Khủng hoảng của Boeing buộc Mỹ cải tổ chương trình an toàn hàng không
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đang thực hiện một cuộc cải tổ quan trọng sau sự cố bung tấm bịt cửa trên một chiếc Boeing 737 MAX hồi tháng 1.
Vụ bung tấm bịt cửa ngay sau khi cất cánh đã làm dấy lên những chỉ trích mạnh mẽ từ các nhà lập pháp về việc FAA không phát hiện sớm những sai sót trong khâu sản xuất và kiểm soát chất lượng của Boeing.
Thông tin cải tổ chương trình an toàn hàng không dự kiến được Michael Whitaker, lãnh đạo FAA, chính thức công bố trong buổi điều trần trước Ủy ban Giao thông và Cơ sở hạ tầng của Hạ viện Mỹ vào ngày 24/9.
Theo bản sao bài phát biểu được Bloomberg thu thập, Whitaker sẽ nhấn mạnh rằng FAA đang nỗ lực cải thiện hệ thống giám sát toàn cơ quan để "dự đoán và xác định các rủi ro trước khi chúng dẫn đến những sự cố lớn".
Cuộc điều tra nội bộ của FAA đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến quy trình sản xuất và an toàn tại Boeing, khiến cơ quan này bị chỉ trích vì không đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời trước khi xảy ra sự cố. Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ giúp FAA chủ động hơn trong việc giám sát và bảo vệ an toàn hàng không trong tương lai.
Thay đổi trong cách giám sát
Ông Whitaker thừa nhận FAA đã không giám sát Boeing đủ chặt chẽ trước khi xảy ra vụ tai nạn vào tháng 1. Để khắc phục vấn đề này, FAA đã bổ sung thêm thanh tra viên tại các nhà máy của Boeing và đang cải thiện cách sử dụng dữ liệu nội bộ và bên ngoài để dự đoán và nhận diện các rủi ro an toàn hiệu quả hơn.
Ông Whitaker cũng sẽ trình bày trước Quốc hội Mỹ những thay đổi mà FAA đã thực hiện nhằm tăng cường giám sát hệ thống an toàn của Boeing, đồng thời đảm bảo tính minh bạch trong quy trình.
Ngoài ra, các nhà lập pháp Mỹ cũng đang xem xét kỹ lưỡng vai trò giám sát của FAA và hành động của Boeing trước và sau vụ tai nạn. Vào tháng 8, Thượng nghị sĩ Maria Cantwell và Tammy Duckworth đưa ra yêu cầu FAA cải thiện hệ thống quản lý an toàn hàng không, đồng thời phân tích sâu hơn những sai sót đã xảy ra để ngăn ngừa các sự cố tương tự trong tương lai.
Hạn chế sản xuất và yêu cầu thay đổi lâu dài
Sau sự cố nghiêm trọng vào tháng 1, FAA đã áp dụng các biện pháp hạn chế sản xuất đối với dòng máy bay 737 MAX của Boeing. Cơ quan này yêu cầu Boeing phải nộp một kế hoạch khắc phục toàn diện, bao gồm các tiêu chuẩn về hiệu suất mà FAA sẽ giám sát chặt chẽ.
Lãnh đạo FAA nhấn mạnh rằng trước khi Boeing có thể tăng sản lượng vượt mức giới hạn, hãng phải chứng minh rằng các nhà máy của họ hoạt động ổn định và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn.
Trong phiên điều trần tại Hạ viện, Whitaker dự kiến khẳng định rằng Boeing cần thực hiện "những thay đổi đáng kể để cải thiện hệ thống chất lượng" và đảm bảo các biện pháp an toàn cần thiết được thực thi.
Ông cũng cho biết đã thảo luận với Giám đốc điều hành mới của Boeing, Kelly Ortberg, và nhấn mạnh rằng những thay đổi này phải được duy trì bền vững trong thời gian dài, không chỉ là giải pháp tạm thời nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại.
Khó khăn của Boeing
Phiên điều trần của FAA diễn ra trong bối cảnh Boeing đang đối mặt với những khó khăn lớn do cuộc đình công của hàng nghìn công nhân, yêu cầu tăng lương và cải thiện phúc lợi. Cuộc đình công đã làm đình trệ hoạt động sản xuất tại nhiều nhà máy của Boeing.
Để phá vỡ thế bế tắc, Boeing đã đề nghị tăng lương 30% vào hôm 23/9 nhằm thuyết phục công nhân quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy một thỏa thuận sẽ sớm được đạt được, và cuộc đình công tiếp tục gây áp lực lên hãng, làm gián đoạn hoạt động sản xuất và ảnh hưởng đến các dự án lớn của tập đoàn Mỹ.