Tin tức

Hàng không theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới

Nguyệt Quỳnh 17/09/2024 15:56

Theo dự báo, khả năng áp thấp nhiệt đới sau khi mạnh lên thành bão số 4 sẽ đổ bộ vào khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Nam.

Trung tâm Khí tượng Hàng không thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết lúc 13h ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 820 km về phía đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61 km/h), giật cấp 9 (75-87 km/h), di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ khoảng 25 km/h.

015d34bf2ad18c8fd5c0.jpg
Bão số 4 sắp thành hình, đường đi rất khó lường. Ảnh: Trung tâm Khí tượng Hàng không, VATM.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km/h, mạnh lên thành bão và tăng cường độ lên cấp 8 (62-74 km/h), giật cấp 10 (88-101 km/h).

Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây khoảng 15-20 km/h, mạnh lên cấp 8-9 (62-87 km/h), giật cấp 11 (103-116 km/h).

Cơ quan khí tượng hàng không nhận định sau khi mạnh lên thành bão trong 48 giờ tới, tâm bão chưa có khả năng đi vào đất liền Việt Nam. Tuy nhiên, cơn bão có diễn biến rất phức tạp về đường đi, cường độ và phạm vi ảnh hưởng.

Để chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 4, mới đây Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức trực 24/7 để đảm bảo an toàn hoạt động bay, người và tài sản tại các cảng hàng không, sân bay, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến khai thác bay.

Đối với VATM, nhà chức trách hàng không yêu cầu chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng, liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật bản tin dự báo, cảnh báo. Đồng thời, cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.

Đối với các cảng hàng không, hãng hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, Cục Hàng không yêu cầu tăng cường công tác phối hợp, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới để có phương án điều chỉnh kế hoạch bay hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp tại một số địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và đảm bảo an toàn cho hoạt động bay.

Ngoài ra, các đơn vị cần triển khai phương án phòng chống mưa bão, biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy trong cảng hàng không, sân bay, bảo vệ cho các công trình, phương tiện, thiết bị tại cảng hàng không, đặc biệt lưu ý tại các cảng hàng không bị ảnh hưởng trong khu vực từ Quảng Ninh đến Bình Thuận.

Các Cảng vụ hàng không giám sát công tác triển khai những nội dung ứng phó tại các cảng hàng không liên quan, bảo đảm liên lạc thông suốt với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (Cục Hàng không) và các cơ quan, đơn vị liên quan trong phạm vi trách nhiệm để triển khai ứng phó trong mọi tình huống.

Bão số 3 đã gây thiệt hại lớn cho các tỉnh miền Bắc. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ.
Bão số 3 đã gây thiệt hại lớn cho các tỉnh miền Bắc. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ.

Cùng ngày, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Công điện số 97/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Công điện gửi Chủ tịch UBND 17 tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa cùng 6 Bộ gồm Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an.

Để giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão gây ra, Phó thủ tướng yêu cầu trước hết, cơ quan dự báo khí tượng theo dõi chặt chẽ, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về diễn biến của áp thấp nhiệt đới cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó theo quy định.

Các bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nêu trên theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ để chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai có thể ảnh hưởng đến phạm vi quản lý của ngành, địa phương.

Trước đó, nhận định về áp thấp nhiệt đới này, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết bão số 4 sẽ không thể có cường độ mạnh như bão số 3 (Yagi) bởi điều kiện môi trường hiện nay không thuận lợi và phải chia sẻ năng lượng với một cơn bão đang hoạt động ở phía tây bắc Thái Bình Dương.

Ngoài ra, khi vào Biển Đông, bão vẫn chịu tác động của dòng dẫn đường quy mô lớn từ áp cao cận nhiệt đới. Bão còn chịu một tác động nữa là khối không khí lạnh có thể ảnh hưởng đến nước ta sau ngày 19/9.

Đường đi của áp thấp nhiệt đới sẽ rất phức tạp, dự báo 2 kịch bản khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão và di chuyển vào khu vực quần đảo Hoàng Sa là sẽ ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ hoặc ảnh hưởng đến miền Bắc, phía bắc miền Trung.

Nguyệt Quỳnh