Kinh doanh

Vietjet có thể không nhận được chiếc 737 MAX nào trong năm 2024

Thắng Nguyễn 26/09/2024 09:48

Đình công ở Boeing khiến các hãng hàng không châu Á, trong đó có Vietjet Air, phải "đổ mồ hôi" vì lịch bàn giao máy bay trễ.

Vietjet Air cho biết sẽ có sự chậm trễ trong việc nhận máy bay 737 MAX đầu tiên từ Boeing. Hãng đang theo dõi chặt chẽ tình hình cuộc đình công tại Boeing và liên hệ với hãng sản xuất máy bay Mỹ để có những sự điều chỉnh phù hợp về lịch trình giao hàng, Bloomberg ngày 25/9 đưa tin.

Tháng 9/2023, Vietjet Air và Boeing thống nhất bổ sung các nội dung của hợp đồng đặt mua 200 tàu bay 737 MAX trị giá 25 tỷ USD được giao trong 5 năm tiếp theo. Dự kiến 12 tàu bay đầu tiên được giao cho Vietjet Air trong năm nay.

Tuy nhiên, theo báo cáo giao hàng của Boeing tính đến 31/8/2024, Vietjet Air vẫn chưa được giao tàu bay nào.

imagesusersiqjwhbfdfxiuix7ciq0tjyoiv0pifq5t3pjf0qzs8rf9ljswaq-1x-1.jpg
Hoạt động sản xuất máy bay bán chạy nhất của Boeing đang bị trì hoãn do đình công kéo dài. Ảnh: The Seattle Times.

Tương tự Vietjet Air, các hãng bay Korean Air và Japan Airlines cho biết dự kiến ​​máy bay sẽ đến muộn hoặc ngày bàn giao bị trì hoãn.

Trong khi đó Singapore Airlines và một số hãng hàng không khác cho biết đang làm việc với Boeing về lịch trình giao hàng trong bối cảnh nhà máy đóng cửa.

Air India (Ấn Độ) và Lion Air (Indonesia), hai hãng hàng không tại châu Á có số lượng đơn hàng máy bay 737 MAX lớn nhất trong thập kỷ này, chưa đưa ra bình luận nào về tiến độ giao hàng.

Hãng hàng không Ấn Độ đã được giao 24 chiếc 737 MAX trong khi hãng bay đến từ Indonesia chưa nhận được máy bay nào từ đầu năm.

Giám đốc điều hành của Ryanair Michael O’Leary cho biết có tới 10 máy bay dự kiến ​​được giao trong sáu tháng đầu năm sau có thể bị kéo dài sang nửa cuối 2025.

Cuộc đình công tại nhà máy Seattle làm tê liệt hoạt động sản xuất của Boeing, gây ra sự chậm trễ trong việc giao máy bay 737 MAX trên khắp châu Á, khu vực có số đơn hàng tồn đọng lớn nhất đối với dòng máy bay này.

Theo dữ liệu từ Cirium, nhà sản xuất máy bay Mỹ dự kiến bàn giao 981 chiếc 737 MAX cho các hãng vận tải ở châu Á vào năm 2030. Chủ đơn hàng lớn nhất là Air India và Lion Air, chiếm gần 1/3 tổng số tàu bay 737 MAX được giao theo lịch trình trên toàn thế giới.

Boeing đang bất đồng quan điểm về tiền lương và chế đội đãi ngộ với Hiệp hội thợ máy và nhân viên hàng không quốc tế (IAM), khiến 33.000 công nhân đình công trong gần 2 tuần qua.

Trong khi đó, chuỗi cung ứng hàng không vẫn bị đứt gãy khiến các hãng hàng không châu Á phải vật lộn để có đủ máy bay đáp ứng nhu cầu.

Nghiêm trọng hơn khi hàng không là động lực tăng trưởng cho du lịch trên toàn thế giới. Khi lượng ghế ngồi các hãng hàng không cung cấp không đáp ứng được nhu cầu đi lại, giá vé sẽ tiếp tục tăng cao.

Theo công ty tư vấn hàng không IBA có trụ sở tại Anh, việc giao máy bay của Boeing trên toàn thế giới sẽ bị đình trệ vào năm 2024. Boeing sẽ không đạt được mức giao hàng cao nhất từng được ghi nhận ở năm 2018 cho đến tận 2026.

Boeing chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về sự chậm trễ giao hàng 737 MAX ở châu Á. Mặc dù sản lượng 3 tháng gần nhất của hãng đang ổn định ở mức trên 40 chiếc/tháng, chủ yếu là 737 MAX, tính đến cuối tháng 8, hãng mới chỉ giao tổng cộng 258 tàu bay.

Nếu vẫn duy trì sản lượng như thời gian gần đây, đến cuối năm nay Boeing chỉ giao được khoảng 420 tàu bay, kém rất xa con số 528 tàu bay giao năm 2023.

Đầu tháng 9, hãng sản xuất máy bay Mỹ tuyên bố giữ vững mục tiêu giao 38 máy 737 MAX mỗi tháng vào cuối năm. Tuy nhiên, với tình hình sản xuất đình trệ như hiện tại, không khó để thấy việc giao hàng của hãng trong những tháng tới sẽ còn đi xuống.

Thắng Nguyễn