Văn minh hàng không

Trở thành phi công máy bay thương mại liệu có khó?

Hoàng Hà 19/09/2024 06:18

Trở thành phi công máy bay thương mại mang lại cơ hội bay khắp thế giới và thu nhập cao nhưng đòi hỏi sự cam kết từ các bài kiểm tra khó khăn đến chi phí đào tạo lên tới hàng trăm nghìn USD.

Ảnh: Khánh Huyền.
Ảnh: Khánh Huyền.

Tương tự việc trở thành một phi hành gia, đào tạo để trở thành bác sĩ hay sống cuộc sống của một tỷ phú, việc lái máy bay được coi là công việc trong mơ.

Không khó để hiểu vì sao nghề phi công lại thu hút như vậy. Bạn có cơ hội được bay vòng quanh thế giới và hơn thế nữa, công việc này chỉ có một số ít người trong toàn bộ dân số có thể thực hiện. Theo ước tính, hiện nay có khoảng 225.000 phi công thương mại trên toàn thế giới, riêng tại Mỹ đã có tới 100.000 người, theo báo cáo của Cục Hàng không Liên bang (FAA).

Mức lương của phi công là một yếu tố thu hút khác. Những phi công thương mại hàng đầu có thể kiếm được mức lương sáu con số (USD), thậm chí các hãng hàng không giá rẻ cũng cung cấp thu nhập vượt xa mức lương trung bình quốc gia. Hiện nay, các hãng hàng không đang ra sức cạnh tranh để thu hút phi công đã qua đào tạo, với các gói lương hấp dẫn và tiền thưởng ngay khi ký hợp đồng.

Có thể nói, thời điểm hiện tại là một cơ hội tuyệt vời để trở thành phi công. Nhưng liệu việc trở thành một phi công có thực sự khó khăn? Liệu cơ hội này có mở rộng cho tất cả mọi người? Hay bạn phải là một thiên tài toán học và có thị lực hoàn hảo mới đủ điều kiện?

Hãy cùng OpenSky xem xét các yêu cầu đào tạo tại Vương quốc Anh để khám phá những gì cần thiết để trở thành một phi công thương mại.

Giấy phép lái máy bay tư nhân (PPL)

Cơ quan Hàng không Dân dụng (CAA) là tổ chức quản lý và điều chỉnh tất cả các khía cạnh của ngành hàng không dân dụng tại Vương quốc Anh. Để trở thành một phi công, điều đầu tiên bạn cần có là bằng lái máy bay tư nhân (Giấy phép Phi công Tư nhân - PPL).

3a.jpeg
Để trở thành một phi công, điều đầu tiên bạn cần có là bằng lái máy bay tư nhân (Giấy phép Phi công Tư nhân - PPL). Ảnh minh họa: Shutterstock.

Nhiều người nghĩ rằng bạn cần phải có thành tích học tập xuất sắc để trở thành phi công, nhưng trên thực tế, điều này không hoàn toàn chính xác.

Trước khi bắt đầu đào tạo, bạn cần trải qua một cuộc kiểm tra y tế. Không có chứng chỉ y tế, bạn sẽ không thể nhận giấy phép lái máy bay, bất kể kỹ năng bay của bạn tốt đến đâu. Để có được giấy phép lái máy bay tại Vương quốc Anh, ứng viên còn phải vượt qua các bài kiểm tra lý thuyết và thực hành tại trường bay. Theo CAA, "càng lên cấp độ giấy phép cao hơn, các bài kiểm tra sẽ càng khó và những yêu cầu về sức khỏe sẽ càng khắt khe".

Các phi công có thể chuẩn bị thêm các kỹ năng và khả năng mới vào giấy phép của mình, chẳng hạn như xếp hạng thiết bị (instrument rating), cho phép họ bay trong điều kiện mây mù và tầm nhìn kém.

Giấy phép được chia thành hai loại chính: Máy bay "Part 21" và "non-Part 21". Tàu bay thuộc loại "Part 21" là các loại máy bay thường thấy tại các trường bay, ví dụ như Cessna C172, Piper PA-28, Diamond DA40 và Robinson R44.

Theo Flynqy Pilot Training, một trường đào tạo bay tại Anh, để có được PPL, bạn phải hoàn thành ít nhất 45 giờ đào tạo bay. Trong số đó, ít nhất 25 giờ bay sẽ diễn ra cùng giáo viên hướng dẫn và 10 giờ bay là bay một mình (solo) dưới sự giám sát.

Ngoài ra, bạn cũng phải vượt qua 9 bài kiểm tra lý thuyết, tất cả đều là trắc nghiệm với tỷ lệ đỗ 75%. Các môn học bao gồm luật hàng không, quy trình vận hành, hiệu suất con người và các giới hạn, điều hướng, khí tượng học, kiến thức chung về máy bay, nguyên tắc bay, hiệu suất bay, lập kế hoạch và liên lạc. Bạn cũng phải hoàn thành kỳ thi Thực hành Điện thoại Vô tuyến (Radiotelephony Practical Examination) để có giấy phép liên lạc với các kiểm soát viên không lưu.

Đào tạo phi công thương mại

Để trở thành phi công thương mại và lái các máy bay chở từ 9 hành khách trở lên, bạn cần phải qua đào tạo để có Giấy phép Phi công Vận tải Hàng không (ATPL) từ CAA. Độ tuổi tối thiểu để có được ATPL là 21 tuổi, cho phép bạn đảm nhận vai trò phi công chỉ huy (PIC) của các máy bay trong hoạt động vận tải hàng không thương mại.

4a.jpeg
Theo quy định của CAA, trước khi có thể nhận ATPL, bạn phải có Giấy phép Phi công Đa Phi hành đoàn (MPL) hoặc Giấy phép Phi công Thương mại (CPL). Ảnh minh họa: Shutterstock.

Theo quy định của CAA, trước khi có thể nhận ATPL, bạn phải có Giấy phép Phi công Đa Phi hành đoàn (MPL) hoặc Giấy phép Phi công Thương mại (CPL). Khi bước vào giai đoạn này trong sự nghiệp, các trường đào tạo bay thường yêu cầu ứng viên có thành tích tốt trong các môn Toán học, Khoa học và tiếng Anh.

Hiện có ba loại đào tạo phi công chuyên nghiệp chính: Đào tạo tích hợp, đào tạo module và Giấy phép Phi công Đa Phi hành đoàn (MPL).

Đào tạo tích hợp cho phép học viên chưa có bất kỳ kinh nghiệm nào đạt được ATPL trong vòng 18 tháng, nhưng khóa học này có cường độ rất cao. Trong khi đó, mô hình đào tạo module cho phép bạn vừa làm việc vừa học tập và yêu cầu học viên đã có PPL.

Ở Anh, chi phí đào tạo phi công dao động 70.000-130.000 bảng Anh (khoảng 90.000-170.000 USD). Khi đã có ATPL, bạn có thể tham gia làm việc cho một hãng hàng không. Các khóa đào tạo thường kéo dài từ 18 tháng đến 2 năm.

5a.jpeg
Một số trường đại học tại Anh cung cấp chương trình đào tạo phi công kết hợp với bằng đại học. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Một số hãng hàng không đã tích hợp chương trình đào tạo của họ vào các trường bay cụ thể. Ví dụ, Ryanair hợp tác với Học viện Đào tạo Bay Atlantic tại Ireland để đào tạo phi công. Trong khi đó, British Airways không có chương trình đào tạo học viên phi công chính thức, nhưng hãng vẫn chào đón các học viên đã hoàn thành các khóa đào tạo tích hợp hoặc module.

Một số trường đại học tại Anh cung cấp chương trình đào tạo phi công kết hợp với bằng đại học. Chẳng hạn, Đại học Bucks New cung cấp chương trình Cử nhân Quản lý Hàng không kèm theo Đào tạo Phi công, còn Đại học Kingston London có chương trình Cử nhân Hoạt động Hàng không kèm theo Đào tạo Phi công Thương mại. Tuy nhiên, lựa chọn này đòi hỏi bạn phải trả học phí đại học cùng với chi phí đào tạo phi công.

Kiểm tra sức khoẻ cho phi công

Kiểm tra sức khoẻ là một phần không thể thiếu trong quá trình đào tạo phi công. Trái với những tin đồn phổ biến, việc đeo kính hoặc kính áp tròng không ngăn cản bạn trở thành phi công. Theo CAA, tiêu chuẩn thị lực cho phép phi công sử dụng kính hoặc kính áp tròng. Các vấn đề sức khỏe như hen suyễn hay huyết áp cao cũng không phải là rào cản, miễn là được kiểm soát tốt.

6a.jpeg
Cuộc kiểm tra y tế có thể kéo dài đến 4 giờ. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Cuộc kiểm tra y tế thường được thực hiện tại Trung tâm Y tế Hàng không (Aeromedical Centre) và có thể kéo dài đến 4 giờ. Kiểm tra bao gồm lịch sử y tế, thị lực, kiểm tra thể chất, điện tâm đồ (ECG), kiểm tra chức năng phổi, xét nghiệm máu, hemoglobin và kiểm tra nước tiểu.

Giấy chứng nhận y tế hạng 1 có giá trị trong 12 tháng, trừ khi bạn trên 40 tuổi hoặc trên 60 tuổi thì cần phải kiểm tra mỗi 6 tháng. Để được đào tạo và nhận giấy phép CPL hoặc ATPL, bạn cần có Giấy chứng nhận sức khoẻ loại 1.

Khó khăn thực sự của việc trở thành phi công

Trở thành phi công không chỉ là việc học cách cất hạ cánh máy bay, mà khó khăn lớn nhất nằm ở sự cam kết lâu dài để đào tạo và hoàn thành hàng loạt bài kiểm tra khó khăn trong nhiều năm. Dù việc hiểu rõ các con số và kiến thức vật lý là rất quan trọng, tuy nhiên, không nhất thiết bạn phải là thiên tài toán học mới có thể trở thành phi công.

7a.jpeg
Chi phí đào tạo phi công có thể lên đến hàng trăm nghìn bảng Anh. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Một trong những thách thức lớn nhất của việc trở thành phi công thương mại là chi phí đào tạo, có thể lên đến hàng trăm nghìn bảng Anh. Mặc dù mức lương của phi công thương mại đủ để trả lại khoản vay đào tạo, đây không phải là công việc bạn nên theo đuổi nếu không có niềm đam mê thực sự. Thật không may, nhiều người bỏ cuộc trước khi bắt đầu vì không chịu nổi áp lực tài chính từ khoản nợ khổng lồ để theo đuổi ước mơ trở thành phi công.

Hoàng Hà