7 cuộc đình công của thợ máy trong lịch sử Boeing
Cuộc đàm phán hiện tại giữa Boeing và Hiệp hội Công nhân và thợ máy hàng không quốc tế (IAM) chỉ là sự kiện mới nhất trong một cuộc chiến giằng co kéo dài nhiều thập kỷ.
Theo tài liệu của IAM, công nhân của tổ chức này đã đình công 7 lần kể từ khi bộ phận Boeing được thành lập vào những năm 1930.
Những cuộc đình công để lại nhiều tác động đến hoạt động của Boeing lẫn nền kinh tế.
1948
Công ty Boeing được thành lập bởi William Edward Boeing vào năm 1916, với tên gọi là Pacific Aero Products . Năm 1945, chủ tịch công ty Philip G. Johnson qua đời và William McPherson Allen lên thay.
Năm 1945, sau Thế chiến 2, doanh số máy bay chiến đấu sụt giảm. Chủ tịch William McPherson Allen quyết định tạm thời đóng cửa một số hoạt động và sa thải 25.000 công nhân. Để cứu công ty, Allen tuyên bố ông sẽ bắt đầu sản xuất máy bay thương mại.
Tháng 1-4 năm 1947, Boeing và công đoàn họp 3 lần/tuần để thảo luận về các điều khoản mới. Không bên nào có thể đạt được thỏa thuận chủ yếu về vấn đề thâm niên, giờ làm việc và tiền lương.
Ngày 21/4/1948, sau khi các yêu cầu của mình không được đáp ứng, công nhân Boeing đã đình công. Cuộc đình công kéo dài 20 tuần cho đến ngày 13/9/1948 thì thất bại.
Chủ tịch Boeing tuyên bố cuộc đình công là bất hợp pháp và tiến hành nhiều vụ kiện tụng về sự việc này. Boeing mất khoảng 1,25 tỷ USD cho các đơn đặt hàng của họ.
Hãng buộc phải thuê khoảng 50.000 người để bù đắp thời gian đã mất và đẩy nhanh các đơn đặt hàng chủ yếu sản xuất máy bay B-47, B-50 và C-97 cho Chính phủ Mỹ.
1965 và 1977
Cuộc đình công vào năm 1965 diễn ra sau thời kỳ bất ổn trong quan hệ giữa Boeing và IAM. Các cuộc đàm phán được mở vào tháng 7/1962 và kéo dài trong 10 tháng. Người lao động muốn tăng lương, cải thiện phúc lợi và an ninh công đoàn, cùng với các yêu cầu khác.
IAM đã thông báo một cuộc đình công diễn ra vào ngày 15/9/1962, khi hợp đồng trước đó sắp kết thúc.
Cuộc đình công đã không diễn ra vì Tổng thống Kennedy yêu cầu cả hai bên gia hạn đàm phán. Một hạn chót đình công mới được ấn định vào ngày 25/1/1963, nhưng Kennedy một lần nữa lại can thiệp, buộc công đoàn phải hoãn đình công cho đến ngày 15/4 cùng năm.
Chỉ vài giờ trước hạn chót, Boeing và IAM đã đi đến một thỏa thuận tạm thời mới, hết hạn vào tháng 9/1965.
Vào mùa hè năm 1965, các cuộc đàm phán lại diễn ra. Lần này, công đoàn không thể đạt được thỏa thuận với Boeing và bắt đầu đình công vào ngày 15/9/1965.
Với sự can thiệp của các nhà hòa giải liên bang, các bên tiếp tục đàm phán vào ngày 20/9 và đạt được thỏa thuận vào ngày 4/10, chỉ 19 ngày sau khi cuộc đình công bắt đầu.
Cuộc đình công năm 1977 diễn ra tương tự. Các cuộc đàm phán bắt đầu vào ngày 1/8 đến cuối tháng 9 năm 1974 khi IAM tìm cách tăng lương bền vững và cải thiện chương trình lương hưu. Hai bên thống nhất một thỏa thuận tạm thời trong vòng 3 năm cho đến tháng 10/1977.
Một lần nữa, các cuộc đàm phán lại thất bại. Cuộc đình công của IAM bắt đầu vào ngày 4/10/1977, một ngày sau khi hợp đồng trước đó chấm dứt. IAM và Boeing đã đạt được thỏa thuận sau 44 ngày vào ngày 15/11/1977.
1989
Cuộc đình công kéo dài 48 ngày diễn ra đúng vào thời kỳ Boeing gia tăng sản lượng. Khi đó Boeing có hơn 1.600 đơn đặt hàng sản xuất máy bay, khiến công ty phải đẩy nhanh tiến độ khoảng bốn lần so với chỉ 2 năm trước đó.
Do đó, nhiều nhân viên phải làm việc 7 ngày/tuần và tăng ca lên tới 200 giờ sau mỗi 3 tháng.
IAM bắt đầu đình công vào ngày 5/10/1989, với hy vọng được tăng lương và giảm giờ làm tăng ca.
Trong 48 ngày tiếp theo, IAM và Boeing đàm phán một thỏa thuận mới. Cuộc đình công chấm dứt vào ngày 22/11/1989.
IAM tuyên bố rằng đây là thỏa thuận tốt nhất mà thợ máy đạt được trong nhiều thập kỷ. Tất cả những yêu cầu về tăng lương và giảm giờ làm của thợ máy đều được đáp ứng.
Cuộc đình công khiến Boeing mất khoảng 2,5 tỷ USD doanh thu, tương đương khoảng 6,2 tỷ USD theo giá trị hiện tại. Vào năm trước đó, Boeing đã kiếm được 614 triệu USD lợi nhuận từ 17 tỷ USD doanh số bán hàng.
1995
Cuộc đình công năm 1995 diễn ra chủ yếu do IAM lo ngại về chế độ phúc lợi chăm sóc sức khỏe của Boeing không đảm bảo và việc làm của công nhân Mỹ bị ảnh hưởng bởi người lao động ở nước ngoài.
IAM từ chối một đề nghị mới của Boeing và đình công vào ngày 6/10/1995. Sau cuộc đình công kéo dài 69 ngày, họ đã đạt được thỏa thuận với Boeing vào ngày 14/12/1995. Không phải tất cả yêu cầu của công nhân đều được đáp ứng.
Hãng sản xuất máy bay đã đưa ra một số nhượng bộ về chế độ chăm sóc sức khỏe và an ninh việc làm cho những người lao động bị ảnh hưởng bởi hợp đồng phụ ở nước ngoài.
Boeing có thể chịu được cuộc đình công do số lượng đơn đặt hàng không quá cao và lịch trình giao hàng không quá gấp gáp. Sau khi cuộc đình công kết thúc, cổ phiếu Boeing đã đạt mức giá cao nhất vào thời điểm đó.
2005
Trong cuộc đình công năm 2005, IAM nhắm vào các vấn đề quen thuộc về chăm sóc sức khỏe, lương hưu và các nhà thầu phụ ở nước ngoài. Các cuộc đàm phán đã thất bại sau 3 tháng.
IAM quyết định đình công vào ngày 2/9/2005. Boeing lo ngại tiến độ sản xuất khiến sẽ bị ảnh hưởng và đối thủ Airbus hưởng lợi nếu cuộc đình công kéo dài quá lâu. Vì vậy Boeing đã nhượng bộ, đạt được thỏa thuận với IAM vào ngày 30/9/2005.
Cuộc đình công ước tính khiến Boeing thiệt hại khoảng 1 tỷ USD. Thay vì tăng cường sản xuất để bù đắp cho sự chậm trễ do cuộc đình công, Boeing đã kéo dài lịch trình giao hàng, gây ra những tác động tài chính lâu dài.
2008
Cuộc đình công năm 2008 diễn ra trong bối cảnh nhu cầu máy bay tăng vọt và lượng tồn đọng kỷ lục gần 3.700 đơn hàng của Boeing.
Cuộc đình công chủ yếu tập trung vào các vấn đề về hợp đồng phụ ở nước ngoài và an ninh việc làm.
IAM đình công vào ngày 6/9/2008 và đạt được thỏa thuận với Boeing 57 ngày sau đó vào ngày 1/11/2008. Các mối quan ngại xung quanh vấn đề an ninh việc làm, phúc lợi chăm sóc sức khỏe và tăng lương được giải quyết.
Cuộc đình công khiến Boeing thiệt hại khoảng 1,3 tỷ USD.
Tác động tới nền kinh tế
Mặc dù các cuộc đình công, đặc biệt là các cuộc đình công gần đây, gây nhiều tốn kém, cách chúng ảnh hưởng đến doanh thu của công ty trong những năm tiếp theo lại khác nhau.
Điều này có thể do Boeing thường trì hoãn thay vì hủy bỏ các đơn hàng. Vì vậy, doanh thu của họ bị dịch chuyển theo thời gian chứ không giảm.
Tuy nhiên một cuộc đình công của IAM không chỉ có tác động đến hoạt động của Boeing mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương và chuỗi cung ứng.
Boeing đã nộp hơn 200 triệu USD tiền thuế tại tiểu bang Washington vào năm 2022. Trong khi đó, các nhà cung cấp trên toàn tiểu bang đã nhận hơn 2,25 tỷ USD từ việc bán hàng cho Boeing.
Một cuộc đình công kéo dài sẽ có tác động không chỉ tại bang Washington mà còn lan tới phần còn lại của nước Mỹ.
Một cuộc đình công của IAM cũng góp phần gia tăng các hoạt động đình công lớn hơn. Ngày càng có nhiều công nhân tham gia vào các cuộc đình công và tình trạng nhàn rỗi do đó cũng tăng lên.
Riêng năm 2023, tình trạng đình công tại Mỹ đã dẫn đến hơn 16 triệu ngày nhàn rỗi. Trong giai đoạn 2000-2023, mỗi năm có không quá 4 triệu ngày nhàn rỗi do đình công.
Mức độ nhàn rỗi cao càng gây nhiều thiệt hại về kinh tế. Cuộc đình công của United Auto Workers, bắt đầu vào tháng 9/2023 và kéo dài 6 tuần, khiến Ford, GM và Stellantis mất tổng cộng 3,6 tỷ USD doanh thu.