Đình công ở Boeing có thể khiến tình trạng thiếu máy bay toàn cầu thêm trầm trọng
Cuộc đình công đầu tiên trong 16 năm của Boeing có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu máy bay toàn cầu, đẩy giá vé lên cao và buộc các hãng bay phải kéo dài thời gian khai thác đội tàu bay cũ.
Ngày 13/9, hơn 33.000 nhân viên nhà máy Boeing ở Seattle và Portland (Mỹ) ngừng làm việc sau khi hơn 96% thành viên công đoàn từ chối thỏa thuận về hợp đồng 4 năm. Sự việc dẫn tới chuỗi sản xuất dòng máy bay bán chạy nhất 737 MAX của hãng bị đình trệ.
Đây là đợt đình công lớn nhất của ông lớn sản xuất máy bay Mỹ từ 2008. Giám đốc tài chính của Boeing Brian West cảnh báo việc đình công kéo dài có thể làm tổn hại đến sản lượng và ảnh hưởng lớn tới sự phục hồi của công ty.
"Boeing là công ty quan trọng đối với ngành hàng không toàn cầu. Cuộc đình công tác động đến sản xuất và chắc chắn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung trên thị trường thời điểm hiện tại", Giám đốc tài chính của công ty cho thuê máy bay Avolon (Ireland) cho biết sau khi doanh nghiệp này thông báo đã mua một danh mục lớn máy bay phản lực từ Castlelake.
Các hãng hàng không đang gặp khó khăn trong việc mở rộng công suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, khi nguồn cung máy bay bị hạn chế do thiếu phụ tùng, vấn đề tuyển dụng trong toàn ngành và các xưởng bảo trì quá tải.
Các nhà phân tích cảnh báo triển vọng lợi nhuận trong giai đoạn kinh doanh quan trọng của ngành có thể kết thúc trước khi các hãng hàng không có cơ hội hưởng lợi khi cầu tăng, cung giảm.
"Sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể trước khi thấy được sự cân bằng đó. Tôi đang đưa ra các giả thuyết rằng không phải nguồn cung (thêm) sẽ điều chỉnh mà thay vào đó là nhu cầu giảm đi", Rob Morris, người đứng đầu bộ phận tư vấn toàn cầu tại Cirium Ascend cho biết.
"Một số người cho rằng giá vé máy bay chỉ có lợi cho các hãng hàng không trong thời gian ngắn. Quan điểm của tôi là (giá vé trung bình) sẽ tăng và khi giá vé tăng, tất cả các yếu tố khác không đổi, lưu lượng giao thông sẽ thấp hơn", nhà kinh tế hàng không Adam Pilarski, Phó chủ tịch cấp cao của công ty tư vấn AVITAS, dự đoán.
Khi Boeing ngừng sản xuất loại máy bay bán chạy nhất của mình, đối thủ Airbus của châu Âu cũng đang phải vật lộn để đạt được mục tiêu. Giám đốc điều hành Airbus Guillaume Faury bày tỏ sự lạc quan rằng nhà sản xuất máy bay châu Âu sẽ đạt được mục tiêu 770 tàu bay giao hàng trong năm nay, sau cảnh báo lợi nhuận và trục trặc về nguồn cung động cơ trong mùa hè.
Nhưng sau đợt giao hàng tăng đột biến trong thời gian ngắn vào tháng 7, các nguồn tin trong ngành đã đặt câu hỏi liệu nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới có thể vượt qua con số giao hàng 735 chiếc của năm trước hay không. Số lượng máy bay trong kho giảm dần và mức sử dụng máy bay hiện có ở mức cao kỷ lục càng khẳng định nguồn cung đang bị siết chặt.
Hiện, mức sản xuất thấp hơn của Boeing so với Airbus có thể hạn chế tác động gia tăng của cuộc đình công. Tuy nhiên, giới phân tích cho biết các hãng hàng không khó điều động thêm tàu bay. Các công ty cho thuê cũng sắp hết công suất, các hãng vận tải cần duy trì máy bay hiện có bay lâu hơn.
Trong gần 15 năm qua, độ tuổi trung bình của đội bay đã giảm do các hãng hàng không và công ty cho thuê máy bay tận dụng lãi suất thấp để đầu tư vào các máy bay tiết kiệm nhiên liệu mới. Theo dữ liệu của Cirium, trong năm 2010, độ tuổi trung bình của đội máy bay một lối đi được sử dụng rộng rãi là khoảng 10,2 năm.
Sau khi giảm xuống còn 9,1 năm trong thời kỳ đại dịch xảy ram khi các hãng hàng không cho dừng đội tàu bay, độ tuổi này bắt đầu tăng trở lại. Morris cho biết hiện tại nó đang ở mức 11,3 năm và vẫn đang tăng lên, bất chấp những nỗ lực nhằm đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, vốn phụ thuộc một phần vào việc hiện đại hóa các máy bay đang hoạt động.
Morris nói: "Điều đó có nghĩa là chúng ta đang đốt nhiều CO2 hơn mức cần thiết do sử dụng nhiều máy bay cũ hơn… Vì vậy một trong những điều có thể sai sót là tính bền vững".