4 thách thức của du lịch MICE ở Việt Nam
Việt Nam sở hữu nhiều ưu thế để phát triển du lịch MICE như sở hữu thiên nhiên, văn hoá, cơ sở vật chất... nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Trong khuôn khổ sự kiện MICE EXPO 2024 hôm 27/9, tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh (Viện trưởng Viên Nghiên cứu phát triển du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) nhận định MICE là một trong bốn loại hình du lịch định hướng phát triển từ nay đến năm 2030. Sau dịch Covid-19, du lịch MICE là tăng trưởng nhanh tới 35%.
Cảnh quan thiên nhiên phong phú, văn hoá lịch sử đa dạng, cơ sở hạ tầng phát triển cũng như nền chính trị ổn định là những yếu tố thu hút dòng khách MICE đến Việt Nam. Các khu vực thu hút du lịch MICE có thể kể đến như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang…
Tuy nhiên, trong cuộc đua giành khách du lịch MICE tại Đông Nam Á, Việt Nam không phải ứng viên duy nhất, mà cạnh tranh với Thái Lan, Singapore và Malaysia... Những quốc gia này không chỉ có lợi thế về đường bay trực tiếp và chính sách miễn visa mà còn có các chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút du lịch MICE.
Thách thức
MICE - viết tắt của Meeting (hội họp), Incentive (khen thưởng), Convention (hội nghị, hội thảo) và Exhibition (triển lãm) - là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác.
Ông Tuấn Anh chỉ ra 4 thách thức của ngành du lịch Việt Nam khi đón khách MICE.
- Các chương trình phát triển du lịch MICE bài bản, chuyên nghiệp; xây dựng các sản phẩm đặc thù; liên kết các địa phương, các đơn vị du lịch; xúc tiến quốc tế…
- Thiếu trung tâm tổ chức sự kiện quy mô lớn.
- Nguồn nhân lực phục vụ du lịch MICE hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng.
- Công tác quảng bá du lịch MICE của Việt Nam ra thị trường quốc tế còn yếu, nhỏ lẻ.
Về phía doanh nghiệp, bà Lương Phương, đại diện Vinpearl, cho biết dù đã gặt hái nhiều thành công, du lịch MICE tại Việt Nam vẫn gặp phải một số khó khăn.
Mạng thống đường bay quốc tế và nội địa còn hạn chế. Hiện tại, các chuyến bay quốc tế chủ yếu tập trung đến Hà Nội và TP.HCM, trong khi các đường bay quốc tế trực tiếp đến các điểm du lịch biển như Nha Trang, Phú Quốc và Đà Nẵng ít được mở rộng.
"Giá vé máy bay vẫn khá cao, tạo ra trở ngại cho việc thu hút khách hàng MICE nội địa và quốc tế, những người thường cân nhắc kỹ về chi phí khi lựa chọn điểm đến", bà Phương chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Phùng Hữu Hoàng, đại diện Saigon Tourist, phân tích năm 2023 chứng kiến những khó khăn lớn của Bamboo Airways, dẫn đến việc hãng phải cắt giảm hàng loạt tuyến bay, thu hẹp mạng lưới đường bay cũng như giảm quy mô đội bay.
"Từ mùa hè 2023, sự suy giảm cung ứng từ Bamboo đã tác động đến thị trường, khiến các hãng hàng không khác phải điều chỉnh lại mức giá trung bình. Kết quả là giá vé máy bay bắt đầu tăng mạnh từ mùa hè 2023 và cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt", ông Hoàng cho biết.
Tập trung phát triển bền vững
Du lịch MICE là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm có khả năng đáp ứng về số lượng cũng như chất lượng.
Để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, các lãnh đạo trong Hiệp hội Du lịch cũng như doanh nghiệp hàng không, du lịch, khách sạn đã kiến nghị một số giải pháp, đề xuất chính như sau:
Thứ nhất, cần có chương trình tổng thể về phát triển du lịch Việt Nam nói chung cũng như du lịch MICE nói riêng, được dẫn dắt bởi cơ quan quản lý Nhà nước. Từ đó, các thành phần trong ngành có thể quy tụ và cùng hoạt động trong một khuôn khổ chung, giúp công tác xúc tiến có trọng tâm, tiết kiệm chi phí hơn và có sức mạnh quảng bá hơn so với từng đơn vị tự thực hiện riêng lẻ.
Thứ hai, có chiến lược xây dựng lợi thế cạnh tranh cho điểm đến du lịch Việt Nam với tầm nhìn dài hạn trên một năm như tổ chức hoặc đấu thầu các chương trình sự kiện có tính quốc tế (giải thể thao, chương trình âm nhạc tầm cỡ quốc tế) từ đó nâng cao khả năng quảng bá về điểm đến Việt Nam và thu hút du lịch trong sự kiện.
Thứ ba, tổ chức lại và nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ quan xúc tiến quốc gia thông qua việc bổ sung nguồn lực cả về ngân sách và nhân sự từ Chính phủ và đóng góp của các doanh nghiệp liên quan như các hãng hàng không, tập đoàn du lịch lớn... từ đó xây dựng các sản phẩm có tính quốc gia, sẵn sàng tham gia vào các sàn đấu giá sản phẩm MICE quốc tế.
Thứ tư, các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần có chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản, đồng bộ và có chất lượng cao; nâng cấp dịch vụ một cách chuyên nghiệp, hoàn thiện hệ sinh thái MICE để phục vụ khách hiệu quả nhất
Thứ năm, chú trọng hơn việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch MICE thông qua việc mở thêm nhiều khoa chuyên ngành, hay trung tâm đào tạo chuyên cho loại hình du lịch MICE, tổ chức thêm các khóa đào tạo ngắn hạn, chuyến đi học tập tại nước ngoài...
Cuối cùng, tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch MICE, chú trọng quảng bá tới các thị trường quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam nên có mạng lưới đại diện ở nước ngoài hoặc liên kết với các văn phòng ở nước ngoài để quảng bá.
MICE EXPO 2024 do Hiệp hội du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức vào ngày 27/9. Sự kiện có nhiều hoạt động nổi bật.
Đáng chú ý là hoạt động xúc tiến thương mại - Business Matching B2B với sự gặp gỡ của 150 Người bán (Sellers) là các khách sạn, du thuyền, điểm đến, địa điểm tổ chức sự kiện, sân golf, công ty land tour... và 500 Người mua (Buyers) là đại diện các công ty du lịch, công ty sự kiện, công ty truyền thông... cùng nhau gặp gỡ trao đổi về sản phẩm, hình thành nhóm mua lớn và ký kết hợp đồng hợp tác.