Yếu tố giúp Airbus vượt mặt Boeing
Airbus được cho là thành công lớn nhất của chính sách đầu tư công trong lịch sử hiện đại. Đây là nhà sản xuất máy bay thương mại số 1 thế giới, với lực lượng lao động toàn cầu là 121.000 người.
Airbus được thành lập vào năm 1967 bởi Chính phủ Pháp, Đức và Anh. Mục tiêu của 3 chính phủ này là tái khởi động chương trình sản xuất máy bay thương mại của châu Âu, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà sản xuất máy bay của Mỹ.
Trong những năm trước đó, một số nhà sản xuất máy bay của châu Âu đã thất bại trong việc duy trì sản xuất khi không thể cạnh tranh với Boeing, Lockheed và McDonnell Douglas từ bên kia Đại Tây Dương.
Đầu tư vào nghiên cứu phát triển
Năm 2011, Airbus giới thiệu máy bay A320neo. Trong suốt 10 năm trước đó, Airbus liên tục giành được thị phần từ Boeing với máy bay thân hẹp A320.
Để ra đời A320 - mẫu máy bay bán chạy nhất của mình - Airbus đã phải trải qua thời gian dài tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D).
Lãnh đạo Airbus nhận ra để thách thức các nhà sản xuất của Mỹ trên thị trường toàn cầu, cần phải có những sản phẩm thực sự mới mẻ và khác biệt.
Hai cải tiến quan trọng thể hiện rõ trên máy bay Airbus vào cuối những năm 1980 là hệ thống điều khiển điện tử “fly-by-wire” và sử dụng vật liệu tổng hợp composite để giảm trọng lượng máy bay, từ đó tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Fly-by-wire thay thế các điều khiển cơ học của phi công bằng các điều khiển điện tử kỹ thuật số. Đây là cuộc cách mạng trong việc điều khiển máy bay, giúp giảm thiểu những sai sót của phi công, khiến việc bay trở nên an toàn và hiệu quả hơn
Trong khi đó, 2 cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1970 đẩy giá nhiên liệu máy bay tăng vọt. Hiệu quả sử dụng nhiên liệu trở thành tiêu chí cạnh tranh chính của các nhà sản xuất tàu bay.
Nhưng Airbus vẫn chưa hoàn toàn hài lòng về sản phẩm của mình. Ngay cả khi hiệu suất hoạt động của A320 được đánh giá cao, Airbus vẫn tìm kiếm những động cơ mới và cải tiến cấu trúc đầu cánh (winglets) giúp A320 tiết kiệm nhiên liệu và êm ái hơn.
Đó là lý do A320neo ra đời. Tại Triển lãm hàng không Paris vào tháng 6/2011, A320neo đã trở thành hiện tượng. Triển lãm là một chiến thắng lớn cho Airbus, đánh bại đối thủ lớn của mình là Boeing.
Tại đây Airbus đã nhận được 730 đơn đặt hàng so với chỉ 132 đơn đặt hàng của Boeing. Trong đó, A320neo chiếm tới 600 đơn đặt hàng. Vào ngày cuối cùng của triển lãm, AirAsia đã công bố đơn đặt hàng khổng lồ gồm 200 máy bay A320neo.
Một tháng sau, American Airlines, một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới và khi đó chỉ là sử dụng máy bay Boeing, đã đặt hàng 260 máy bay Airbus và chỉ 200 máy bay Boeing. Ngày nay, American Airlines vận hành một đội tàu bay hỗn hợp với phần lớn máy bay từ Airbus.
A320neo và các máy bay trong dòng A320 đã giành thị phần từ Boeing nhờ nhiều cải tiến, giúp tối ưu hiệu quả kinh tế cho khách hàng. Máy bay của Airbus cho phép các hãng hàng không chở nhiều hành khách hơn trên những chặng đường dài hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Dùng người Mỹ đánh bại người Mỹ
Scott Hamilton, tác giả của Air Wars, một nghiên cứu về sự cạnh tranh giữa Airbus và Boeing, cho rằng chiến thắng của Airbus là nhờ vào chiến lược của cựu Giám đốc bán hàng John Leahy. Ông ta là một người Mỹ và từng là nhân sự của Boeing trước khi gia nhập Airbus.
Leahy chủ trương nhắm vào các hãng hàng không lớn nhất của Mỹ. Ông tin rằng Airbus phải chiếm ít nhất 50% thị phần hàng không thế giới và không thể đạt được mục tiêu đó nếu không có những chiến thắng lớn tại thị trường Mỹ.
Với sự am hiểu văn hóa tại Boeing, Leahy tin rằng hãng sản xuất máy bay Mỹ chi rất ít cho hoạt động nghiên cứu.
Nếu Airbus đưa ra A320neo và A321neo, Boeing chỉ có thể tung ra một chiếc 737 được tân trang lại thay vì một thế hệ máy bay phản lực hoàn toàn mới, được thiết kế từ đầu.
Theo Hamilton, Leahy đã thành thành công với ván cược của mình, buộc Boeing cho ra đời chiếc máy bay cuối cùng được đặt tên là 737 MAX. Hai dòng máy bay A320neo và 737 MAX đã thiết lập thị trường máy bay thân hẹp trong ít nhất 15 năm tiếp theo.
Loại bỏ sự can thiệp của chính phủ
Vào năm 2012, Airbus nỗ lực tiếp quản nhà thầu quốc phòng Anh British Aerospace. Chính phủ Đức đã chặn thương vụ này vì lo ngại sẽ giảm việc làm tại Đức hoặc làm hạ tầm ảnh hưởng của nước này đối với Airbus.
Giám đốc điều hành Airbus khi đó là Tom Enders không khỏi thất vọng về việc này. Enders đã cải tổ Airbus nhằm làm giảm quyền lực của Chính phủ Pháp và Đức trong công ty.
Chính phủ 3 nước Pháp, Đức và Tây Ban Nha nhận ra rằng áp lực chính trị có thể gây tổn hại đến lợi ích của họ tại Airbus. Vì vậy, họ đã ủng hộ đề xuất của Enders về một cấu trúc công ty thống nhất.
Mô hình công ty mới đơn giản hơn thúc đẩy quá trình ra quyết định nhanh hơn và trao cho Enders nhiều quyền tự do hơn để hành động.
Enders cũng thực hiện cắt giảm biên chế quản lý và công nhân để tăng lợi nhuận. Sau khi đạt được sự tương thích về quy mô so với Boeing, ông đã tăng tỷ lệ đầu vào các sản phẩm trong tương lai.
Vào năm 2016, quá trình tái tổ chức đã hoàn tất. Airbus hiện có 1 trụ sở tại Toulouse (Pháp), thay vì có 2 trụ sở như trước đây.
Pháp và Đức mỗi nước nắm giữ khoảng 10% vốn chủ sở hữu của Airbus và Tây Ban Nha nắm giữ khoảng 5%. Số còn lại được giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán lớn của châu Âu.
Hãng sản xuất máy bay số 1 thế giới
Các số liệu cho thấy đơn đặt hàng máy bay và tổng doanh thu của Airbus gần tương đương với Boeing. Tuy nhiên, khoảng 1/3 doanh thu của Boeing đến từ quốc phòng, một thị trường mà Airbus không tham gia.
Nếu tính riêng thị trường máy bay thương mại, Airbus đang dẫn trước đối thủ.
Airbus thua kém đáng kể so với Boeing về thu nhập ròng cho đến năm 2021. Nhưng sau hai vụ tai nạn máy bay 737 MAX, Boeing đã mất dần doanh số bán máy bay, khiến công ty phải chịu lỗ hàng năm kể từ năm 2019.
Theo Aviation Safety Network, kể từ năm 1975 đã có 149 vụ tai nạn chết người liên quan đến máy bay Boeing nhưng chỉ có 24 vụ liên quan tàu bay Airbus.
Boeing cho biết hãng sẽ bị âm dòng tiền trong năm nay vì phải bơm tiền để khắc phục các vấn đề về chuỗi cung ứng và tăng sản lượng.
Nhìn về thành công của Airbus, nhiều người đặt câu hỏi tại sao Boeing không thể tìm cách thoát ra khỏi tình hình khó khăn sau 5 năm.
Các chuyên ra cho rằng Hội đồng quản trị của Boeing đã không có hành động quyết liệt để giải quyết những vấn đề sâu sắc mà công ty đang phải gánh chịu.
Đối với các cổ đông lớn, những người sở hữu phần lớn cổ phiếu của Boeing, việc bán cổ phiếu dễ hơn nhiều so với việc cố gắng thực hiện thay đổi tại công ty.
Cổ phiếu Boeing đã giảm 49% trong 5 năm qua, trong khi S&P 500 (chỉ số chứng khoán dựa trên vốn hóa của 500 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ) đã tăng khoảng 90%.
Cựu Giám đốc điều hành Boeing Calhoun đã kiếm được 32,8 triệu USD vào năm ngoái, trong khi danh tiếng và giá cổ phiếu của công ty ngày càng đi xuống.
Boeing là một công ty khổng lồ, từ vị trí cao cấp trong ngành hàng không vũ trụ toàn cầu trở thành một tổ chức phải vật lộn để duy trì danh tiếng.
Kết luận
Nếu không tính các công ty quốc doanh của Trung Quốc, Airbus được cho là công ty nhà nước thành công nhất thế giới. Thành công của Airbus cho thấy quyền sở hữu nhà nước có thể thành công, nếu chính phủ không can thiệp sâu vào việc điều hành công ty.
Ngoài ra, Airbus đã loại bỏ chủ nghĩa dân tộc quá mức khi quyết định thuê một người Mỹ làm người đứng đầu bộ phận bán hàng và nhắm mục tiêu vào chính thị trường hàng không Mỹ.
Những thành tựu của Airbus là nhờ một số yếu tố không thường thấy ở các doanh nghiệp nhà nước và do nhà nước điều hành như:
- Hãng đã không ngừng đầu tư vào nghiên cứu phát triển để cho ra những công nghệ đột phá. Năm 2023, Airbus chi 3,8 tỷ USD cho hoạt động R&D, nhiều hơn Boeing 400 triệu USD.
- Nhà sản xuất máy bay châu Âu cũng sẵn sàng đánh đổi số lượng việc làm và các kế hoạch phát triển để ưu tiên cho các mục tiêu thương mại mà vẫn không gây nguy hiểm cho toàn bộ công ty.
- Airbus cũng đưa ra nhiều biện pháp để hạn chế tối đa sư can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các cổ đông chính phủ.
- Tuyển dụng những nhân tài giỏi nhất bất kể quốc tịch.