil, người đã tham gia các cuộc họp với Total, cho rằng thỏa thuận này có thể là một "cột mốc" quan trọng cho Brazil. Ông cũng cho biết Brazil kỳ vọng Trung Quốc sẽ đáp lại bằng cách tăng cường nhu cầu đối với các máy bay của Embraer.
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành tỏ ra hoài nghi về kế hoạch kinh doanh của Total đối với dòng máy bay Trung Quốc.
"Dù Total có nhận được thỏa thuận tốt về giá, độ tin cậy chưa được kiểm chứng và thiếu mạng lưới hỗ trợ tại Brazil khiến thương vụ này trở thành một lựa chọn rất rủi ro", Carlos Ozores, đối tác tư vấn hàng không tại PA Consulting, nhận xét.
Vấn đề về chứng nhận an toàn
Đội bay hiện tại của Total bao gồm máy bay khu vực ATR 42-500 và máy bay chở hàng Boeing 737-400.
Total đang xem xét một thỏa thuận tài chính từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, bao gồm tài trợ 80% tổng giá trị của các máy bay trong thời gian lên tới 10 năm hoặc 12 năm. Mỗi chiếc C919 có giá niêm yết khoảng 90 triệu USD. Các điều khoản cụ thể của thỏa thuận tiềm năng vẫn chưa được tiết lộ.
Almada cho biết Total dự kiến bay C919 trên các chuyến bay thuê bao, được các hãng hàng không khác đặt trước theo mô hình ACMI (máy bay, phi hành đoàn, bảo dưỡng và bảo hiểm). Đây là phương thức mà ngành hàng không thường sử dụng để đáp ứng nhu cầu cấp bách hoặc theo mùa. Ông cũng cho biết các phi công và thợ máy sẽ được COMAC đào tạo tại Trung Quốc.
Có 9 chiếc C919 hoạt động từ tháng 5/2023, tất cả đều do các hãng hàng không Trung Quốc vận hành.
Ngoài hãng bay nội địa Trung Quốc, hãng hàng không TransNusa Airline của Indonesia cũng xem xét mua C919, sau thành công với các máy bay cỡ nhỏ ARJ-21 cũng của COMAC. Một hãng hàng không khác có trụ sở tại Brunei là Gallop Air cũng đã đặt hàng C919.
Một rào cản lớn đối với C919 là không có chứng nhận bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là chứng nhận của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA).
Ông Almada cho biết Total cũng sẽ thúc đẩy việc cấp chứng nhận cho máy bay Trung Quốc tại Brazil. Tuy nhiên, phía Cơ quan hàng không dân dụng của Brazil (ANAC) cho biết yêu cầu cấp chứng nhận chính thức vẫn chưa được nộp.
COMAC dự kiến sản xuất 150 chiếc C919 mỗi năm trong 5 năm tới. Máy bay được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng hầu hết bộ phận quan trọng phải đặt mua từ các công ty nước ngoài, chẳng hạn động cơ LEAP mua từ CFM International, công ty do Mỹ và Pháp hợp tác sản xuất.
Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là đang phát triển hoàn thiện động cơ cho C919 và sẽ sớm thay thế động cơ LEAP.
Ngoài ra, hệ thống điều khiển và điện tử hàng không của máy bay mua từ Mỹ, còn bộ phận hạ cánh của máy bay do Đức sản xuất.